Dịch Covid-19 phức tạp, các tỉnh đều phải cảnh giác, chủ động giám sát

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 31/07/2020 06:37 AM (GMT+7)
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, không chỉ các tỉnh đang có dịch mà tất cả các tỉnh đều phải cảnh giác với dịch, chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh.
Bình luận 0

Chỉ trong 5 ngày (từ 25-30/7), cả nước đã phát hiện 48 ca Covid-19 trong cộng đồng. Đa số các ca bệnh tập trung ở các BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, trong đó bệnh nhân chiếm đa số rồi đến người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế... 

Đáng nói, các bệnh nhân bị mắc Covid-19 đa số đều cao tuổi, có 5-6 bệnh lý nền. Do đó, có nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Hiện đã có 2 bệnh nhân phải dùng tim phổi nhân tạo ECMO, 3 bệnh nhân phải thở máy. 5 bệnh nhân Covid-19 trên nền bệnh lý suy thận cũng đã được chuyển ra BV Trung ương Huế để tăng cường điều trị. 

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, đây là giai đoạn có tình hình lây nhiễm tại cộng đồng. Trong thời gian qua đã phát hiện nhiều ca bệnh trong BV, khẳng định rằng, bệnh lây lan từ cộng đồng vào. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng phát hiện cũng phát hiện ra một vài ca ngoài cộng đồng không liên quan đến các BV.

Một số các trường hợp bệnh xảy ra như Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM, Đắk Lắk đều là những người đi thăm bệnh nhân tại BV Đà Nẵng hoặc đến Đà Nẵng du lịch, học tập... Tại các địa phương ngoài Đà Nẵng cũng chưa phát hiện ra ca lây nhiễm ngoài cộng đồng nào mà không liên quan đến Đà Nẵng.

Dịch Covid-19 phức tạp, tập trung toàn lực "chia lửa" với Đà Nẵng - Ảnh 1.

Về việc nhiều người lo ngại không truy ra ca F0 (ca bệnh lây nhiễm đầu tiên), PGS Phu chia sẻ: "Mất dấu F0 (ca Covid-19 đầu tiên) là tình trạng trung của nhiều nước trên thế giới. Việc phát hiện ra F0 là cần thiết nhưng không quá quan trọng. Việc quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải tìm ra các ca liên quan, các ca tiếp xúc gần F1, F2, những ổ dịch mới trong cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch một cách quyết liệt, triệt để". 

Theo PGS Phu, hiện Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk đều đã xuất hiện những ca bệnh là người du lịch, học tập từ Đà Nẵng về. Do đó, thời gian tới các tỉnh thành khác cũng có thể xuất hiện các ca bệnh vì Đà Nẵng là địa điểm du lịch lớn, thu hút người dân của cả nước đến tham quan. 

Vì vậy, không chỉ Hà Nội hay TP.HCM mà tất cả các tỉnh phải cảnh giác với dịch, phải có giám sát chủ động, kiểm soát những người từ Đà Nẵng về, kiểm soát những người có các triệu chứng ho, sốt ở các bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện sớm các ca bệnh.

Dịch Covid-19 phức tạp, tập trung toàn lực "chia lửa" với Đà Nẵng - Ảnh 2.

Nhận định về chủng virus SARS-CoV-2 mới đang lây nhiễm các ca bệnh Covid-19 ở nước ta hiện nay, PGS Phu nhận định, củng virus SARS-CoV-2 đang gây bệnh Covid-19 lần này ở Việt Nam tuy mới ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện ở nhiều nước khác trên thế giới. Tuy chủng này được đánh giá là khả năng lây lan nhanh hơn nhưng không tăng độc lực. Do đó chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp đáp ứng như thời gian qua.

Về việc một số người dân sợ bị bệnh đã kê khai gian dối để được xét nghiệm xem mình có nhiễm Covid-19 hay không, PGS Phu đánh giá, điều này là không cần thiết, gây lãng phí, quá tải các phòng xét nghiệm và gây hoang mang.

"Tôi phải khẳng định, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là xét nghiệm có chỉ định với tất cả người đi từ Đà Nẵng về có liên quan đến ổ dịch thì cần xét nghiệm ngay. Những người đi từ Đà Nẵng về có hiện tượng ho sốt cũng được chỉ định xét nghiệm. Còn những người đi từ Đà Nẵng về không đến vùng dịch, không ho sốt thì cần khai báo y tế, tự cách ly tại nhà theo khuyến cáo của ngành y tế.

Còn biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay cho người dân vẫn là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc gần trong không gian hẹp, khai báo y tế...", PGS Phu khuyến cáo. 

Chiều muộn ngày 30/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng tương đối phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện (BV): BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa).

Hiện Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác đến Đà Nẵng để trợ giúp, với nhiều chuyên gia hàng đầu về dịch tễ, xét nghiệm, điều trị... Gần nhất, 1 đoàn bác sĩ từ gồm 30 chuyên gia y tế của BV Bạch Mai do GS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV dẫn đầu đã đến Đà Nẵng để trợ giúp công tác hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm...

Viện Pauster TP.Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. BV của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến nhằm tăng năng lực xét nghiệm cho Đà Nẵng. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố này đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/1 ngày.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cần phải tiến hành các biện pháp nhanh nhất để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cho người dân Đà Nẵng.

Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng và BV Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng đã được BV Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho Đà Nẵng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế đang tập trung cả về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ Đà Nẵng cũng như các địa phương có dịch, từ kiểm soát dịch bệnh cho đến điều trị bệnh nhân. Hiện ngành y tế đang kiểm soát được dịch bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết hệ thống y tế vẫn đủ năng lực chống đỡ, khả năng thu dung cách ly và điều trị vẫn đáp ứng. Giai đoạn trước, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản tiếp nhận và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng tùy vào tình hình dịch bệnh cũng như số lượng bệnh nhân mà kế hoạch đón công dân về nước có thể thay đổi.

Về trang thiết bị y tế, hiện ngành có khoảng 7.000 máy thở ở các bệnh viện. Các máy ECMO vẫn đủ để điều trị trong giai đoạn hiện tại. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Việt Nam có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng. Hầu hết bác sĩ được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.



-. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem