DNNN chậm thoái vốn: Lãnh đạo có tư tưởng trốn tránh trách nhiệm

Hoàng Thắng Thứ năm, ngày 29/06/2017 18:00 PM (GMT+7)
“Nhiều DNNN quy mô lớn, kết cấu phức tạp khi tiến hành cổ phần hóa sẽ phải dỡ ra để xử lý các vấn đề tồn tại. Lúc này, sẽ phải xem xét tới trách nhiệm của các lãnh đạo DN hiện tại và lãnh đạo DN qua các thời kỳ. Vậy nên, nhiều lãnh đạo có tư tưởng sợ, né tránh trách nhiệm” – ông Đặng Quyết Tiến nói.
Bình luận 0

img

Nhiều lãnh đạo có tư tưởng trốn tránh trách nhiệm trong vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa DNNN

Tính đến hết quý I.2017, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH) theo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 (chậm hơn 1 năm so với kế hoạch). Tổng cộng có 571 DNNN được phê duyệt phương án và cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế là 796.646 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước 213.043 tỷ đồng. Còn nếu xét về số vốn bán ra mới đạt khoảng 8% tổng vốn nhà nước tại DN (nhà nước vẫn nắm khoảng 92% vốn).

Mặc dù tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã tích cực được đẩy mạnh trong thời gian gần đây và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song việc thực hiện vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Việc thoái vốn nhà nước cũng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, tính tới giữa tháng 6.2017, mới tiến hành cổ phần hóa tại 19 DN, chậm hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới trình trạng DNNN chậm thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến - Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) giải thích: “Một phần cho rằng Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nói không rõ.

Song thực tế là Chính phủ hiện nay đang điều hành, quản lý nước với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Các vướng mắc đều được tiếp nhận, xử lý cụ thể, nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa.

Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy tư tưởng ỷ lại, chần chừ, e ngại của các lãnh đạo DNNN trong vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa là có. Bởi nhiều DNNN quy mô lớn, kết cấu phức tạp khi tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới, sẽ phải dỡ ra để xử lý các vấn đề tồn tại. Lúc này, sẽ phải xem xét tới trách nhiệm của các lãnh đạo DN hiện tại và lãnh đạo DN qua các thời kỳ. Vậy nên, nhiều lãnh đạo có tư tưởng sợ, né tránh trách nhiệm”.  

img

Theo ông Tiến, nhiều lãnh đạo DNNN lấy lý do là chờ đợi vào những cơ chế, chính sách để giải thích việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa

Theo ông Tiến, từ tư tưởng sợ, né tránh trách nhiệm, nhiều lãnh đạo DNNN tiếp tục lấy lý do là chờ đợi vào những cơ chế, chính sách sẽ ban hành về thoái vốn, cổ phần hóa đối với DNNN.

“Những cơ chế, chính sách sẽ ban hành hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế những tình huống, vụ việc đã được xử lý và có tính trước một số trường hợp có thể xảy ra trong tương lai. Ví dụ, khi thoái vốn các DNNN lớn, sẽ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần theo lô.

Hay việc xác định giá trị DN dựa trên tài sản, đất đai, thương hiệu… của DN. Ví dụ, theo quy định của Luật Đất đai, phải xác định giá trị đất để tính vào giá trị DN. Đây đều là những yếu tố DN phải chuẩn bị từ trước.

Nếu DN không thực hiện kiểm kê tài sản, đánh giá giá trị đất đai hàng năm, xử lý công nợ phải thu khó đòi hàng năm. Để tới lúc chuẩn bị tiến hành thoái vốn, cổ phần hóa, tất cả các vấn đề tích lũy trong nhiều năm dồn lại, đòi hỏi phải xử lý ngay sẽ dẫn tới kéo dài thời gian, chậm tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa. Đây là trách nhiệm của người đứng đầu DNNN” – ông Đặng Quyết Tiến tiếp tục giải thích.

Kết lại, ông Tiến cho rằng nguyên nhân chính khiến các DNNN chậm thoái vốn, cổ phần hóa là tư tưởng chần chừ, sợ trách nhiệm khiến các lãnh đạo DNNN làm việc thiếu tích cực, quyết liệt.

Ông Tiến cho biết: “Những nội dung đã được sử đổi, bổ sung trong Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã nêu rõ việc công bố công khai quy trình thoái vốn và cổ phần hóa, lựa chọn và thuê đơn vị tư vấn như thế nào, tổ chức đấu giá cổ phần ra sao… Lúc này các DNNN không thể nói là mình không biết vì là DN mang tính chất đặc thù”

Giữa hai vấn đề: đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa tại các DNNN và việc tránh thất thoát tiền, tài sản Nhà nước trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa. Ông Đặng Quyết Tiến nêu quan điểm: “Hai vấn đề này chỉ mâu thuẫn khi người ta cố tình không thực hiện. Còn với những quy định pháp luật rõ ràng như hiện tại, việc thoái vốn sẽ được đẩy nhanh, mà cũng tránh được việc thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.

Khi tiến hành thoái vốn, DN thực hiện công khai các bước theo đúng quy trình, rồi đấu giá công khai, không thỏa thuận. Thậm chí, thuê hẳn hai đơn vị thẩm định giá, nêu rõ doanh nghiệp sở hữu những tài sản nào, có bao nhiêu mảnh đất thì làm sao có thể thất thoát tài sản Nhà nước được?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem