Dịch tả lợn châu Phi hoành hành: Những câu hỏi lớn về trách nhiệm?!

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 23/05/2019 16:20 PM (GMT+7)
Theo thông tin chính thức từ Bộ NNPTNT, tính đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và xảy ra ở gần 40 tỉnh, thành cả nước với ít nhất 1,6 triệu con phải tiêu hủy; khối lượng lợn tiêu hủy đã lên tới 65.000 tấn. Tình trạng này đang được nhận định là mất kiểm soát, vỡ trận. Vậy, vì sao dịch tả lợn châu Phi lại lan rộng với tốc độ khủng khiếp như vậy.
Bình luận 0

Dịch không có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng, chống: 

Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh nguy hiểm nhất đối với kinh tế phát triển chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. “Lịch sử ngành chăn nuôi lợn chưa bao giờ có. Con virus này xuất hiện ở châu Phi từ 1921, độc tố của nó nhanh đến mức độ sa đàn nào là 100% chết”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết thêm, con đường lây truyền của dịch này đi nhiều đường như chim, chuột, sâu bọ côn trùng, con người, dây ra quần áo, phương tiện, gió bốc phế thải bay từ nơi này qua nơi khác, thậm chí ở con lợn rừng lây rất nhanh.

img

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, loại dịch tả này đến nay không có thuốc phòng và thuốc chữa nên buộc phải tiêu huỷ. Hiện trên thế giới đã xuất hiện ở cả 5 châu, 60 nước. Có quốc gia ở hòn đảo không có người vẫn có dịch. Xung quanh Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanma đều đã có dịch.

Lúng túng trong khâu triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi:

Ngày 19/2, lần đầu tiên Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã tổ chức họp báo công bố 2 ổ dịch tả lợn châ Phi lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Kể từ đó, việc khống chế dịch đã không thực hiện được và dịch tiếp tục lây lan ra hầu như toàn bộ khu vực miền Bắc và đến nay đã xảy ra ở khắp các vùng, miền của nước ta với gần 40 tỉnh, thành đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Bộ NNPTNT đã công bố 2 kịch bản ứng phó khẩn cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 kịch bản này khi đưa vào thực hiện còn gặp nhiều lúng túng, như việc: Thiếu lực lượng thú y cơ sở, quá trình trả kết quả xét nghiệm lợn bệnh quá lâu; các địa phương lúng túng trong việc triển khai tiêu hủy lợn bệnh, vệ sinh môi trường...

"Mù" thông tin về dịch tả lợn châu Phi:

Cho dù dịch tả lợn châu Phi được FAO kết luận là không lây nhiễm sang người, song đây lại là loại virus cực kỳ nguy hiểm với đàn vật nuôi. Tuy nhiên, khác với các loại dịch bệnh khác, nhiều địa phương phản ánh họ rất thiếu thông tin về hướng dẫn phòng, chống dịch; cũng như diễn biến dịch bệnh hàng ngày. Đơn cử như ngay tại Hà Nội, lãnh đạo Sở NNPTNT TP đã phải lên tiếng phàn nàn về việc không được cung cấp thông tin về diễn biến dịch tả lợn châu Phi, phải tự đi các địa phương khác để tìm hiểu.

Hà Nội hiện là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch tả lợn châu Phi, khi phải tiêu hủy hơn 120.000 con lợn với khối lượng trên 8.100 tấn, ước số tiền cần hỗ trợ tiêu hủy lên đến hơn 300 tỷ đồng.

Chính vì việc thiếu, thậm chí giấu thông tin về dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến việc dư luận xã hội nhầm tưởng dịch đã được khống chế; sau sau bài viết "Vì sao không công bố thông tin dịch tả lợn châu Phi thường xuyên?"  trên Báo Dân Việt ngày 10/5, Bộ NNPTNT đã công bố thông tin chính thức sau đó cho thấy đã có tới 1,22 triệu con lợn bệnh bị tiêu hủy (thay vì con số 394.000 như công bố trước đó đã lâu). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát khắp nơi và đến ngày 13/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phải chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp về phòng chống dịch tả với tất cả các địa phương trong cả nước.

img

Ngày 17/5, lần đầu tiên đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thậm chí, đến ngày 17/5, lần đầu tiên đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ngày 20/5, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 34-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Kinh phí đâu chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch?:

Theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, với mỗi kg lợn hơi khi tiêu hủy do dịch bệnh được hỗ trợ với định mức 38.000 đồng và nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách dự phòng của địa phương. Theo thông tin chính thức mà Bộ NNPTNT công bố, đến nay đã có 65.000 tấn lợn phải tiêu hủy, trong số này gồm rất nhiều lợn nái và lợn con được nhân hệ số 1,8 lần, thì số tiền cần hỗ trợ cho người dân ít nhất lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính tới kinh phí chôn lấp, dập dịch, hóa chất tiêu độc, khử trùng.

Tuy nhiên, theo nhiều phản ánh của các địa phương, việc này đã rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Thái Bình có tới 300.000/900.000 con lợn phải tiêu hủy với kinh phí cần hỗ trợ lên đến 470 tỷ đồng; song đến nay địa phương mới chỉ bố trí được 100 tỷ đồng.

Chính vì thiếu kinh phí, nên việc triển khai giải ngân vốn hỗ trợ tại các địa phương rất chậm. Như tại Hưng Yên - tỉnh xảy ra dịch sớm nhất cả nước, đến nay mới chỉ tổ chức hỗ trợ được cho 68 hộ dân và cả tỉnh mới cấp kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh được 2,9 tỷ đồng.

TP Hải Phòng mới hỗ trợ được 6 hộ dân và chỉ mới cấp cho công tác phòng chống dịch bệnh 4,8 tỷ đồng (riêng phần chi hỗ trợ cho 6 hộ dân 138 triệu đồng). Đáng nói, ở Hải Dương, mới hỗ trợ được… 1 hộ và toàn tỉnh mới chỉ cấp 3,6 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh.

img

Thủ tướng chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như "chống giặc", bên dưới vẫn lơ là?:

"Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu câu hỏi này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách không chế bệnh dịch tả lợn châu Phi ngày 4/3, cũng như nêu rõ tinh thần, “chống dịch như chống giặc”. Các địa phương phải xắn tay ngay vào việc.

Tuy nhiên, trên thực tế việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương diễn ra rất chủ quan, lơ là, nhiều nơi bỏ mặc người dân tự tiêu hủy lợn bệnh như tại Bắc Ninh, Thái Bình hay để người dân vứt lợn ra kênh bừa bãi tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình. Đây được coi là nguyên nhân chính làm dịch bệnh lây lan không kiểm soát được. 

Nhiều địa phương ngay cả khi Thủ tướng chủ trì họp, nhiều địa phương chỉ cử Chi cục thú y tham dự và đã bị Thủ tướng phê bình. Tại nhiều địa phương, thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh còn chưa một lần đi chống dịch.

Tại buổi họp ra mắt Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ngày 26/3, nhiều Bộ, trong đó có Bộ Y tế đã không cử người đến tham dự cuộc họp để triển khai phòng, chống dịch.

img

Trách nhiệm để dịch xảy ra tràn lan?:

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm để dịch bệnh xảy ra tràn lan do ai?. Khó có thể quy kết được trách nhiệm cụ thể, bởi thiên tai, địch họa là rủi ro không hề mong muốn và khi xảy ra, cũng rất khó có thể nói hết được trách nhiệm cụ thể.

Tuy nhiên, qua thực tế đã xảy ra cho thấy, dịch tả lợn châu Phi có thể khống chế hoặc hạn chế được mức độ thiệt hại ở phạm vi nhỏ hơn, nếu:

+Nếu Bộ NNPTNT kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Cục Thú y, Cục Chăn nuôi trong việc cung cấp thông tin, diễn biến về dịch bệnh, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch có hiệu quả trên thực tế. Mặc dù Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, song có lẽ các địa phương chưa nắm hết tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Đồng thời, Bộ cũng cần sớm có các tham mưu kịp thời cho Chính phủ điều chỉnh, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch trong các thời điểm khác nhau sẽ giúp ích hơn cho việc kiểm soát dịch bệnh.

+Nếu các địa phương nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của dịch bệnh, vào cuộc quyết liệt hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, việc khống chế dịch bệnh sẽ có hiệu quả hơn.

+Nếu các Bộ, ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp, thủ tục hỗ trợ sớm cho người chăn nuôi, việc phòng, chống dịch cũng sẽ hiệu quả hơn.

Dịch tả lợn châu Phi được dự báo là sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Tại nhiều xã, đã xuất hiện tình trạng xóa sổ cả đàn lợn, nghề chăn nuôi lợn coi như mất. Hậu quả để lại sẽ là thiệt hại về kinh tế, môi trường, ngân sách và cả vấn đề an sinh xã hội cho người dân ở nông thôn. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng, chính quyền không tự nêu cao trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt; nghề chăn nuôi lợn sẽ biến mất.

Tệ hại hơn nữa, tại nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng trục lợn giữa cơn bão dịch, khi người dân thì khai khống lợn bệnh, cán bộ thì lợi dụng để tranh thủ "kiếm chác" khi chấp nhận xác nhận những con số khống để trục lợi tiền từ ngân sách nhà nước. Đây là những việc cần chấn chỉnh ngay lập tức, nếu không nói như nhiều người: Dịch tả lợn châu Phi chỉ hết khi... hết lợn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem