Dịch Covid-19: Việt Nam chuẩn bị sang trạng thái “bình thường mới”

Bạch Dương Thứ ba, ngày 21/04/2020 10:39 AM (GMT+7)
Nhận định về tình hình dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam đã có thành quả bước đầu và sự chuẩn bị chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
Bình luận 0

Phải chấp nhận một số quy định về hành vi...

Ông Nhân cho biết, ngoài dự báo, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu sau 70 ngày. Đến thời điểm hiện nay, có thể phân ra có 3 nhóm nước xét theo quy mô số người nhiễm:

Nhóm 1: Các nước có trên 100.000 người nhiễm gồm 6 nước: Mỹ (740.000 người nhiễm), Tây Ban Nha (195.000), Ý (176.000), Pháp (152.000), Đức (144.000) và Anh (115.000). Tất cả 6 nước này đều là nước phát triển, có thu nhập đầu người cao (từ 30.000 USD đến 65.000 USD/người), có tổng số người nhiễm là 1,523 triệu người và chiếm tới 65% số người nhiễm toàn cầu, trong khi tổng dân số là 655 triệu người, chỉ chiếm 8,5% dân số thế giới và tạo ra năm 2019 hơn 34.140 tỉ USD GDP, chiếm gần 39% GDP thế giới.

img

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Nhóm 2: Các nước có trên 10.000 người nhiễm đến dưới 100.000 người nhiễm gồm 18 nước, trong đó có Trung Quốc có 82.735 người nhiễm, Thổ Nhĩ Kỳ 82.329, Iran 80.868, Nga 42.853, Ấn Độ: 16.365; Thụy Điển: 13.822, Israel: 13.362, Hàn Quốc: 10.061, Nhật Bản: 10.296... 18 nước này có 584.633 người nhiễm tính đến ngày 18/4, chiếm 25% tổng số người nhiễm toàn thế giới và 19.563 người chết, chiếm 12% số người chết toàn cầu, trong khi có dân số 3.657 triệu, chiếm 47,5% dân số thế giới và GDP là 34.694 tỉ USD, bằng 40% GDP toàn cầu.

Nhóm 3: Các nước có dưới 10.000 người nhiễm, gồm 186 nước.

Tùy theo quan điểm của lãnh đạo các nước về phòng, chống dịch Covid-19, điều kiện cụ thể của hệ thống y tế, nhận thức về Covid-19 và thói quen sinh hoạt của người dân, mà sau 80 - 90 ngày từ khi có người nhiễm đầu tiên ở một nước, diễn biến lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau, có thể dẫn tới đại dịch, dịch vừa phải hoặc không có dịch, chỉ có lây nhiễm kiểm soát được.

Việt Nam có dân số 99 triệu người, chuyển giai đoạn 29/3, tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân là 1,9. Tổng số người đang điều trị: 163; tỉ lệ người điều trị/1 triệu dân: 1,6. 38/63 tỉnh, thành phố (60%) không có người nhiễm từ 23/1. Hệ số lây nhiễm là 0.64.

Ông Nhân nhận định, các nước có đại dịch và dịch ở mức trung bình, nhưng số người phải điều trị ở bệnh viện vẫn không ngừng tăng lên (Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Thụy Điển…) sẽ phải tìm mọi cách để chặn đứng sự lây nhiễm cho đến khi nào số người phải điều trị tại các bệnh viện không tăng mà giảm. 

Một số giải pháp sẽ được giải quyết trong giai đoạn này là: Cấm đi lại trên toàn quốc (trừ các trường hợp đặc biệt) hoặc ở các vùng có tỉ lệ tổng số người phải chữa bệnh cao, cách ly người bị nhiễm và người đã tiếp xúc, nâng cao năng lực các bệnh viện, chăm sóc các nhà dưỡng lão, đảm bảo đáp ứng thực phẩm, dịch vụ y tế cho nhân dân.

Các nước đã chuyển giai đoạn, phải thiết kế lộ trình và các điều kiện phù hợp để nới lỏng sự hạn chế đi lại, tiếp xúc, giao lưu của người dân; mở lại trường học, cửa hàng, các dịch vụ một cách phù hợp, đưa ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động mới của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để không làm lây lan Covid-19 mạnh dẫn đến dịch. 

“Chừng nào chưa có vắcxin thì khi đó không thể loại trừ lây nhiễm Covid-19, song có thể được kiểm soát như đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác. Mỗi người, mỗi cơ quan doanh nghiệp, ngành nghề phải chấp nhận một số quy định về hành vi cá nhân và hoạt động của cơ quan mình, doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình, địa phương của mình khác trước để phòng bệnh truyền nhiễm Covid-19 và ngăn chặn không để xảy ra dịch Covid-19”, ông Nhân nói.

Tại TP.HCM, các cơ quan, doanh nghiệp phải đặt ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc từng ngành nghề để sản xuất, kinh doanh, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện mà không làm lây nhiễm Covid-19. Trong tháng 4/2020, TP.HCM cần hoàn thành các công việc này để triển khai áp dụng từ tháng 5/2020.

Nhu cầu của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu

Từ thực tiễn của Việt Nam và bài học của các nước có thể hình dung: Nếu kiểm soát xâm nhập dịch từ bên ngoài vào Việt Nam tốt, phòng dịch trong nước ở tất cả các địa phương, ngành nghề, gia đình và mỗi người tốt thì khi số người nhiễm Covid-19 cần điều trị một lúc ở Việt Nam không quá 1.000 người, thậm chí lên đến 2.000 người thì hệ thống y tế Việt Nam vẫn xứ lý được, không quá tải, không gây rối loạn bệnh viện và xã hội. 

Do nhiều nước là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam còn đang chống dịch, kinh tế chưa phục hồi nên cần lấy nhu cầu trong nước của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp, đồng thời bám sát nhu cầu tăng lên từng ngày của các nước đã chuyển giai đoạn để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư hai chiều với các đối tác này.

img

Giãn cách trong sản xuất tại cty Pouyuen

Việc chuyển từ trạng thái chống dịch ở các nước đang có dịch hoặc phòng dịch ở các nước chưa có dịch, tuy có lây nhiễm ở quy mô nhỏ, sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với sự tham gia tích cực, hiểu biết và nghiêm túc của người dân trong một lộ trình khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau từ nay đến hết năm 2020, để mỗi địa phương và đất nước phục hồi đời sống và sản xuất kinh doanh nhanh nhất với điều kiện không để xảy ra nguy cơ dịch đáng kể. 

Một số trạng thái bình thường mới có thể hình dung như: Việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng đồng, khi gặp gỡ giao lưu với người khác trong một thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn). Người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid-19 đến Việt Nam phải được thử có virus hay không và cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu đáng nghi ngờ lây nhiễm. 

Khi phát hiện có người bị dương tính với Covid-19 thì người đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày.

Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe…) phải được quy định, có mức tối thiểu.

Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, mittinh, du lịch, hội họp…)

Thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, xe, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem