Đoàn TTVN xếp thứ 6 ĐNÁ tại ASIAD 2023: Không có gì phải thất vọng!

Hoàng Anh Thứ ba, ngày 10/10/2023 10:10 AM (GMT+7)
Kết thúc ASIAD 2023, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp thứ 21 toàn đoàn và đứng thứ 6 Đông Nam Á. Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt nhấn mạnh: "Các VĐV đã cố gắng hết sức có thể"
Bình luận 0

Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD 2023  đã khép lại vào tối 8/10 với nhiều ấn tượng tốt đẹp về công tác tổ chức của nước chủ nhà Trung Quốc. 

Với đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN), việc giành được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ là kết quả "trong dự đoán" (chỉ tiêu từ 2-5 HCV). Nhưng một bộ phận cộng luận đã tỏ ý thất vọng khi so sánh thành tích của TTVN với các đoàn thể thao khác trong khu vực Đông Nam Á (Việt Nam xếp sau 5 nước gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore).

"Các VĐV Việt Nam đã cố gắng hết sức có thể"

Đó là đánh giá của ông Đặng Hà Việt – Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN trong cuộc gặp gỡ báo chí trước buổi lễ bế mạc. Ông Việt cũng đã thẳng thắn nhìn nhận việc một vài niềm hy vọng không thể đạt kết quả như kỷ vọng, đồng thời cũng chỉ ra rất nhiều điều mà thể thao nước nhà cần thay đổi trong thời gian tới để hy vọng có thể đạt được thành tích tốt hơn tại đấu trường châu lục.

Đoàn TTVN xếp thứ 6 ĐNÁ tại ASIAD 2023: Không có gì phải thất vọng! - Ảnh 1.

Đoàn TTVN đã giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ tại ASIAD 2023. Ảnh: Quý Lượng

Vâng, nếu chúng ta cùng nhìn lại "hành trang" của đoàn TTVN từ trước khi lên đường thì sẽ hiểu rõ hơn cái "khó" của vị trưởng đoàn khi phải đối mặt với áp lực thành tích vô cùng to lớn. 

Mới năm ngoái, tại SEA Games 31 trên sân nhà, TTVN lập kỷ lục với 205 HCV, điều trong suốt chiều dài lịch sử 63 năm của Đại hội thể thao Đông Nam Á, chưa từng có đoàn thể thao nào đạt tới, lần thứ 2 đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. 

Sang tháng 5 năm nay, tại SEA Games 32 ở Campuchia, cũng với sức mạnh ở nhiều môn thể thao, đoàn TTVN tiếp tục thi đấu thành công, không những tiếp tục đứng đầu mà còn khẳng định vị thế mới tại đấu trường khu vực khi lần đầu tiên "nhất SEA Games" không phải với vai trò chủ nhà. 

Xin nhấn mạnh chi tiết này, bởi chính thành tích tại hai kỳ SEA Games liên tiếp cũng đã đồng thời tạo nên trong tư tưởng của không chỉ người hâm mộ thể thao, báo giới mà ngay cả chính các vị lãnh đạo cấp cao hơn (so với Cục TDTT) suy nghĩ: Sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ về thành tích tại ASIAD 2023 – đấu trường thể thao châu lục mà Việt Nam từng nhiều lần tham gia trước đó nhưng luôn gặp phải nhiều khó khăn. Như trong các cuộc họp chỉ đạo ngành, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từng giao nhiệm vụ cho đoàn TTVN phải vượt qua thành tích của ASIAD lần thứ 18 năm 2018 (giành tới 5 HCV) (?!).

Trên thực tế, các nhà quản lý thể thao nước nhà hiểu rõ hơn ai hết: Sự đột phá tại hai kỳ SEA Games qua vốn chưa đồng nhất với sự vươn mình của thể thao nước nhà tại một đấu trường trình độ cao hơn rất nhiều như ASIAD. 

So với ASIAD 18, kỳ này không có môn võ pencak Silat (từng đem về 2 HCV), không có nội dung thuyền 4 hạng nhẹ ở môn rowing (HCV kỳ trước). 

Trong khi đó, nhà vô địch ASIAD18 Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) mới trở lại từ chấn thương (cạnh tranh huy chương SEA Games còn khó), còn Quách Thị Lan (400m rào) vắng mặt bởi án phạt doping. 

"Mất trắng" cả 5 niềm hy vọng từng giành HCV kỳ trước, TTVN chỉ còn trông vào những niềm hy vọng khác. Trong đó, rõ nhất chỉ có nội dung 4 người cầu mây sau khi đã 2 lần liên tiếp vô địch thế giới, thứ đến là nội dung quyền biểu diễn (kata) đồng đội nữ; còn lại những hy vọng ở các môn như bắn súng, cờ tướng, cử tạ hay xe đạp… điều chỉ ở mức độ "cạnh tranh" mà thôi. 

Ở nhiều môn thể thao, chúng ta đang có sự chuyển giao thế hệ, cần có thời gian… Trong khi ấy, một VĐV từng được kỳ vọng lớn sẽ giành HCV kỳ này - "kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng – thì có biểu hiện sút giảm phong độ cùng lúc đối thủ cạnh tranh đều tiến bộ rất nhanh, nên cũng chỉ tiếp tục là "niềm hy vọng". 

Đoàn TTVN xếp thứ 6 ĐNÁ tại ASIAD 2023: Không có gì phải thất vọng! - Ảnh 3.

ĐT cầu mây nữ Việt Nam giành HCV đồng đội 4 người ASIAD 2023. Ảnh: Quý Lượng

Thực tế diễn biến của Á vận hội 2023 đã diễn ra như vậy. Cầu mây và karate đem về 2 tấm HCV "trong dự kiến". Riêng tấm HCV bắn súng của Phạm Quang Huy khá bất ngờ, bởi Huy đã thi đấu xuất thần hơn cả sự kỳ vọng của chính các thầy ruột của mình (HLV Hoàng Xuân Vinh và chuyên gia Park Chung-gun).

Kết quả thi đấu sau cùng cũng cho thấy rõ hơn lý do vì sao "chỉ tiêu HCV" mà ngành TDTT đặt ra chỉ là "từ 2-5", một biên độ dao động khá lớn, và nó đến từ chính sự thiếu chắc chắn vào các nội dung có khả năng giành HCV về cho thể thao nước nhà tại kỳ ASIAD này. 

Đoàn TTVN xếp thứ 6 ĐNÁ tại ASIAD 2023: Không có gì phải thất vọng! - Ảnh 4.

Xạ thủ Phạm Quang Huy đã thi đấu xuất thần để giành HCV ASIAD 2023. Ảnh: Quý Lượng

Chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi có thể nói là khá đáng tiếc vì kết quả thi đấu có thể tốt hơn (như Lại Lý Huynh ở môn cờ tướng hay Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp), nhưng khả năng để giành HCV cũng không hề rõ ràng.

Ở đây xin được nói rõ hơn, sẽ là rất khập khiễng khi đưa ra so sánh giữa SEA Games và ASIAD. Như ở môn vật, các đô vật Việt Nam liên tục là "bá chủ" Đông Nam Á khi giành tới 13 HCV tại SEA Games 32, nhưng lại không thể có nổi dù chỉ… 1 tấm HCĐ tại ASIAD 2023. Hay môn wushu giành 6 HCV tại SEA Games, nhưng thành tích tốt nhất ở ASIAD 2023 chỉ là hai tấm HCĐ. 

Hoặc môn taekwondo, giành 4 HCV SEA Games rồi chỉ có được vỏn vẹn 3 HCĐ ASIAD mà thôi… Khác biệt lớn này đến từ việc ASIAD tập hợp các VĐV mạnh nhất châu lục, thậm chí mạnh nhất thế giới ở nhiều nội dung, môn thể thao.

Bởi vậy, nếu nhìn nhận thật sự khách quan thì có thể khẳng định: Các VĐV Việt Nam đã rất cố gắng, nhưng chưa thể đạt thành tích như kỳ vọng bởi gần như thực lực trong thời điểm hiện tại chỉ có thế...!

Những sự so sánh khập khiễng

Với 27 tấm huy chương (trong đó có 3 HCV), đoàn TTVN xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp, trên 24 đoàn khác của châu lục. 

Nhưng nếu so với các quốc gia Đông Nam Á, thì Việt Nam chỉ xếp hạng 6 (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore). Thực ra, đây vốn là thứ hạng khá… bình thường, vì trong lịch sử các lần tham dự ASIAD trước đó, Việt Nam luôn xếp từ thứ 4 đến thứ 7 trong nhóm Đông Nam Á. 

Nguyên nhân chính đến từ việc một số quốc gia chỉ tập trung đầu tư cho một số VĐV trọng điểm để cải thiện thứ hạng ở ASIAD hoặc tìm kiếm vé dự Olympic; trong khi Việt Nam có phần "dàn trải" hơn với những nỗ lực phát triển nhiều môn thể thao và củng cố vị thế tại SEA Games. 

Trên thực tế, TTVN cũng đã có sự chuyển hướng, quan tâm hơn tới các môn trong hệ thống Olympic và ASIAD, nhưng không đủ nguồn lực để tạo nên sự đột phá theo đúng nghĩa.

Tới đây xin được nói rõ hơn về 2 đoàn thể thao trong khu vực thường có thành tích tốt tại đấu trưởng châu lục là Thái Lan (12 HCV) và Indonesia (7 HCV). 

Trong quá khứ, họ vốn là 2 quốc gia có nền thể thao phát triển không chỉ mạnh nhất khu vực mà còn từng trong nhóm mạnh của châu lục. Đặc biệt, Thái Lan là quốc gia duy nhất từng 4 lần làm chủ nhà của ASIAD, trong đó hai lần đứng hạng 3 và lần gần nhất hạng 4 (năm 1998). 

Trong khi ấy, Indonesia cũng đã hai lần tổ chức thành công Đại hội vào các năm 1962 và 2018 (thay thế Việt Nam, rút lui vào giờ chót dù đã được trao quyền đăng cai) và có 1 lần vươn tới hạng 4 với 24 HCV tại ASIAD 18 cách đây 5 năm.

Nền thể thao Thái Lan, ngoài sự đầu tư của nhà nước còn luôn có được những nguồn lực từ xã hội rất mạnh mẽ. Nào phải tự nhiên mà Thái Lan chính là đoàn thể thao đông VĐV nhất tại ASIAD 2023 với 939 VĐV, hơn cả chủ nhà Trung Quốc (887 VĐV)? 

Và cũng nào phải tự nhiên mà người hâm mộ nước bạn vừa trải qua những "bữa tiệc" xem trực tiếp ASIAD 2023 trên 11 kênh truyền hình khác nhau (hoàn toàn miễn phí). 

Nguồn lực đầu tư của họ lớn hơn rất nhiều (thậm chí là nhiều lần) so với Việt Nam. Nào phải tự nhiên mà tuy đã giành 12 HCV mà các quan chức thể thao Thái Lan vẫn bị chê trách vì kém xa so với chỉ tiêu (khoảng 20 HCV).

Không chỉ Thái Lan hay Indonesia mà các quốc gia khác như Malaysia, Philippines hay Singapore đều có sự đầu tư mạnh cho các đội tuyển, VĐV tại đấu trường ASIAD. Cũng như Việt Nam, họ cũng không "bỏ" SEA Games, bởi đấy là đấu trường cực tốt để rèn luyện các tuyển thủ ở nhiều môn thể thao. Nhưng song song với đó, họ đều thu xếp nguồn kinh phí rất lớn để các VĐV mũi nhọn có cơ hội vươn lên ở các đấu trường lớn hơn như ASIAD, thậm chí là Olympic.

Cần sự thay đổi đồng bộ để nâng tầm TTVN

Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 2023, ông Đặng Hà Việt đã rất thẳng thắn khi thừa nhận những bất cập trong thực trạng của thể thao nước nhà. 

Với những người am hiểu sâu về ngành, thì còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó cần sự nhập cuộc của nhiều Bộ - ngành thay vì chỉ Cục TDTT hay Bộ VHTTDL mà thôi. 

Đầu tiên là ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp khiến sự đầu tư cho thể thao thành tích cao chỉ như "manh chiếu hẹp", kéo được chỗ này lại hụt chỗ kia. 

Đoàn TTVN xếp thứ 6 ĐNÁ tại ASIAD 2023: Không có gì phải thất vọng! - Ảnh 6.

"Kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng nỗ lực giành "cú đúp" HCĐ 800m và 400m tự do. Ảnh: Quý Lượng

Vì thiếu kinh phí, nhiều VĐV đỉnh cao đành… tập "chay" hoặc chỉ quẩn quanh với đấu trường trong nước, trong khi đối thủ của họ liên tục được đi tập huấn nước ngoài hay tham dự các giải quốc tế để nâng cao trình độ. 

Vì thiếu kinh phí, một số VĐV trọng điểm thậm chí đành đi tập huấn mà không có HLV hay chuyên gia trình độ cao giám sát. Cũng vì thiếu kinh phí mà điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chuyên môn hạn chế, khó giúp cho VĐV được phát triển tài năng mạnh mẽ. 

Thiếu kinh phí, càng không thể đòi hỏi chúng ta có thể vận dụng khoa học công nghệ trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV từ các lứa trẻ tới đỉnh cao…

Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, yêu cầu mấu chốt để có kinh phí đủ nuôi dưỡng và hiện thực hoá những giấc "mộng vàng" ASIAD hay Olympic phải từ các nguồn xã hội hoá. 

Đây vốn cũng là mặt công tác mà TTVN chưa phát huy tốt, dù đây đó đã có những môn thể thao đang có sự tiến bộ ở mặt này (như bóng đá, bóng rổ). 

Để thu hút các nguồn lực xã hội, cần thêm nhiều sự đổi mới về cơ chế chính sách kích thích cho các doanh nghiệp đầu tư hay tài trợ cho thể thao (như miễn, giảm thuế cũng như các quy định khác). 

Thật đáng buồn vì đa số liên đoàn thể thao quốc gia lại chưa phát huy được vai trò của mình trong xu thế mới. Ngược lại, một số liên đoàn xảy ra mâu thuẫn nội bộ, hoặc chỉ "tồn tại cho có", khiến môn thể thao của họ rơi vào cảnh "nửa nạc, nửa mỡ" cả về quản lý, điều hành (giải vô địch quốc gia không có được sự tiến bộ rõ rệt về chuyêm môn) lẫn định hướng phát triển.

Các giải pháp khác về phát triển kinh tế thể thao cũng cần được đẩy mạnh, qua đó tạo nguồn lực mới cho thể thao nước nhà. 

Việc triển khai xổ số hay đặt cược thể thao là một ví dụ, gần như vẫn ách tắc dù ai cũng thấy ý nghĩa vô cùng tích cực của nó. Thực tế cho thấy, trong khi kinh tế thể thao thế giới đã phát triển như một ngành "công nghiệp" thì ở nước ta hãy còn mới mẻ, chưa có chiến lược phát triển rõ ràng.

Những sự điều chỉnh về tư duy đầu tư cho thể thao đỉnh cao cũng rất cần được chú trọng hơn. Nhưng sẽ là không dễ dàng gì khi ngoài tham gia thi đấu cho đội tuyển quốc gia, tất cả các VĐV đều trước hết phải đảm bảo "nghĩa vụ" và trách nhiệm với địa phương hay CLB chủ quản. 

Việc một "siêu kình ngư" như Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn liên tục phải tham dự hàng chục nội dung thi đấu ở giải quốc gia hoặc Đại hội thể thao để "cày HCV" sau khi đã trở thành số 1 Đông Nam Á sẽ cản trở sự tiến bộ của cô nếu muốn vươn tầm châu lục. Chưa có được sự đồng bộ và phối hợp tốt giữa các cấp quản lý TDTT cũng là một thực tế.

Sự thay đổi đồng bộ từ tư duy tới hành động là vô cùng cần thiết, và cần thêm nhiều thời gian nữa để qua đó tạo nên sự chuyển biến thật sự cho thể thao thành tích cao nước nhà. 

Trộm nghĩ, nếu thật sự nhìn từ góc độ khách quan này, chúng ta hẳn sẽ không có gì phải thất vọng với thành tích trước mắt!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem