Đọc sách… kiểu mới

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 29/06/2018 07:00 AM (GMT+7)
Những giảng viên của Trường Đại học Khánh Hòa muốn truyền cảm hứng đọc sách cho các bạn nhỏ bằng một chương trình đọc sách miễn phí với các hoạt động phong phú.
Bình luận 0

Đã hơn một tháng nay, đều đặn mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, hai giảng viên của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa Trần Thị Thanh Huyền, Phan Thị Thùy Nhung và Thái Thị Phương Thảo đều đến Thư viện tỉnh Khánh Hòa (số 8 Trần Hưng Đạo, TP.Nha Trang) tham gia đọc sách cùng các bạn nhỏ.

img

Giảng viên Thái Thị Phương Thảo giới thiệu với các bạn nhỏ một cuốn sách mới.

Được biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình đọc sách miễn phí do Câu lạc bộ (CLB) Cửa sổ diệu kỳ (thuộc Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa) phối hợp với Thư viện tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Theo đó, các bạn nhỏ từ 5 – 15 tuổi có thể đăng ký tham gia câu lạc bộ để được các cô giáo xinh đẹp, hiền dịu đọc sách, hướng dẫn cách tìm hiểu nội dung cuốn sách, tham gia các trò chơi liên quan.

Cũng tại CLB này, các bạn nhỏ có thể tìm thấy những cuốn sách luôn “hot” như: Totto Chan cô bé bên cửa sổ; Pipi tất dài, Coraline; Dế mèn phiêu lưu kí; Nhà Tuck bất tử; 35 kilo hy vọng; Truyện con mèo dạy hải âu bay; Khu vườn của Chi; Kính vạn hoa…

img

Qua giọng đọc truyền cảm của cô giáo, câu chuyện trong mỗi trang sách trở nên lung linh và kỳ diệu.

Bên cạnh đó, CLB Cửa sổ diệu kỳ còn mở các lớp dạy dựa trên các phương pháp học chủ động (active learning) và trải nghiệm (experiential learning): Kỹ năng viết văn miêu tả, văn kể chuyện; kỹ năng cảm thụ văn học; thuyết trình; lập bản đồ tư duy và kỹ năng sử dụng Từ điển Tiếng Việt;… nhằm mục đích rèn luyện và phát triển ngôn ngữ, tư duy, bồi dưỡng năng lực cảm xúc cho các bạn nhỏ.

Chính vì những hoạt động sôi nổi này mà dù mới chính thức khai trương ngày 2.6 nhưng câu lạc bộ đã thu hút đông đảo bạn nhỏ ở TP.Nha Trang tham gia, góp phần tạo nên một mùa hè sôi động và rực rỡ.

img

Giảng viên Trần Thị Thanh Huyền (người ngồi ngoài cùng bên phải) cho biết, CLB đã mở ra nhiều điều mới lạ với các bạn nhỏ.

Nhưng cách đọc sách của cô trò CLB này cũng có nhiều sự… khác người. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Thông qua hoạt động đọc sách hàng tuần, chúng tôi hy vọng sẽ gieo hạt mầm tình yêu và lòng ham mê với sách cho các bạn nhỏ. Để nhờ sách và thông qua sách mà các em khám phá tri thức mới, từ đó khám phá bản thân thông qua những hoạt động liên quan, nuôi dưỡng ước mơ và quan trọng hơn là để những ngày hè của các con thực sự tươi đẹp, thú vị”.

Theo đó, thay vì chỉ tiếp cận một cuốn sách theo cách đọc thông thường, các cô giáo còn hướng dẫn các em cách đọc sách sao cho hiệu quả, tổ chức thảo luận nhóm về nội dung cuốn sách, thể hiện bằng tranh hoặc sơ đồ nội dung câu chuyện vừa nghe và kể lại câu chuyện theo cách diễn đạt của mình, với học sinh từ lớp 2 trở lên có thể viết một đoạn cảm nhận.

Theo giảng viên Thanh Huyền, chúng ta không thể hun đúc niềm đam mê đọc sách của trẻ bằng sự giục giã mà phải làm sao khơi gợi tình yêu ấy một cách tự nhiên, để trẻ chủ động tìm đến với sách như đến với một người bạn thân thiết. Ngoài ra, việc rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng lựa chọn sách phù hợp cũng rất quan trọng.

img

Các bạn nhỏ thảo luận, thể hiện bằng sơ đồ tư duy hoặc vẽ tranh về nội dung cuốn sách.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho những người tâm huyết với câu lạc bộ đọc sách này. Làm thế nào để hoạt động đọc trở thành một niềm yêu thích thực sự khi mà chương trình học và SGK ở nhà trường vẫn nặng nề và mang tính hàn lâm? Làm thế nào để biến đọc trở thành thói quen, nhất là với trẻ nhỏ, khi mà trong kỉ nguyên công nghệ các thiết bị thông minh có sức hấp dẫn vô cùng? Làm thế nào để tâm hồn trẻ đằm lại mỗi giây trên trang sách khi mà thời hiện đại hàng trăm giá trị vật chất khác đang chiếm chỗ của thế giới tinh thần? Nhưng cũng làm thế nào để đọc trở thành một hoạt động của niềm vui và hạnh phúc chứ không phải ép những đứa trẻ thành những con mọt sách?

Và tất cả đã tìm được lời giải với những hoạt động phong phú của CLB. “Chưa bao giờ tôi thấy các bạn nhỏ đọc sách say sưa đến thế, chưa bao giờ tôi thấy các em sáng tạo và đáng yêu đến thế. Bên những trang sách nhỏ, dường như sức hấp dẫn của smartphone, máy tính bảng đã giảm đi rất nhiều”, cô giáo Huyền nói.

img

Các bạn nhỏ thảo luận rất sôi nổi.

 “Tuổi thơ không có sách – sẽ là không có tuổi thơ. Điều đó giống như bị đuổi khỏi cái nơi thần kì mà bạn có thể tới và tìm được niềm vui quý hiếm nhất” (Astrid Lindgren). Với trẻ nhỏ, sách là cửa sổ diệu kì, hãy thử tưởng tượng, tuổi thơ không có sách sẽ vắng bóng những chàng hoàng tử áo xanh trong những giấc mơ của những cô bé, sẽ không có những nàng công chúa vừa kiêu kì vừa diễm lệ trong kí ức của những cậu bé, thế giới thần tiên cũng chẳng  xuất hiện, không có tiên, Bụt, cũng không quái vật, không phù thủy, không cả những giấc mơ về thế giới rộng dài và đầy mời gọi ngoài kia…

Vì vậy, việc làm tưởng như nhỏ bé của những giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa có thể giúp nâng đỡ tâm hồn tươi xanh của các em nhỏ, để những trang sách mãi bên các em như một hành trang không thể thiếu, nuôi dưỡng một trái tim trong sáng dù cuộc sống có lúc thăng trầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem