Đọc sách cùng bạn: "Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 09/09/2022 20:08 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách nhan đề "Hương" của nhiều tác giả viết.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu" - Ảnh 1.

Cuốn sách nhan đề "Hương" của nhiều tác giả viết. (Ảnh: ST)

Tên sách cũng là tên nhân vật chính được nói đến trong sách. Đó là cô giáo Nguyễn Thuý Hương, sinh 1979, tại Quảng Trị. Tốt nghiệp khoa Âm nhạc Đại học Sư phạm Huế, Hương đã về làm cô giáo dạy nhạc tại trường tiểu học Hùng Vương (Đông Hà) suốt 16 năm. Đến năm 2016 cô chuyển sang Trung tâm Văn hóa TP. Đông Hà, dồn tâm huyết cho nghệ thuật Bài chòi. Năm 2017 chị phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn ba. Trong những tháng ngày chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, Nguyễn Thuý Hương vẫn lạc quan, yêu đời, gắng sống có ích nhất cho đời. Chị đã sáng tác bản nhạc "Rứa khi mô anh về" được lan truyền rộng rãi trên mạng. Chị cũng đã đăng ký hiến tạng với mong muốn một phần cơ thể mình vẫn có thể giúp thêm sự sống cho người khác. Tinh thần vượt lên bệnh tật của Hương đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

HƯƠNG

Nhiều tác giả.

Nhà xuất bản Thuận Hoá, 2022.

Số trang: 300 (khổ 21x21cm)

Số lượng: 500

Giá bán: 290.000đ

Cuốn sách "Hương" được xuất bản tưởng nhớ một năm Nguyễn Thuý Hương đi xa tập hợp nhiều bài viết về Hương và lấy cảm hứng từ Hương. Đúng dịp Trung thu 2022 cuốn sách sẽ được giới thiệu ra mắt trong chương trình "Trò chuyện cùng Hương" tổ chức tại thành phố Đông Hà với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa. Dưới đây là bài viết của tôi trong cuốn sách này về tinh thần lạc quan chống chọi bệnh ung thư của một số văn nghệ sĩ tôi biết để cùng Hương lan toả niềm yêu đời vui sống ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất.

Sinh ra làm người ai cũng muốn sống lâu sống dài để vui hưởng cuộc sống và đóng góp cho đời được nhiều nhất trong khoảng thời gian được sống của mình trên cõi thế. Nhưng sinh lão bệnh tử là cái vòng xoay của đời người không ai thoát được. Những người bị bệnh K. là bị số phận không may, nhất là người trẻ, khi cuộc đời còn dài rộng phía trước mà thời gian sống bị rút ngắn đột ngột. Trong hoàn cảnh đó buộc phải chấp nhận số phận. Nhưng là chấp nhận theo cách như của nhà thơ Xuân Diệu: "Đã không tránh khỏi, thì tôi tiếp/ Một cách đau thương, nhưng ngẩng đầu."

Cứ mỗi khi đọc được những tấm gương các bạn trẻ bị bệnh ung thư vừa chiến đấu kiên cường chống lại bệnh tật vừa vẫn tìm cách sống cống hiến cho đời trong khoảng thời gian còn lại của mình tôi thấy vô cùng yêu thương và cảm phục họ. Chính họ đã truyền cảm hứng sống tích cực cho bao nhiêu người khỏe mạnh. Tôi muốn chia sẻ ở đây những câu chuyện về các nhà văn nhà thơ bị bệnh ung thư là những người anh người bạn của mình để muốn nói thái độ đối mặt với nó. Một thái độ tích cực, chủ động.

Nhà văn Hòa Vang (1946 – 2006). Anh là một thanh niên Hà Nội tên thật Nguyễn Mạnh Hùng đầu những năm sáu mươi thế kỷ XX tham gia phong trào thanh niên thủ đô khai phá miền núi. Chiến tranh nổ ra anh nhập ngũ. Sau 1975 anh ra quân, về làm ở xưởng phim đèn chiếu và viết văn, lấy một địa danh ở chiến trường Đà Nẵng làm bút danh. Anh có khuôn mặt tròn hồng hào trông giống Quan Công bên Tàu. Tính anh vui bạn vui bè, đời sống khó khăn nhưng anh em gặp nhau là vui nhộn.

Năm 1992 sau khi nhận giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ cho truyện "Nhân sứ" anh quyết định làm một cuộc đi bộ đường trường Nam tiến. Anh rủ được nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc cùng đi. Chuyến đi này rồi cũng thành xôm trò vì "đi mà không đi, không đi mà đi, ấy là đi vậy" và rốt cuộc chỉ đến Quảng Trị là quay về. Nhưng chuyến đi đã cho anh nhiều chất liệu để viết.

Bẵng đi một thời gian, Hòa Vang phát bệnh ung thư. Anh không giấu chuyện này với gia đình, bạn bè. Bên cạnh việc tìm mọi cách chạy chữa như thường tình anh chủ động chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Việc đầu tiên anh lo đám cưới cho cô con gái thứ hai. Cháu tên là Nguyễn Y Vân ai nghe cũng bật cười cho anh. Anh nói đứa đầu đã con gái, đứa thứ hai cũng muốn thằng con trai nhưng trời không cho thì là vẫn y nguyên gái. Song đặt tên con là Nguyễn Y Vân anh còn muốn nói với con là tình cảm của bố mẹ dành cho con vẫn tròn đầy, vẹn nguyên, không vì ước vọng thằng con trai không thành mà xô lệch. Đám cưới Y Vân tổ chức tại Nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão (Hà Nội) rất đông bạn bè đến với vợ chồng Hòa Vang. Anh đứng ở cửa đón khách với thân hình đã gầy đi nhiều nhưng cặp mắt vẫn tinh anh và giọng nói vẫn vang vọng. Hôm đó thay mặt hai gia đình anh đã có bài phát biểu miệng rất hay và xúc động, gửi gắm tất cả tình cảm cho đứa con, hơn thế còn như một lời chào tạm biệt mọi người, tạm biệt cuộc đời. Chúng tôi ngồi nghe anh nói mà rưng rưng.

Một hôm anh nhắn tôi đến nhà anh ở số 5 Quang Trung. Anh nghĩ đến chuyện đám tang mình thì mình phải có lời cám ơn mọi người đã đến chia buồn, đưa tang. Anh sẽ viết sẵn lời cám ơn đó và nhờ người đọc. Anh đã nhờ mấy người bạn văn cùng trang lứa nhưng ai cũng ngại. Anh muốn nhờ em đọc giúp anh có được không. Tôi nói: Anh nghĩ ra cái ý hay đấy, chưa có đám tang nào mà người chết lại có lời cám ơn người sống như vậy. Anh cứ viết đi và em sẽ đọc thay anh. Được lời Hòa Vang rất vui, bảo tôi tuần sau quay lại lấy bản anh viết. Nhưng lần sau tôi đến thì anh lại thay đổi ý kiến. Anh bảo: Cảm ơn em đã nhận lời giúp anh, nhưng làm thế anh cảm thấy phiền cho em, không hay. Anh nghĩ lại rồi, anh sẽ đọc lời cảm ơn vào máy ghi âm và giao cho chị Lan (vợ anh) khi kết thúc đám tang thì phát lên loa để mọi người nghe được. Tôi bảo: Vâng, tùy anh, nhưng em sợ khi đó nghe giọng Hòa Vang cất lên trên loa khi thân xác anh đang nằm trong quan tài trước mặt thì mọi người sẽ hoảng hốt sợ hãi đấy. Hai anh em cười.

Vậy mà đã 15 năm nhà văn Hòa Vang rời cõi trần. Hôm đám tang anh tôi thay mặt Hội Nhà văn Hà Nội đọc điếu văn tiễn biệt anh tại Nhà tang lễ Thành phố Hà Nội (125 Phùng Hưng). Cái việc phát loa lời anh cảm ơn mọi người không có. Sau này tôi có hỏi chị Lan là anh có ghi âm lời mình không, chị bảo có nhưng đến phút cuối thì anh bảo thôi không phát nữa. Dù vậy, câu chuyện này tôi vẫn hay kể cho bạn bè mỗi khi nhắc nhớ về Hòa Vang để cảm phục tinh thần ứng xử với cuộc sống và cái chết của anh khi đã mang trong mình căn bệnh ung thư.

Nhà văn Châu Diên (1932 - 2019) cũng là một người vui hóm. Ông tên thật Phạm Toàn, sinh thời ông có một Email là photovidai sau đổi thanh photokhiemton. Khi nhà văn Đoàn Lê (1943 – 2017) mất, ông và mấy bạn văn già thương tiếc cô em văn sĩ đến viếng. Băng tang trên vòng hoa Phạm Toàn không cho ghi chữ "Vĩnh biệt" mà đề là "Tạm biệt". Ông bảo: Đoàn Lê nó đi trước, bọn anh chỉ tạm biệt thôi, rồi sắp gặp nhau ở thế giới bên kia cả mà. Mày còn trẻ còn phải đi đưa các ông anh bà chị nhiều đấy, liệu hồn. Cái sự hài hước, đùa cả với cái chết này ông đã từng bộc lộ khi viết trước điếu văn cho mẹ mình. Bà cụ sắp trăm tuổi, khi chuyển bệnh, ông được các bà chị ngoài tám mươi phân công viết điếu văn. Thế là ông chấp bút dự thảo "Lời điếu đọc tại lễ tang cụ Lê Thị Ngoạn, do bà chị cả Phạm Thị Khang đọc ngày 1/4/2015". Ngày tháng ấy tức là ngày "Cá tháng Tư", nghĩa là ông muốn mẹ mình sống mãi. Nhưng mệnh trời không ai cưỡng được, nên ông cứ viết sẵn điếu văn cho mẹ, giọng điệu cứ bình thản, mà thực ra đây là viết cho mình, nén nỗi đau biết mình sẽ mất mẹ, để nhận từ mẹ cho mình những điều được mất ở đời khi mình cũng đã tuổi cao. "Cụ Lê Thị Ngoạn đã chuẩn bị cho cuộc ra đi rất thanh thản, chắc chắn vì cụ đã tha thứ cho chúng tôi mọi điều chúng tôi từng sai trái có thể có, và cũng vì cụ yên tâm với những điều con cháu đã đạt được".

Và đến khi ông ra đi vì bệnh ung thư cũng vậy, bình thản. Phạm Toàn đã tận lực làm việc đến những ngày cuối cùng và chỉ tiếc là chưa làm xong bộ sách cho dự án giáo dục "Cánh Buồm" mà ông đã tâm huyết tổ chức cùng nhiều bạn trẻ. Đám ma ông không điếu văn mà chỉ bạn bè lên nói lời chia tay trong tiếng nhạc, tiếng hát tiễn đưa. Tôi có bài thơ "Sinh một Phạm Toàn" viết cho ông từ trước nhưng ngày ông ra đi tôi đã thêm vào khổ cuối để nói lên cái vui sống lạc quan vượt qua bệnh tật tuổi già của ông. Cái chết sinh ra một Phạm Toàn/ Tám mươi tám tuổi cõi trần gian/ Ra đi còn tiếc chưa xong việc/ Chắc sẽ mang theo xuống suối vàng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947 – 2019) khi biết mình bị bệnh ung thư lúc đầu cũng hoang mang. Nhưng bản tính vui vẻ, ham sống đã cho anh tinh thần chống chọi với căn bệnh nan y. Trong những tháng ngày cuối cùng của đời người ấy, bạn bè văn chương gặp anh lại vẫn nghe anh tếu táo vui đùa, đọc thơ, hát nhạc của mình. Chân dung anh vẫn là "vẽ tôi con Lợn cầm tinh/ con Gà cầm tháng, con Tình cầm tay". Khi anh nằm ở bệnh viện Bạch Mai, tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Trung Trung Đỉnh vào thăm. Thấy bạn văn chương anh ứa nước mắt nói còn muốn sống lắm để hát ca thơ nhạc với đời. Tôi tếu táo đùa anh: Nguyễn Trọng Tạo mà khóc thì không còn là Nguyễn Trọng Tạo nữa, anh phải cười lên chứ, và nhất là phải uống chứ. Anh nằm phòng dịch vụ thế này có tủ lạnh trong phòng chắc là có bia, lấy bia ra ta uống cho khí thế nào. Nghe vậy anh hồ hởi lại ngay, bảo cô cháu đang ở chăm lấy bia ra và mấy anh em chúng tôi chạm cốc. Cố nhiên anh chỉ nhấp môi thôi. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi giữ lại về anh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Nói chuyện rượu khi căn bệnh K. đã ở giai đoạn cuối, tôi lại nhớ nhà thơ Phùng Quán (1932 – 1995). Năm ấy, anh đã được bệnh viện Bạch Mai trả về. Nhà văn Nguyễn Quang Lập và tôi đến thăm anh tại nhà anh hồi đó còn là "Vọng Ba Lâu" ở phía sau trường Chu Văn An (Hà Nội). Thấy hai đứa em đến anh rất vui chỉ vào chai rượu tây to để ở đầu giường bảo rót hai chén uống cho anh vui chứ anh không còn được uống. Lập tếu táo nói: Nếu vì để khỏe lại được, sống thêm được thì thôi, anh đừng uống, còn nếu đằng nào anh cũng "đi" thì cứ uống sợ gì. Nghe thế anh Quán cười khì nhìn hai thằng tôi uống mà nghẹn ngào thương anh. Đám ma anh có rượu tưới quanh mồ và bây giờ cứ mỗi dịp vào Huế lên mộ anh thắp hương bạn bè tứ xứ đều có rượu mang theo để rót cho anh.

Có lẽ các văn nghệ sĩ là những người làm vui cho đời nên khi mình chẳng may bị bệnh hiểm nghèo họ không muốn lây lan sự bi quan, tuyệt vọng cho công chúng yêu mến mình. Như trường hợp nhạc sĩ Trần Tiến. Khi bị chuẩn đoán có dấu hiệu K. báo chí xôn xao đưa tin, thậm chí còn nói anh đã qua đời. Nhưng Trần Tiến kiên quyết không để ai phải thương xót mình. Anh bảo: Công chúng đã ủng hộ, yêu mến mình, mình phải tôn trọng họ, phải tiếp tục có những sáng tác làm vui cho họ, chứ sao lại đem cái đau khổ bệnh tật của mình ra khiến họ phải buồn bã, lo lắng. Khi tôi và một số bạn bè từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu thăm, anh trò chuyện rất vui vẻ, sôi nổi, nhưng cấm chụp hình đưa lên Facebook. Anh mở loa cho mọi người nghe bài hát anh viết khi biết mình bị K. để mọi người cùng anh có thêm nghị lực tinh thần sống. Bài hát nhan đề "Không gục ngã". Anh kể: "Tôi đã viết ca khúc "Không gục ngã" vào những ngày đang nằm trên giường bệnh, không thể bước xuống đất và cứ nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi. Lúc ấy, tôi viết lên máy tính xách tay, cứ tự hát và tự phối. Thế nhưng, nhờ bài hát mà tôi sống tiếp cho đến bây giờ. Ðó là sự trở lại cực kỳ hùng dũng, như từ cõi chết trở về".

Đứng dậy, đứng dậy thôi.

Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã,

đứng dậy, hãy vượt qua,

bao nhiêu năm ta không sống đớn hèn...

Tôi viết bài này trong tập sách mang tên HƯƠNG để chia sẻ cùng nhân vật chính Nguyễn Thúy Hương – một bệnh nhân ung thư đã biết vượt lên những đau đớn thể xác để mang lời thơ tiếng nhạc và những việc làm thiết thực của mình góp ích cho đời. Em đã không gục ngã vì căn bệnh hiểm nghèo. Em đã biết cách đứng dậy. Từ đó em đã truyền năng lượng cảm hứng cho những người lâm bệnh như em, và cho cả những người khỏe mạnh mà có khi tự mình buông trôi ngày tháng. Tôi chưa gặp em và có thể là không kịp gặp em. Nhưng đọc trên trang Facebook của Thúy Hương tôi biết em đã sống đáng giá những tháng ngày được sống sau khi biết mình mắc căn bệnh nan y.

"Một cách đau thương, nhưng ngẩng đầu", câu thơ Xuân Diệu viết cho cuộc đời ông mà tôi nghĩ có thể vận cho tất cả chúng ta khi đối diện với cái chết để biết sống sao cho đẹp, cho có ích với đời. Nhất là những người phải đương đầu với bạo bệnh từ sớm. Thúy Hương có thể biết hay không câu thơ đó của nhà thơ "mới nhất trong các nhà Thơ Mới", nhưng bằng vào cái sống của em hiện tại tôi biết em đã hành động như vậy. Em đã truyền đi một thông điệp lạc quan, tích cực cho mọi người và từ em HƯƠNG sẽ còn lan tỏa mãi. Và nếu như em đã chuẩn bị tâm thế cho cuộc đi miên viễn của mình để từ bên kia nhìn về mong mọi điều tốt đẹp cho người thân ở lại thì từ bên này mọi người vọng tưởng cũng sẽ rất nhớ thương em.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 8/2021 – 8/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem