Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thùy Duyên Thứ năm, ngày 12/10/2023 11:48 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số (không dùng tiền mặt) bằng các sản phẩm, giải pháp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, phát triển kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Đắk Lắk.
Bình luận 0

Sáng 12/10, Sở TT & TT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục Công nghiệp CNTT &TT, Bộ TT & TT tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số (FINTECH) phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tham gia Hội thảo có các đại diện Lãnh đạo Cục Công nghiệp CNTT&TT - Bộ TT & TT, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk; các doanh nghiệp công nghệ thông tin…

Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT - Bộ TT & TT nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán số.

Phát huy nhu cầu chuyển đổi số trong thanh toán số tại tỉnh Đắk Lắk

Nói về công ty Fintech, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Cục Công nghiệp CNTT & TT – Bộ TT& TT cho biết, sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp Fintech trong nước cho thấy sự thay đổi hướng tới một hệ sinh thái tài chính toàn diện và dễ tiếp cận hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng công ty Fintech trong nước đã tăng gấp 4 lần trong vài năm qua, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên hơn 150 công ty vào năm 2021. Còn theo báo cáo gần đây của UOB (United Overseas Bank), năm 2022 có hơn 200 công ty.

Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển thanh toán số, giúp mang dịch vụ đến cho mọi người ở bất kỳ nơi nào; công nghệ có thể giúp cho cả những khách hàng thu nhập thấp và điều này khiến cho nhiều người sử dụng hơn; dịch vụ tài chính cũng an toàn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ…

Phát biểu tại hội thảo, ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TT& TT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua, Sở TT & TT tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thanh toán số (thanh toán không dùng tiền mặt) tại địa phương.

Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 3.

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TT& TT tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo.

Đến nay 100% Cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ và có kết nối Internet băng thông rộng; Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư đảm bảo công việc quản lý, vận hành, cấp phát tài nguyên triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh; Mở rộng, nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G trên phạm vi toàn tỉnh và triển khai phát sóng thử nghiệm 05 trạm phu phát sóng di động 5G (trên cơ sở hạ tầng có sẵn) tại thành phố Buôn Ma Thuột trong tháng 3/2023.

Để phát huy nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thanh toán số  tại tỉnh Đắk Lắk, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 4.

Doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều dịch vụ thanh toán theo hướng số hóa, tự động hóa.

Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh dựa trên Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng…

Đa dạng dịch vụ thanh toán số hóa, tự động hóa

Theo đánh giá của đại diện của Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Đắk Lắk, tình hình thanh toán số tại tỉnh đang phát triển tích cực. Các doanh nghiệp tại tỉnh đã nhận thức rõ lợi ích của giải pháp thanh toán số và có nhiều lựa chọn để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sự đa dạng và tính tiện lợi của các giải pháp này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, việc tiếp tục nắm bắt và áp dụng các tiến bộ trong thanh toán số là điều cần thiết để đảm bảo sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Đắk Lắk trong tương lai.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều dịch vụ thanh toán theo hướng số hóa, tự động hóa.

Đối với Agribank Đắk Lắk, đơn vị đã có những sản phẩm hỗ trợ thúc đẩy thanh toán số. Cụ thể: Cổng thanh toán hóa đơn tập trung Agribank Bill Payment cung cấp phương tiện thanh toán online 24/7 thay cho hình thức thanh toán hóa đơn truyền thống; Thẻ Lộc Việt Agribank cho phép thanh toán không tiếp xúc (Contactless), tốc độ xử lý giao dịch nhanh giúp tối ưu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các ngành giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, dịch vụ công,…;. Hệ thống thanh toán tập trung Agribank Payment Hub giúp Agribank và các đối tác chia sẻ thế mạnh, hợp tác kinh doanh, kết nối trao đổi thông tin và dịch vụ để cùng nhau phát triển…

Doanh nghiệp số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 5.

Một doanh nghiệp số hướng dẫn và tư vấn cho một đơn vị về các giải pháp phần mềm ngay trên điện thoại thông minh.

Ví điện tử VTC Pay cung cấp hơn 300 sản phẩm, dịch vụ thanh toán hóa đơn và nội dung số, gồm: Nạp tiền điện thoại, mua thẻ điện thoại, thẻ Data 3G của tất cả  các nhà mạng; Thanh toán hóa đơn gia đình: Điện, nước, Internet, truyền hình; Mua sắm hàng hóa trực tuyến; Thanh toán tiện lợi với QR-code tại hơn 20.000 cửa hàng, điểm  chấp nhận thanh toán VTC Pay; Thanh toán bằng VietQR tại tất cả các điểm; Thanh toán các dịch vụ khác: VETC, mua vé máy bay, vé xe, mua vé số Vietlott, voucher Tinder, bảo hiểm, đặt phòng …

Giải pháp thanh toán học phí không dùng tiền mặt của Misa trong lĩnh vực giáo dục – y tế - vay vốn qua MISA JETPAY giúp người dân đóng tiền học tiện lợi; đối với kế toán tiết kiệm 100% thời gian thu và kiểm đếm tiền mặt, ghi chép sổ quỹ, tránh rủi ro sai sót , giảm thiểu áp lực, công việc cho các cán bộ nhà trường vào các kỳ thu phí; Đối với bệnh viện: Tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình "Bệnh viện thông minh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem