Đoàn Chủ tịch MTTQ kiến nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Yến

Thứ năm, ngày 19/04/2012 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại cuộc họp bất thường của Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam sáng 18.4, 100% ý kiến đồng ý sẽ kiến nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Bình luận 0

Sáng 18.4, Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam đã có cuộc họp bất thường để xem xét tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến theo kiến nghị của MTTQ tỉnh Long An.

Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương.

Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày các nội dung liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, các đại biểu đã thảo luận, phân tích rõ những vấn đề mà đại biểu này vi phạm liên quan đến tư cách ĐBQH theo quy định của pháp luật. Các đại biểu tham dự cuộc họp đã biểu quyết với 100% ý kiến tán thành sẽ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

img
Bà Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu tại kỳ họp QH thứ 2, khóa XIII.

Đại diện Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ cho biết, sau cuộc họp này, Ban Thường trực Ủy ban sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến để phản ánh kết quả tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Một ngày trước đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An cũng đã họp và thống nhất đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nữ đại biểu này bị xác định không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIII. Cụ thể, bà Yến là đảng viên nhưng không kê khai là đảng viên; không khai trong hồ sơ chồng bà là Jimmy Trần và ông này đang có lệnh truy nã.

Theo Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm theo đề nghị của Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem