Điệp khúc “không” cổ tức" có khiến cổ phiếu ngân hàng giảm hấp dẫn?

17/04/2019 12:55 GMT+7
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay có không ít ngân hàng dù lợi nhuận nghìn tỷ nhưng đều lên kế hoạch không chia cổ tức 2018 với lý do đảm bảo các chỉ số tài chính trước thềm Basel II và mở rộng hoạt động kinh doanh. Liệu điều này có làm mất đi tính hấp dẫn đối nhà đầu tư?

Nhiều ngân hàng nói “không” với cổ tức

Tại ĐHĐCĐ năm 2019 cuối tuần qua, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) của ông Hồ Hùng Anh đã thông qua phương án không chia cổ tức năm 2018 mà giữ lại phần lợi nhuận để phục vụ hoạt động kinh doanh. Theo tính toán của Techcombank, đến cuối năm 2018, tổng lợi nhuận còn lại của ngân hàng sau trích quỹ có thể phân phối là trên 10.286 tỷ đồng.

Lý giải việc không chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank cho biết ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là năm thứ 8, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh nói không với chính sách cổ tức.

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh thông qua phương án không chia cổ tức năm 2018

Một ngân hàng khác cũng nói “không” với cổ tức năm 2018 dù lợi nhuận nghìn tỷ đó là ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank). Theo đó, VPBank đã xin ý kiến bằng văn bản và có đến 86% cổ đổng thông qua phương án phân phối 7.355 tỷ đồng lợi nhuận. VPbank dùng số tiền này để trích lập các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, đầu tư phát triển, còn hơn 3.431 tỷ đồng lợi nhuận chưa chia dùng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh.

Cũng giống như Techcombank, lý do VPbank không chia cổ tức trong năm 2018 là nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tương tự, tại TPbank do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch HĐQT, ngân hàng này hiện có trên 1.527 tỷ đồng lợi nhuận để lại chưa phân phối năm 2018. Theo tài liệu ĐHCĐ của Tpbank, số lợi nhuận này sẽ được giữ lại nhằm phục vụ hoạt động mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019 của ngân hàng.

Ở khối ngân hàng có mức lợi nhuận khiêm tốn, HĐQT Kienlongbank cũng sẽ xin ý kiến cổ đồng về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Theo đó, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của năm 2018 của ngân hàng này là hơn 171 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của các năm trước là 88,9 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận còn lại lũy kế là 260 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT Kienlongbank đề xuất không chia cổ tức năm 2018 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ giới hạn về an toàn vốn theo quy định và đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, HĐQT của Kienlongbank đề xuất phương án chia cổ tức theo tỉ lệ là 13% cho năm 2019.

Nếu như các ngân hàng trên không chia cổ tức để phục vụ hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, thì Eximbank lại là một trường hợp đặc biệt khi ngân hàng này rơi vào trình trạng “không được chia cổ tức” để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-NHNN.

Tính đến cuối năm 2018, lợi nhuận chưa phân phối của Eximbank là 704 tỷ đồng.

Trình bày trong tài liệu ĐHCĐ, Eximbank cho biết “Tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.” Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Các trái phiếu này đến cuối năm 2018 chưa được thanh toán hết. Do đó, Eximbank không được thực hiện chia cổ tức cho năm tài chính 2018”.

Kết thúc năm 2018, Eximbank có tổng tài sản 152.652 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2017 và chỉ bằng 86% chỉ tiêu kế hoạch. Tình hình huy động vốn đạt 80% kế hoạch, tổng dư nợ cấp tín dụng bằng 92%. Lợi nhuận trước thuế 827 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu 1,85%. Lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng.

Ngân hàng có mất tính hấp dẫn?

Theo giới tài chính, việc tăng vốn là vấn đề cấp bách đối với các NHTM để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020. Hiện tại, hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM Việt Nam vốn đang ở mức dù rằng mới chỉ mới tính theo quy định tại Thông tư 36 (tối thiểu 9%). Tới đây, khi thời hạn áp dụng Basel II cận kề, nếu các NHTM không thực hiện tăng vốn thì CAR của các NHTM có thể xuống dưới mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế là 8%, bởi theo tính toán của giới phân tích thì chênh lệch CAR giữa cách tính của Thông tư 36 và Basell II vào khoảng 1,5%.

Hạn chế về vốn khiến các ngân hàng không chỉ không đáp ứng được quy định về CAR mà còn cản trở hoạt động kinh doanh do phải đáp ứng hàng loạt các quy định khác nữa như mở rộng tăng trưởng tín dụng …

Chính vì vậy, trường hợp ngân hàng không chia cổ tức thì lợi nhuận chưa chia chính là của để dành. Ngân hàng sẽ có thêm vốn để kinh doanh sinh lời, bảo đảm các quy định về an toàn vốn. Đến các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ dùng lợi nhuận để dành từ các năm trước để chia cổ tức bằng tiền mặt, hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, ngân hàng cố tình không chia cổ tức để có thêm nguồn vốn để hoạt động. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tùy vào tình hình  hoạt động của từng ngân hàng để có chính sách chia cổ tức hợp lý.  Nếu ngân hàng có tiền mặt dồi dào thì nên chia cổ tức bằng tiền; ngược lại chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tốt hơn cho ngân hàng.

Cũng có ý kiến cho rằng, với nhà đầu tư chiến lược, việc không chia cổ tức không làm mất đi tính hấp dẫn của ngân hàng đối với nhà đầu tư vì khối nhà đầu tư này luôn mong muốn ngân hàng phát triển dài hạn. “Đó là hy sinh lợi ích trước mắt để có lợi ích dài hạn. Những nhà đầu tư này hiểu rất rõ việc đánh đổi này”, TS. Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, chính sách cổ tức phù hợp với thị trường thì giá cổ phiếu mới tăng trưởng được. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trừ trường hợp không được chia cổ tức, còn nếu ngân hàng nào có lợi nhuận thì nên chia cổ tức cho cổ đông. Với bất cứ lý do nào thì dưới quan điểm của nhà đầu tư việc không chia cổ tức là không hợp lý nếu ngân hàng làm ăn có hiệu quả.

Ngân hàng nên chia cổ tức cho nhà đầu tư nếu làm ăn có lãi

“Tâm lý của nhà đầu tư là đã bỏ tiền đầu tư thì mỗi năm phải mang về 1 khoản lợi nhuận nào đó cũng như việc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Tất nhiên, họ bỏ nhiều tiền vào ngân hàng, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thì họ nhắm vào tương lai hơn nhưng dù thế nào họ cũng mong muốn được chia cổ tức, có thể bằng các hình thức khác không nhất thiết là tiền mặt”.

Có lẽ đây là lý do giải thích cho việc, vì sao nhà đầu tư thắc mắc , "Ban lãnh đạo ngân hàng phải làm gì chứ không thể nhắc mãi điệp khúc "không chia cổ tức" cho nhà đầu tư được" .

“Với các ngân hàng hiện nay, nếu buộc phải giữ lại lợi nhuận thì cần lên kế hoạch kinh doanh tốt để chứng minh việc giữ lại lợi nhuận là cần thiết và sẽ mang lại giá trị tốt hơn trong tương lai cho cả nhà đầu tư chiến lược và phổ thông”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Theo Danviet
Cùng chuyên mục