Đọc sách cùng bạn: Một nhà thơ hiện - đại - cổ - điển Việt Nam

Phạm Xuân Nguyên Thứ bảy, ngày 26/06/2021 12:35 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi giới thiệu cùng bạn một chuyên luận nghiên cứu văn học nhan đề "Nguyễn Duy nhà thơ hiện đại Việt Nam (thực hành phân tích diễn ngôn văn học)" của nhà nghiên cứu Lã Nguyên.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Một nhà thơ hiện - đại - cổ - điển Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Duy (sinh 1947) xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1973. Từ đó thơ ông ngày càng phát triển và lan truyền sâu rộng trong cả giới văn chương và công chúng bạn đọc rộng rãi. Nói về thơ Nguyễn Duy mọi người thường nói đến tính chất dân gian hiện đại, ai cũng dễ thấy thơ ông có sự khác biệt so với thơ chung đương thời. 

Nhưng để nói ra được cái chất dân gian hiện đại ấy, cái khác biệt ấy của thơ Nguyễn Duy một cách thuyết phục về mặt khoa học văn chương thì không đơn giản, dễ dàng. Nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn sinh thời đã có một bài viết công phu đầy cảm xúc nhan đề "Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân" chỉ ra được một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác của nhà thơ. Và giờ đây nhà nghiên cứu Lã Nguyên (La Khắc Hòa) đã có hẳn một chuyên luận về thơ Nguyễn Duy để định danh ông là nhà thơ hiện đại Việt Nam.

Trong chuyên luận này tác giả Lã Nguyên thực hành phân tích diễn ngôn văn học đối với thơ Nguyễn Duy trên các mặt: hình tượng tác giả-kiểu nhà thơ như người sáng tạo một loại hình thơ; nhân vật trữ tình (trả lời câu hỏi ai nói trong thơ); thể tài và cảm hứng (trả lời câu hỏi thơ nói gì); ngôn ngữ và giọng điệu (thơ nói bằng ngôn ngữ nào). 

Cả chuyên luận là quá trình phân tích, chứng minh cái kết luận đã được tác giả nêu ra từ dòng đầu tiên: "Công trình nghiên cứu này chỉ có một ý tưởng, nhằm tới một mục đích: chứng minh Nguyễn Duy là nhà thơ hiện đại cổ điển Việt Nam, sáng tác của ông không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa." (tr. 15). 

Nhằm mục đích đó ông đã dùng thao tác so sánh, đối lập giữa Nguyễn Duy một bên và bên kia là các nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa mà tiêu biểu nổi bật là Tố Hữu. Vì thế tác giả còn đưa vào cuốn sách ở phần phụ lục bài nghiên cứu công phu của mình "Thơ tố Hữu – kho "ký ức thể loại" của văn học từ chương" để độc giả có cơ sở tin hơn ở sự nghiên cứu của ông về Nguyễn Duy.

NGUYỄN DUY NHÀ THƠ VIỆT NAM (THỰC HÀNH PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN VĂN HỌC)

Tác giả: Lã Nguyên

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2021

Số trang: 255 (khổ 12x20cm)

Số lượng: 500

Giá bán: 99.000

Theo kết quả phân lập của Lã Nguyên, người đọc chuyên luận này có thể thấy:

Về hình tượng tác giả, ở Tố Hữu là nghệ sĩ-chiến sĩ, ở Nguyễn Duy là thi sĩ chúng sinh. Từ đây có hai kiểu nhà thơ: một bên là kiểu "tác giả cách mạng" và một bên là kiểu "tác giả nhân dân".

Về nhân vật trữ tình, ở thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa là người Chiến Sĩ Cách Mạng, còn ở thơ Nguyễn Duy là Dân, người Dân. Ở đây hay ở kia nó đều có liên hệ với thân phận nhân dân. "Nhưng trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, "nhân dân" trước hết là phạm trù chính trị, có nội dung tư tưởng hệ. Nó được sử dụng để chỉ quần chúng Cách mạng. Phải là quần chúng cách mạng mới được đứng vào hàng ngũ của nhân dân." (tr. 36-37). Còn ở thơ Nguyễn Duy "Nó chỉ có một thân phận! Thân phận duy nhất của nó là thân phận của nhân dân." (tr. 38).

Về thể tài và cảm hứng, "Thơ Nguyễn Duy hòa vào dòng chảy văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chính là ở đề tài chiến tranh và thể tài truyền thuyết." (tr. 64) Nhưng đó là một truyền thuyết khác, truyền thuyết về "lòng dân" và sự trường tồn của nhân dân. "Cho nên cũng nói về Tổ Quốc, về dân tộc, nhưng đằng sau truyền thuyết của Nguyễn Duy là một bức tranh thế giới khác xa với bức tranh thế giới trong truyền thuyết của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa." (tr. 67)

Về ngôn ngữ và giọng điệu, tác giả khảo sát ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy từ ba lớp. Lớp thứ nhất là ngôn ngữ thế giới quan: ở Tố Hữu là "ngôn ngữ nhà binh" với từ khóa "mặt trận", ở Nguyễn Duy là "ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ làng quê" với từ khóa "nhà". Lớp thứ hai là ngôn ngữ cơ thể: ở Tố Hữu nhân vật trữ tình giao tiếp nghệ thuật bằng "cơ thể nhà binh, cơ thể cộng đồng", đó là "một cơ thể quan phương, được đặt vào một không gian giao tiếp quan phương." (tr. 135); ở Nguyễn Duy nhân vật trữ tình giao tiếp nghệ thuật bằng "cơ thể chúng sinh", phi quan phương. 

Lớp thứ ba là điệu giọng trữ tình: ở Tố Hữu là bốn điệu giọng có khuôn mẫu từ thời trung đại – Hịch văn, Thệ thi, Ca thi và Đại cáo. "Hịch và Cáo là điệu giọng quyền uy từ bên trên. Thệ văn và Ca thi là điệu giọng cung kính từ bên dưới." (tr. 150); ở Nguyễn Duy giọng chủ đạo là hài hướctrữ tình cảm thương. Với giọng đó Nguyễn Duy "đã chọn hát nói làm điệu giọng phù hợp nhất với nó." (tr. 154).

Trên đây tôi đã tóm gọn rất sơ sài, sơ lược, trong khuôn khổ một bài điểm sách, những luận điểm chính trong cuốn chuyên luận của Lã Nguyên về thơ Nguyễn Duy. Ở mỗi phạm trù, mỗi luận điểm tác giả còn triển khai chứng minh chi tiết, tỉ mỉ với rất nhiều dẫn chứng thơ của cả hai phía. Đọc sâu vào sách "ở trong còn lắm điều hay".

Cuối cùng tác giả tổng kết lại bằng cách nói rõ vì sao ông lại đặt cho chuyên luận này cái tên như in ở ngoài bìa sách. "Trước kia, dòng chảy của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không cuốn thuyền thơ của Nguyễn Duy quay ngược về với nghệ thuật quy phạm, từ chương. Nay, luồng gió "đổi mới" cũng không thể đẩy con thuyền thơ ấy bơi về phía chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại cùng những Trần Dần, Lê Đạt và nhiều thi sĩ trẻ khác. 

Phong cách và cá tính sáng tạo của Nguyễn Duy đã đặt ông vào vị trí của một NHÀ THƠ VIỆT NAM. Mọi bình diện thi pháp làm nên cấu trúc diễn ngôn trong thơ ông, như tôi đã phân tích, từ nhân vật trữ tình, qua thể tài và cảm hứng, cho tới ngôn ngữ và phương thức biểu hiện, đều là sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện Thơ Mới, biến mỹ học ấy thành hình thức hiện đại của thơ ca dân tộc. Tôi gọi Nguyễn Duy là nhà thơ hiện-đại-cổ-điển Việt Nam theo ý nghĩa như vậy." (tr. 167).

Cuốn chuyên luận này của Lã Nguyên có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Thứ nhất, nó đưa đến một cách đọc thơ Nguyễn Duy về mặt khoa học khác với trước đây, có thể còn phản bác nữa. Thí dụ như khi tác giả coi hát nói chứ không phải lục bát mới là điệu giọng của thơ Nguyễn Duy. Tất nhiên, cuốn sách cũng mời gọi và thách thức những trao đổi, thảo luận về thơ và nghiên cứu văn học từ những trình bày của tác giả. 

Thứ hai, qua sự thực hành phân tích diễn ngôn văn học trên một tác giả cụ thể này, Lã Nguyên đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu một bộ công cụ cần thiết để vận dụng vào các tác giả tác phẩm khác, vận dụng sáng tạo, cố nhiên. Thứ ba, quan trọng nhất, "tập sách nhỏ về thơ Nguyễn Duy của Lã Nguyên nêu ra một vấn đề rất lớn đối với văn học sử đương đại Việt Nam. Đó là vấn đề loại hình hóa các dòng văn học trong nội bộ của nó." (tr. 7) như Gs. Trần Đình Sử đã nói ngay đầu bài "Tựa" của mình. Điều này thảng hoặc đây đó hồi trước đã có người nói. 

Tố Hữu là ngọn cờ đầu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng ý. Nhưng văn học Việt Nam không chỉ có một dòng đó mà còn những dòng khác nữa. Tiếc là một thời gian dài các dòng khác này đã bị không được tồn tại dưới ánh mặt trời. Lã Nguyên bằng chuyên luận này muốn khẳng định thơ Nguyễn Duy "không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa". Vậy nó là chính bản, nguyên bản của một cái khác. Cái khác đó là gì, tác giả chuyên luận đã dẫn giải và mời người đọc cùng suy nghĩ, tìm hiểu tiếp tục.

Nhà nghiên cứu văn học Lã Nguyên (tức PGs, Ts La Khắc Hòa, sinh 1947) là người chuyên sâu về lý thuyết văn học. Từ lý thuyết ông đã triển khai vào nghiên cứu một số tác gia và hiện tượng của văn học hiện đại Việt Nam đem lại những khái quát, phát hiện mới mẻ, độc đáo cho ngành học thuật văn chương nước nhà. 

Bạn có thể tìm đọc các công trình chất lượng của ông như "I. Lotman. Ký hiệu học văn hóa" (2015), "Lý luận văn học Nga hậu xô viết" (2017), "Số phận lịch sử của các lý thuyết văn học" (2018), "Phê bình ký hiệu học. Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ" (2018). 

Nhưng nếu bạn mới bắt đầu làm quen với Lã Nguyên (La Khắc Hòa) thì bạn hãy bắt đầu từ cuốn sách này "Nguyễn Duy nhà thơ hiện đại Việt Nam (thực hành phân tích diễn ngôn văn học)".

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 26/6/2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem