Điều hành thị trường xăng dầu: Phải giảm thuế phí, chủ động nguồn cung

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 11/02/2022 16:36 PM (GMT+7)
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng “lộn xộn” xảy ra đối với thị trường xăng dầu thời gian qua là do thiếu sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của cơ quan quản lý. Về lâu dài, giới chuyên môn đều thống nhất về việc cần chủ động trong dự trữ, nguồn cung, cùng với đó là giảm mức thuế phí đang lên tới 40%.
Bình luận 0

"Nén" giá 10 ngày, doanh nghiệp "ngấm đòn"

Trong các cuộc họp vừa qua, nói về việc nhiều cây xăng tại các tỉnh phía Nam đóng cửa, đại diện các lãnh đạo của Bộ Công Thương khẳng định có tình trạng "găm" hàng.

Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải nhiều phản hồi trái chiều từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhà chức trách tại các địa phương cũng như các chuyên gia. Báo cáo từ phía các địa phương cũng như từ chính ngành quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, dấu hiệu cây xăng "găm" hàng phát hiện ra rất ít.

Thay vào đó, giới chuyên môn cho rằng tình trạng "lộn xộn" đối với thị trường xăng dầu thời gian qua là do sự "cứng nhắc" trong điều hành của ngành chức năng khi để giá xăng bị "nén" lại tới 10 ngày. Điều này khiến doanh nghiệp "càng bán càng lỗ", do đó, cách tốt nhất là đóng cửa.

Điều hành thị trường xăng dầu: Phải giảm thuế phí, chủ động nguồn cung - Ảnh 1.

Rất ít cây xăng bị phát hiện tình trạng "găm" hàng, lý do đóng cửa chủ yếu vì thua lỗ. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Cụ thể, theo đúng lịch 10 ngày điều chỉnh giá một lần thì giá xăng phải được điều chỉnh vào ngày 1/2/2022. Năm nay, ngày 1/2 trùng vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cho nên giá xăng dầu phải chờ đến ngày 11/2 mới đến kỳ điều hành tiếp theo.

Nguyên nhân là do khoản 3 điều 38 Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ 2/1/2022) đã có thêm một câu: "Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo".

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá, nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu, cho dù Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất.

"Các hợp đồng mua bán xăng dầu thường phải ký trước để cung ứng từ 2 - 3 tuần, các đầu mối và đại lý hoàn toàn chủ động được nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu mua xăng dầu đi lại vào dịp tết tăng thì năm nào chả tăng. Có năm tăng 30 - 40% là bình thường", ông Long cho hay.

Do đó, tình trạng cơ sở kinh doanh có tâm lý chờ đợi, bán nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa thời gian qua là do thấy giá biến động tăng nhưng không được điều chỉnh. Điều này dẫn tới hệ lụy chiết khấu cho các đại lý lại thấp, chênh lệch giữa giá mua và bán không lớn khiến các cửa hàng không muốn bán. Do đó, theo nhận định của vị chuyên gia này, cần nhìn nhận, xăng dầu không đơn thuần là hàng hóa mà là vấn đề an ninh năng lượng.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nguồn cung xăng dầu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn ổn định, khi có diễn biến của xăng dầu Nghi Sơn đã tạo ra tâm lý lo lắng.

"Các cửa hàng lo kinh doanh xăng dầu "càng bán càng lỗ" là do kỳ điều chỉnh ngày mùng 1/2 trùng với mùng 1 Tết Nhâm Dần. Nếu như điều chỉnh giá vào mùng 2, 3 thì tình hình đã có thể bình thường.

Trong thời gian 20 ngày (từ kỳ điều chỉnh ngày 21/1 đến 11/2 - PV), giá xăng dầu đã tăng, với tình trạng trên, các doanh nghiệp có thể chịu lỗ. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nếu bán mà bị lỗ họ phải đóng cửa, vì vậy, việc thiếu nguồn cung chỉ là thiếu ảo", ông Thịnh nhận định.

Kiểm soát dự trữ, chủ động nguồn cung

Trước tình trạng trên, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến về việc tăng cường dự trữ để chủ động nguồn cung. Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá, để xảy ra tình trạng như những ngày vừa qua chắc chắn có "trục trặc" trong công tác quản lý, điều tiết thị trường.

Theo ý kiến của vị chuyên gia, để chủ động điều tiết thị trường, cần chủ động tăng cường dự trữ. Ngoài ra, để kiểm soát về giá, ngành chức năng cần nghiên cứu giảm mức thuế phí đang cao đến mức "vô lý" hiện áp dụng với mặt hàng xăng dầu.

"Vấn đề cần làm rõ và công khai, minh bạch, có hàng phải bán, hết hàng cần công bố, nêu lý do. Ở tất cả các địa phương đều có lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế. Theo tôi việc kiểm soát các vấn đề này không có gì khó.

Vấn đề về lâu dài cần nhìn vào là không thể duy trì 40% thuế phí với giá xăng như hiện tại. Nếu cứ như vậy thì giá xăng dầu cao là không thể thay đổi, ngoài ra, tôi nhấn mạnh vào việc tăng cường dự trữ. Với việc lượng dự trữ chỉ khoảng 30 ngày, khi thị trường thế giới biến động, chúng ta không kiểm soát nổi. Quỹ bình ổn theo tôi cũng không bền vững và thực chất đây là tiền của người tiêu dùng", ông Phú phân tích.

Điều hành thị trường xăng dầu: Phải giảm thuế phí, chủ động nguồn cung - Ảnh 2.

Chủ động nguồn cung để điều tiết chuỗi phân phối là cách tốt nhất với thị trường xăng dầu trong nước hiện tại. (Ảnh: PVN)

Trước đó, vào kỳ điều chỉnh ngày 25/11/2021 khi giá xăng giảm, vị chuyên gia đã nhận định đây không phải là tín hiệu đáng mừng khi thị trường thế giới vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Hiện tại, tính từ đầu năm 2022, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 3 lần.

"Cần phải nhìn vào tổng thể cách điều tiết giá xăng là nguồn đầu vào của cả nền kinh tế. Nếu cứ phụ thuộc vào thị trường thế giới, nền kinh tế của chúng ta luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn. Trong khi các nước luôn dự trữ trong nhiều tháng, Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu khoảng 20 ngày.

Ngoài ra, hiện tại, chúng ta có 2 nhà máy lọc dầu vẫn chưa tận dụng hết, đây là nguồn cung rất lớn nếu điều hành tốt sẽ không bị phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu", chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh lưu ý thêm về việc tăng cường kiểm tra dự trữ bắt buộc của các doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định, các đơn vị phải dự trữ 20 ngày. Tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, lượng dự trữ có thể lên tới hơn 30 ngày.

"Chúng ta cần xác định các doanh nghiệp đầu mối nhập và dự trữ không đầy đủ, theo đúng nguyên tắc cần dự trữ 20 ngày. Do đó, việc báo thiếu nguồn cung xăng dầu là bất hợp lý, cần sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra các đơn vị này có dự trữ đúng 20 ngày hay không? Không thể để tình trạng mới 15 ngày đã hết hàng như vừa rồi", ông Thịnh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem