Điểm "lạ" trong kế hoạch huy động 5.000 tỷ của ACB
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của ông Trần Hùng Huy vừa thông báo về việc phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi trong đợt phát hành riêng lẻ lần 1 năm 2019.
Phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi nhằm tăng quy mô nguồn vốn
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Số đợt phát hành tối đa là 10 đợt.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng huy động tiền gửi đạt mức 10,2%, ACB cũng rất tích cực huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Ngân hàng này cũng là 1 trong 2 nhà băng có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất từ đầu năm đến nay - khoảng 10.450 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 - 3 năm, lãi suất dao động từ 6,7-6,8%/năm.
Ngân hàng của ông Trần Hùng Huy cho biết, mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ngân hàng nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng.
Trước đó, riêng trong tháng 9, ngân hàng ACB của ông Trần Hùng Huy đã phát hành 2.600 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2-3 năm với lãi suất 6,7% - 6,8%/năm, nâng tổng khối lượng phát hành từ đầu năm của ngân hàng này lên 10.450 tỷ đồng. Như vậy, ACB của ông Trần Hùng Huy hiện là ngân hàng thứ 2 trong hệ thống đã huy động vượt 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay.
Điểm "lạ" trong chính sách lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi của ACB
Trong phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi mà ACB do ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT công bố, chứng chỉ tiền gửi được áp dụng lãi suất cố định trong toàn bộ kỳ hạn. Mức lãi suất cụ thể được áp dụng tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và do Tổng Giám đốc hoặc người được ủy quyền quyết định với mức tối đa 6%/năm. Lãi sẽ được thanh toán một lần cùng với tiền gốc vào ngày đáo hạn.
Điều đáng nói, mức lãi suất tối đa 6%/năm của ACB thấp hơn khá nhiều so với lãi suất chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng khác, và cũng thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện nay của các ngân hàng. Đây chính là điểm "lạ" trong chính sách huy động của nhà băng này bởi theo quan sát trên thị trường cho thấy, hầu hết ngân hàng trong hệ thống hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên dưới 8%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Đơn cử như tại BaoViet Bank, từ tháng 8/2019 nhà băng này cũng phát hành tiền gửi ghi danh cho khách hàng với kỳ hạn từ 6 tháng đến 15 tháng. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng có lãi suất lên tới 8,25%/năm – cao hơn nhiều so với con số 6% do ACB đưa ra.
Hay như tại ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) của bà Nguyễn Thanh Phượng, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này có thời điểm huy động với lãi suất trên 10%/năm – dẫn đầu hệ thống. Hay như một nhà băng khác là SHB của ông Đỗ Quang Hiển, hiện tại mức lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng này vẫn giao động trong khoảng từ 8,4%/năm đến 8,7%/năm.
Không chỉ thấp hơn so với chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng khác, mức lãi suất sản phẩm này của ACB còn thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại chính nhà băng này (6,8% -7,1%/năm). Mức lãi suất này còn thấp hơn đáng kể so với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại hầu hết các ngân hàng hiện nay (dao động từ 6,8% đến 9,2%/năm).
Trong khi đó, với kỳ hạn trên 1 năm, lãi suất huy động cao nhất theo quan sát trên thị trường lên tới 8,6%/năm.
Chẳng hạn, tại NCB lãi suất với kỳ hạn từ 13 tháng đến 48 tháng đều niêm yết trên 8% và cao nhất 8,3%/năm. Hay như tại SHB lãi suất tối đa chỉ 7,5%/năm, ABBank (7,9%/năm) trừ trường hợp khách hàng gửi trên 500 tỷ sẽ được hưởng lãi suất lên tới 8,3%/năm.
Trong khi đó nhóm DongA Bank, OceanBank, VietABank, HDBank, Vietcombank và Agribank là những ngân hàng giữ nguyên các mức lãi suất kỳ, dao động trong khoảng từ 6,80 – 7,60%/năm.