Dở khóc dở cười ngày đi học lại: Khóc như "dàn hợp xướng", đụng đến sách là... buồn ngủ

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 02/03/2021 13:12 PM (GMT+7)
Hơn 1 tháng nghỉ ở nhà, những ngày đầu đi học lại của học sinh xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Các khối THCS, THPT còn đỡ vì các em đã lớn, còn khối mầm non và tiểu học lại muôn màu muôn sắc.
Bình luận 0

"Không đi học lại đâu"…

Sáng sớm, tại chung cư Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM) thi thoảng lại vang lên những tiếng khóc nức nở kèm câu nói "Con không đi học lại đâu, con muốn ở nhà cơ". Đây là phản ứng của một vài em bé khối mầm non đang được ba mẹ đưa tới lớp học. 

Vừa lau nước mắt cho con, chị Hiền vừa an ủi: "Nín đi con, đi học có bạn bè có thầy cô vui mà. Bây giờ ở nhà đâu có ai, con chơi với ai". Mặc kệ mẹ dỗ dành, bé trai hơn 2 tuổi vẫn khóc ngằn ngặt trên tay và đòi ở nhà. Chị than thở: "Khổ lắm! Hôm qua ngày đầu đi học lại thì khóc ròng từ sáng tới trưa. Các cô dỗ không được, xót quá phải gọi cho phụ huynh đón về, thế là phải bỏ dở công việc xin về rước con. Sáng nay vẫn tiếp tục khóc".

Dở khóc dở cười khi học sinh đi học lại - Ảnh 2.

Con mếu máo không chịu đi học lại, phụ huynh dở khóc dở cười.

Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp trong ngày đầu trở lại đi học của các bé mầm non. Vốn dĩ các em còn quá nhỏ, được ở nhà trong thời gian dài nên việc tới trường gần như là bắt đầu lại từ đầu. Tại cổng Trường mầm non Kha Ly (quận 12), bé thì ôm cứng lấy mẹ, nhất định không chịu theo cô, bé thì đỏ hoe mắt miễn cưỡng đi vào… Phía bên trong lớp học, các bé thi nhau khóc như dàn hợp xướng. "Mới sáng sớm mà khung cảnh não nề quá, đúng là hoàn cảnh dở khóc dở cười" – chị Ngọc Dung, phụ huynh học sinh thở dài.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, cô Thủy - hiệu trưởng Trường mầm non Kha Ly cho biết, rất nhiều bé khóc lóc và không chịu vào lớp. Số lượng này hầu hết rơi vào các lớp nhà trẻ, bé có độ tuổi từ 18-25 tháng. Dù được các cô vỗ về, an ủi và đưa đi chơi đồ chơi cho quên ba mẹ, nhưng cứ vài phút lại chợt nhớ ra và khóc tiếp.

"Việc nghỉ học trong thời gian dài cũng khiến các cô vất vả hơn nhiều vì tất cả các nếp sinh hoạt tại trường đều bị phá huỷ, phải tập lại hoàn toàn cho các bé. Trong thời gian nghỉ ở nhà, các con được ăn uống, ngủ nghỉ giờ giấc tự do nên khi đi học lại mỗi bé một kiểu. Giờ ăn thì lăn ra ngủ, giờ ngủ lại thức chơi. Để rèn được cho các bé đi vào quy củ trở lại cũng cần 1-2 tuần", cô Thủy cho biết thêm.

Đụng đến sách là buồn ngủ

Đối với các học sinh tiểu học, sau thời gian "ăn chơi xả láng", các đặc quyền như ngủ nướng, chơi xuyên màn đêm đột ngột bị cắt đứt. Thay vào đó là việc phải tới trường học, về nhà làm bài tập.

Anh Thanh Bình (ngụ quận 3) chia sẻ, anh có cậu con trai năm nay học lớp 2. Những ngày nghỉ ở nhà, cháu có thể chơi không mệt mỏi từ sáng tới khuya, không hề buồn ngủ hay đói bụng. "Bây giờ đi học lại, cứ ngồi vào bàn học là ngáp lên ngáp xuống, hết đau bụng lại khát nước, đói, buồn ngủ... thậm chí là buồn, chán. Để làm được bài tập về nhà, phải có người ngồi bên cạnh tỉ tê, năn nỉ, thậm chí quát nạt", anh kể.

Dở khóc dở cười khi học sinh đi học lại - Ảnh 3.

Sau thời gian nghỉ dài ngày, học sinh chưa tập trung vào việc học tập trở lại.

Chị Ngọc Hà (ngụ quận 12) kể, con chị mới học lớp 1 nên còn bỡ ngỡ. Ngày đầu đi học lại, bé ngơ ngác trong sân trường vì không nhớ lớp học nằm vị trí nào. Chị phải đứng bên ngoài chỉ trỏ, hướng dẫn cho bé nhưng bé vẫn chưa định hình ra. Cuối cùng, chị phải xin vào trường dẫn bé lên lớp. 

Đối với các trường học, công tác tổ chức việc dạy học online được diễn ra khá tốt nên bước đầu học sinh đi học trở lại không gặp khó khăn. Đồng thời, phụ huynh học sinh cũng rất quan tâm việc học hành các con nên các bé cơ bản nhớ bài và làm bài tập tốt. 

Cô M.T, giáo viên tại Trường tiểu học Cửu Long (Bình Thạnh) cho biết, những ngày đầu đi học trở lại, sĩ số các lớp được đảm bảo. Số ít trường hợp phụ huynh bận việc gửi học sinh cho ông bà hoặc những người không am hiểu công nghệ thông tin nên không học sinh học online và giải bài tập thường xuyên dẫn đến quên bài. Nhà trường đã triển khai ôn tập, củng cố lại kiến thức và tranh thủ dạy bài mới cho kịp chương trình.

Cô Yến, giáo viên trường THCS, THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú) cho biết thêm, dù học online nhưng đa phần học sinh sẽ bị chậm chương trình. Nhà trường dành các tiết ôn tập và kiểm tra giữa kì để dạy lại những kiến thức cần thiết cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên quản nhiệm sẽ kiểm tra bài học, bài tập và kiến thức học sinh mỗi ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem