Đối thoại với Triều Tiên: Mỹ đã sẵn sàng?

Tiểu Đào (Theo The Guardian) Thứ năm, ngày 08/03/2018 13:00 PM (GMT+7)
Từ trước đến nay, Mỹ luôn gây áp lực, bằng cấm vận hoặc tập trận quân sự, nhằm thúc ép Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng, khi Bình Nhưỡng bắt đầu có thiện chí đối thoại, Washington dường như lại lúng túng không biết làm thế nào.
Bình luận 0

Nhà Trắng lúng túng

doi-thoai-voi-trieu-tien-my-da-san-sang-1

Ông Kim Jong-un chào đón đoàn đại biểu Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng

Nhà Trắng nhiều lần khẳng định, chính sách “tối đa áp lực và tiếp cận” được thiết kế nhằm ép buộc chính quyền của ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Để thực thi chính sách này, Washington đã dành rất nhiều thời gian cũng như công sức đẻ thiết lập các lệnh cấm vận cũng như lên kế hoạch cho các cuộc tập trận, các phương án quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo một số cựu quan chức Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có vẻ đã không tính tới việc vạch ra một chiến lược đàm phán rõ ràng trong trường hợp Triều Tiên nghiêm túc đối thoại.

Khó khăn trong chiến lược đàm phán

Vào thứ 6 (2.3) vừa rồi, ông Joseph Yun – nhà ngoại giao cuối cùng có kinh nghiệm về Triều Tiên của Mỹ - đã nghỉ hưu. Trong khi đó, vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cũng đang bị bỏ trống sau khi Nhà Trắng rút lại quyết định bổ nhiệm một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm khác là Victor Cha. Theo tờ The Guardian của Anh, đây là những tổn thất lớn cho ngành Ngoại giao Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đang cần vạch ra kế hoạch đối thoại với Bình Nhưỡng.

doi-thoai-voi-trieu-tien-my-da-san-sang-2

Ông Victor Cha (trái) và Joseph Yun (phải) đều là những nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm về Triều Tiên

Lý do là cả ông Joseph Yun và Victor Cha đều là những người ủng hộ việc tiếp cận, đàm phán với Bình Nhưỡng – trái ngược với nhiều quan chức Nhà Trắng muốn sử dụng các giải pháp quân sự nhằm giải quyết các thách thức đến từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Được biết, ông Cha đã “hụt” vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc do đã chỉ trích một kế hoạch tấn công nhằm vào các khu vực quốc phòng của Triều Tiên. Cũng theo The Guardian, Stephen Miller – một cố vấn theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Trump – được cho là đã rút quyết định bổ nhiệm.

Khi mà các điều kiện đàm phán đã “chín muồi”, có vẻ như phản ứng của ông Trump lại khá mù mờ.

“Chúng ta sẽ xem xét. Họ có vẻ đã tích cực hơn nhưng chúng ta sẽ xem thế nào” - ông Trump vào thứ 3 (6.3) cho biết. “Hi vọng rằng, mọi việc sẽ theo chiều hướng đúng – chiều hướng mà mọi người đều biết và đều mong đợi. Nhưng chúng ta sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống và kết quả”.

Theo ông Jenny Town – Phó giám đốc Viện Mỹ-Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins – cho rằng, mọi trách nhiệm về vấn đề bán đảo Triều Tiên đang đặt trên vai Tổng thống Trump.

“Chính quyền Mỹ nói rằng chính sách tối đa áp lực và tiếp cận là nhằm đưa Triều Tiên trở về bàn đàm phán, tiến tới việc phi hạt nhân hóa” – ông Town nhận định. “Một sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa, từ chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính là thứ họ đang tìm kiếm. Vì thế, nếu không nắm bắt cơ hội này, thế giới sẽ phải đặt câu hỏi về mục đích thật sự của Washington. Tôi nghĩ, nếu không đối thoại nghiêm túc, những lời kêu gọi trừng phạt của Mỹ sau này nhằm vào Triều Tiên sẽ không còn sức nặng và nhận được ủng hộ của cộng đồng quốc tế như trước”.

doi-thoai-voi-trieu-tien-my-da-san-sang-3

Trái ngược với ông Yun và ông Cha, Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster lại có quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên

Hiện tại, việc thiếu các nhà ngoại giao có kinh nghiệm không chỉ là vấn đề duy nhất Washington phải đối mặt. Theo The Guardian, thử thách thật sự với đối thoại Triều Tiên nằm ngay bên trong Nhà Trắng. Nguyên nhân là một số quan chức như Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster hay John Bolton – người được cho là sẽ thay thế ông McMaster sắp tới có thể sẽ chuyển sang là một tướng 4 sao của quân đội – đều cho rằng, Mỹ không thể “răn đe” một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Thậm chí, lựa chọn tấn công ngăn chặn cũng đang được đem ra cân nhắc.

“Vấn đề chính là chúng ta không biết rõ chính sách Triều Tiên của Washington là như thế nào” – ông Philip Yun, một cựu quan chức ngoại giao từng tham gia đàm phán với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Bill Clinton chia sẻ. “Nếu người Triều Tiên muốn đối thoại, Washington liệu có người đủ khả năng đảm nhận việc đó hay không?”

Dù vẫn còn nhiều chuyên gia về Triều Tiên khác tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Cơ quan Tình báo Trung Ương (CIA), ngành ngoại giao Mỹ sẽ vẫn chật vật khi thiếu vắng 2 chuyên gia Joseph Yun và Victor Cha, nhất là trong bối cảnh nhiều vị trí trong Bộ Ngoại giao vẫn đang trống từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền còn cơ hội vàng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang hiện ra trước mắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem