Doanh nghiệp Việt có đủ khả năng làm nhà cung cấp cho Boeing?

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 14/09/2023 14:29 PM (GMT+7)
Trở thành nhà cung cấp cho Boeing được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Tuy nhiên, để chính thức trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là việc không dễ.
Bình luận 0

Tại diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ nằm trong chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu Viet Nam International Sourcing Expo 2023 diễn ra tại TP.HCM, phía Boeing chia sẻ nhiều thông tin về chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp của hãng hiện nay.

Ông Maxime Dourdan - Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc của Boeing, cho biết chuỗi cung ứng, bao gồm các nhà cung cấp của Boeing hiện nay chủ yếu tại Hoa Kỳ, với hơn 9.500 nhà cung cấp. Tại khu vực châu Á, số lượng nhà cung cấp của Boeing chỉ hơn con số 200.

Ông Maxime cho rằng con số nhà cung cấp khu vực châu Á tuy khiêm tốn nhưng xu hướng là ngày càng tăng. 

“Ngoài Hoa Kỳ, chúng tôi đang mở rộng nhà cung cấp. Nhiệm vụ chính tại Việt Nam của tôi là mở rộng nhà cung cấp khu vực châu Á và Việt Nam”, ông Maxime nói.

Doanh nghiệp Việt có đủ khả năng làm nhà cung cấp cho Boeing? - Ảnh 1.

Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực của Boeing cho biết đang mở rộng tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp Việt đã tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô, xe máy, điện thoại, điện tử… Tuy nhiên, máy bay lại ở phân khúc cao cấp hơn hẳn. 

Boeing cũng như các doanh nghiệp hàng không đòi hỏi các nhà cung cấp đáp ứng chất lượng, thời gian giao hàng, tình hình tài chính ổn định, tiêu chuẩn môi trường cao.

“Trở thành nhà cung cấp cho Boeing và ngành hàng không khá là xa vời với chúng ta”, bà Bình nói và cho rằng nhiều quốc gia như Malaysia, Ấn Độ xác định chiến lược ưu tiên cho ngành hàng không, vũ trụ cách đây 20-30 năm. Trong khi Việt Nam lại muộn hơn rất nhiều.

Vậy cơ hội nào cho người đi sau? Theo bà Bình, doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế trong mảng làm linh kiện máy bay. Sau hợp đồng của Vietnam Airlines, Vietjet với Boeing thì liệu Boeing có ưu tiên tìm nhà cung cấp Việt Nam sản xuất linh kiện. 

“Nếu không có sự ưu tiên đó thì rất khó”, bà Bình thẳng thắn và cho rằng nếu như Boeing muốn tìm nhà cung cấp Việt Nam cho các đơn hàng này thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt rất sẵn lòng. Bà cũng rất mong doanh nghiệp Việt được tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing.

Doanh nghiệp Việt có đủ khả năng làm nhà cung cấp cho Boeing? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Vietnam Airlines và Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc mua 50 máy bay Boeing 737 MAX với trị giá 10 tỷ USD. Ảnh: VNA

Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực của Boeing Maxime Dourdan cho biết Boeing đang khuyến khích các nhà cung cấp cấp 1 tại Nhật Bản, Hàn Quốc tìm kiếm nhà cung cấp cấp 2-3 tại Việt Nam sản xuất các thành phần máy bay.

Theo ông Maxime, chi phí sản xuất và nhân công ở Nhật Bản, Hàn Quốc hiện rất cao, trong khi Việt Nam có ưu thế hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng chi phí chỉ là một phần bởi nhân lực trình độ cao tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.

“Chúng tôi từng mời giảm đốc sản xuất tới Đông Nam Á, cho Boeing thấy khả năng của Việt Nam hiện nay thế nào cũng như có chương trình huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất cho ngành hàng không”, ông Maxime nói thêm.

Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực của Boeing Maxime Dourdan cho rằng các nhà cung ứng từ Việt Nam có thể đi từ cấp 3-4 và dần dần nâng tầm thành nhà cung ứng cấp 1-2 cho Boeing.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem