Đợi mãi trời không chịu rét, người trồng hành hết hi vọng

Thứ hai, ngày 24/12/2018 19:00 PM (GMT+7)
Vụ đông xuân năm 2018-2019 là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương khi nền nhiệt duy trì ở mức cao, ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng cây trồng.
Bình luận 0

Cây trồng phát triển kém

Năm nay, nông dân Nam Sách có một vụ hành buồn khi kết quả sản xuất không được như mong muốn. Người dân đang thu hoạch hành tươi đầu vụ nhưng với giá bán và năng suất năm nay, người trồng hành đã gần như hết hy vọng về vụ hành bội thu.

img

Vụ đông xuân ấm khiến hành kém phát triển

Ông Trần Thế Soát ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn than thở: "Năm trước, mỗi sào hành gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng, còn năm nay tôi chỉ mong đủ bù chi phí bỏ ra. Thời tiết mùa đông mà quá nhiều ngày nắng ấm nên hành bị khô đầu lá, chậm phát triển. Sâu bệnh cũng xuất hiện nhiều hơn, tiền mua thuốc sâu tốn gấp đôi mọi năm. Vậy mà hành xuống củ không đều, năng suất giảm 1/3 so với vụ trước. Đã vậy, giá hành lại không cao, mới đầu vụ mà chỉ bán được từ 12.000-13.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng chỉ lãi từ 1-2 triệu đồng/sào. Hành nhà tôi phải chính vụ mới cho thu hoạch, không biết giá còn giảm đến mức nào?".

Người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng đứng ngồi không yên khi cà rốt đang trong thời kỳ làm củ mà thời tiết không có mưa lạnh. Theo anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghhiệp xã, lứa cà rốt cực sớm của xã đã được thu nhưng sản lượng không cao. Lạnh ít, nắng nhiều nên cà rốt chỉ dài lá chứ không đẫy củ làm cho năng suất giảm đáng kể. Ước tính năng suất cà rốt sớm chỉ đạt từ 7,5-8 tạ/sào, giảm từ 3-3,5 tạ/sào so với năm trước.

"Nếu thời gian tới, trời tiếp tục nắng ấm thì lứa cà rốt sau sẽ lại hỏng ăn", anh Thuật nhận định.

Nếu như vụ trước, nông dân Thanh Hà rất vui vì vải được mùa, được giá thì sang vụ này họ không khỏi lo lắng do cây ra lộc đông nhiều. Theo kinh nghiệm chăm sóc vải gần 30 năm của gia đình ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Lại Xá (xã Thanh Thủy), để cây có thể phân hóa mầm hoa thuận lợi thì phải đủ số giờ lạnh dưới 15 độ C. Từ đầu mùa tới nay mới chỉ có 1 đợt lạnh sâu còn lại là nắng hanh nên cây chỉ bật lộc chứ không ủ mầm hoa.

"Xử lý hết đợt lộc này thì đợt lộc khác lại nhú ra. Nắng ấm cứ kéo dài thì vụ vải năm nay rất dễ mất mùa. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để diệt lộc. Dù vậy, vẫn phải trông mong vào thời tiết, nếu không có lạnh thì vải rất khó ra hoa", ông Nhân thở dài.

"Lệch" thời vụ

Đối với các hộ trồng hoa, vụ hoa Tết luôn được chú trọng đầu tư vì thường thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết hiện nay, việc chăm sóc cho hoa nở đúng thời điểm rất vất vả, khó khăn. Hơn 1 tháng nay, bà Nguyễn Thị Liên ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) thấp thỏm đợi rét để mong gần 200 gốc đào và 1 sào hoa cúc có thể ra hoa đúng dịp. Ngay từ đầu vụ, thấy được bất lợi của thời tiết, bà Liên xuống giống hoa muộn hơn 1 tuần và tuốt lá đào muộn hơn 10 ngày. Ngoài ra, bà còn dùng lưới đen để che nắng, hạn chế cây hấp thụ nhiệt.

img

Nhiều diện tích vải ra lộc đông do thời tiết nắng ấm kéo dài

"Đã áp dụng mọi cách song cúc vẫn ra nụ sớm, tôi phải cắt bỏ bớt nụ để đón đợt hoa sau. Còn với cây đào, tôi vẫn đang theo dõi, tùy vào tình hình sẽ tiếp tục khoanh gốc, chặn rễ. Dù vậy, nếu sắp tới, thời tiết vẫn không ủng hộ thì nguy cơ thất thu rất cao".

Người trồng chuối ở các huyện Thanh Hà, Kinh Môn cũng đang bất an vì nhiều buồng chuối có thể lỡ hẹn với Tết. Còn 1 tháng rưỡi nữa mới đến Tết Kỷ Hợi nhưng nhiều buồng chuối đã già, buộc người dân phải bán sớm. Nếu vào đúng dịp Tết, một buồng chuối có thể bán với giá từ 600.000-800.000 đồng, nhưng hiện giá chỉ chưa bằng một nửa.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 10 và 11 năm nay, các khu vực trong tỉnh có nhiệt độ cao hơn từ 1-2 độ C, lượng mưa thấp hơn từ 15-20 mm so với trung bình nhiều năm. Nền nhiệt này sẽ khiến các cây trồng đặc trưng của vụ đông kém phát triển và các loại cây phản ứng chặt chẽ với thời tiết sinh trưởng không theo thời vụ. Những tháng tới, biểu hiện của El Nino sẽ càng rõ nét nên hình thái thời tiết hanh khô sẽ lấn át lạnh ẩm. Sản xuất nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Để khắc phục bất lợi của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra khuyến cáo đối với từng loại cây trồng. Trong đó, cần giảm tối đa diện tích trồng su hào, cải bắp cuối vụ năng suất, chất lượng không cao thay vào đó là tập trung trồng các loại rau ăn lá. Với cây vải, nông dân phải tập trung xử lý lộc đông, hạn chế chăm sóc để cây không tiếp tục ra lộc. Trong sản xuất lúa chiêm xuân, ở một số địa phương, nông dân vẫn giữ thói quen gieo mạ dược qua đông.

"Để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do vụ đông xuân ấm, các cơ quan chuyên môn cần bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ", bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Dũng Cường (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem