Dịch khảm lá sắn hoành hành: Nhiều nông dân vẫn “vô tư” xuống giống

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 30/08/2018 13:30 PM (GMT+7)
Là tỉnh đầu tiên bị nhiễm dịch bệnh khảm lá, Tây Ninh hiện có diện tích sắn bị bệnh này lớn nhất nước. Trớ trêu là hiệu quả công tác phòng chống dịch lại đi ngược với quyết tâm của tỉnh này.
Bình luận 0

Tính đến giữa tháng 7.2018, diện tích sắn bị nhiễm dịch bệnh trên toàn tỉnh đã tăng lên hơn 32.500ha; chiếm 92% diện tích sản xuất, tăng gấp 5,6 lần so với năm 2017.

Vượt tầm kiểm soát

Trước đó, từ giữa năm 2017, Tây Ninh đã ghi nhận cục bộ có 34ha sắn trồng tại khu vực biên giới huyện Tân Châu, Tân Biên bị bệnh quăn lá. Đến tháng 11.2017, toàn tỉnh có hơn 5.850ha bị nhiễm bệnh, chiếm 13,6% diện tích sản xuất. 

img

 Tỉnh Tây Ninh đang siết chặt kiểm soát chất lượng giống sắn. ảnh: Vũ Nguyệt

Ngay sau khi nhận được công điện khẩn của Bộ NNPTNT ngày 19.7.2017, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định công bố dịch bệnh và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, dập dịch. Tuy nhiên, khảm lá là loại bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện và chưa có bất kỳ nghiên cứu nào được công bố. Việc tìm kiếm giải pháp trở nên phức tạp, dịch bệnh tiếp tục lây lan vượt tầm kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tây Ninh, do tiếp giáp với Campuchia, địa bàn tỉnh trở thành nơi thường xuyên xuất hiện các loại bệnh “lần đầu tiên có mặt”. Riêng cây sắn, thời gian qua, công tác phòng chống dịch chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Trong đó, việc nhổ, gom, đốt cây bị bệnh trên diện tích có tỷ lệ nhiễm dưới 70% không khả thi, không triệt để. Công tác phun thuốc BVTV trừ bọ phấn trắng kéo dài tại các huyện có diện tích nhiễm lớn, trong khi hiệu lực của thuốc chỉ khoảng 7 ngày. Sau thời gian này, bọ phấn trắng tiếp tục tái nhiễm trở lại trên ruộng và lây lan nguồn bệnh.

Theo ông Hồng, người sản xuất cũng không tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Nhiều hộ dân không có kinh nghiệm và vốn để chuyển đổi sang cây trồng khác nên tiếp tục tái canh cây sắn, nhất là những hộ xâm canh, chọn trồng sắn vì ít vốn, ít tốn công chăm sóc, bảo quản.

Trong khi đó, ông Giáp Văn Tăng - nông dân trồng sắn ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho rằng, chi phí hỗ trợ đối với cây trồng thiệt hại do dịch bệnh là quá thấp, khó thuyết phục nông dân tiêu hủy sắn bị bệnh. Cụ thể, theo Nghị định 02/2017, khi bị thiệt hại trên 70% thì mức hỗ trợ chỉ 2 triệu đồng.

Trước đó, ông Tăng có gần 2ha sắn bị nhiễm bệnh nặng. Trong khi riêng tiền thuê đất đã là 20 triệu đồng/ha, cộng tiền phân bón, cây giống đầu tư hết gần 40 triệu đồng/ha. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình ông và nhiều hộ nông dân khác đã đổ trên ruộng sắn.

Ông Tăng cho rằng, đề nghị nông dân tiêu hủy mà tiền hỗ trợ quá thấp thì rất khó thuyết phục, hoặc dùng tiền hỗ trợ đó để nông dân mua giống mới cũng không hiệu quả. Không riêng gì Tân Châu, mà các huyện còn lại cũng gặp khó khăn tương tự trong công tác vận động  tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh.

img

Bệnh khảm lá sắn đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đại diện Chi cục BVTV cho biết hiện nay, tỉnh Tây Ninh chưa có giống sắn chống kháng bệnh khảm lá. Hầu hết các loại giống sắn trồng trong tỉnh đã mẫn cảm với bệnh. Đến nay, tỉnh vẫn khó kiểm soát chất lượng nguồn giống ngay từ phía nông dân. Một nguyên nhân đáng chú ý khác là diện tích lây nhiễm lại lớn, liên quan đến hơn 10.000 hộ dân trong đó có các địa bàn biên giới. Các cấp chính quyền chưa  thể mạnh dạn áp dụng các chế tài trong phòng chống dịch. 

Thực tế trêu ngươi

Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh đánh giá, trong công tác phòng chống dịch khảm

Sở NNPTNT tỉnh cho biết, trong tỉnh vẫn có một điểm sáng có khả năng nghiên cứu ứng dụng để quản lý bệnh khảm lá, đó là vùng bán ngập ở lòng hồ Dầu Tiếng. Khu vực trồng sắn này có vị trí tương đối biệt lập với các vùng sản xuất lân cận do có bờ đê cao chắn gió và vùng nước nổi xung quanh. Yếu tố này tạo nên tiểu vùng khác biệt (về gió, giao thông, vận chuyển) có thể hạn chế sự phát tán của nguồn bệnh nên chưa bị lây nhiễm bệnh trong năm 2017.  

lá, các thông tin khoa học được tuyên truyền hoàn toàn đúng. Thế nhưng, việc triển khai lại không được như mong muốn. Đặc biệt là ngay trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh, năng suất sắn sụt giảm khiến sản lượng giảm theo. Điều này làm thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu cho chế biến, dẫn tới giá sắn tăng cao.

Từ quý IV.2017 đến nay, giá củ sắn tươi tăng cao từ 2.200 - 3.700 đồng/kg đã kích thích nông dân tiếp tục xuống giống và không tuân thủ hướng dẫn của địa phương. Tính trên 1ha, chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng, cho năng suất 25 tấn. Với giá bán 3.000 đồng/kg; nông dân thu lợi nhuận 35 triệu đồng.

Vì thế, theo ông Ân, dù dịch bệnh tràn lan nhưng oái ăm là nông dân sản xuất vẫn có lời nên bà con vẫn xuống giống cho các vụ trồng tiếp theo. Công tác tiêu hủy diện tích bệnh nặng thành ra so le, không đồng loạt, người làm trước kẻ làm sau, người đồng ý kẻ làm lơ.

“Hiện nhiều nơi ở Tây Ninh đã bỏ trắng ruộng vì sắn vừa ra lá đã bị nhiễm. Dịch bệnh như muốn trêu ngươi người phòng chống bệnh” - ông Ân cảm thán. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem