Dồn điền đổi thửa theo kiểu áp đặt chỉ tạo ra bức xúc

Thứ hai, ngày 17/03/2014 12:22 PM (GMT+7)
"Nếu thực hiện công khai, dân chủ và công bằng thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ, còn bắt ép dân làm bằng được, trong đó lại có những động cơ không tốt thì nhất định sẽ tạo ra phản ứng”.
Bình luận 0
“Nếu thực hiện công khai, dân chủ và công bằng thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ, còn nếu làm theo kiểu áp từ trên xuống, bắt ép dân làm bằng được, trong đó lại có những động cơ không tốt thì nhất định sẽ tạo ra phản ứng” - ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT - đã nói như vậy khi trao đổi với PV NTNN về chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Thưa ông, hiện nay ở không ít địa phương liên tục xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện, phản ứng với chính quyền thôn, xã về việc thực hiện DĐĐT thiếu công bằng, dân chủ. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

- Thực ra không phải bây giờ chúng ta mới làm DĐĐT mà đã có từ thời thành lập các HTX, nhưng sau khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thì DĐĐT mới được thực hiện mạnh mẽ hơn.

Theo tôi, đây cũng là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bởi muốn đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì dứt khoát phải tổ chức lại sản xuất, trong đó có quy hoạch lại đất đai để chúng ta có những thửa ruộng lớn, dễ dàng đưa máy móc vào đồng ruộng.

DĐĐT mang lại nhiều lợi ích, vậy tại sao ở nhiều nơi nhân dân lại không ham? Câu trả lời là, lâu nay chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề DĐĐT, nhưng chỉ nói một chiều. Bây giờ phải đặt câu hỏi ngược lại, tại sao DĐĐT có lợi mà người dân lại không muốn làm? Rõ ràng đằng sau những vụ việc người dân phản ứng có một điều gì đó chưa có lợi cho họ.

Những điều chưa có lợi đó là gì?


Việc dồn điền đổi thửa phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai thì mới tránh được tiêu cực  (ảnh chụp tại huyện Duy Tiên, Hà Nam).
Việc dồn điền đổi thửa phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai thì mới tránh được tiêu cực (ảnh chụp tại huyện Duy Tiên, Hà Nam).

- Tôi cho rằng có mấy điều:

Thứ nhất là, thực hiện DĐĐT mà lại không đưa được khoa học công nghệ vào, không cơ giới hóa được thì DĐĐT thực sự không có ích. Thứ hai, DĐĐT không dân chủ, công khai thì số người được hưởng lợi ít mà người thiệt thòi thì nhiều. Thứ ba, trong quá trình thành lập hợp tác xã trước đây, một thời gian dài chúng ta sản xuất tự cung tự cấp, ai cũng phải lo cái ăn thì việc chia thửa ruộng nhỏ đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng về sản phẩm và phân bố quỹ thời gian của người nông dân, nay DĐĐT mà không giải quyết được những vấn đề đó thì DĐĐT không có ý nghĩa gì cả.

Thực tế là trong quá trình thực hiện DĐĐT, một vài lãnh đạo thôn, xã đã giao ruộng tốt cho anh em, họ hàng; còn vùng đất xấu thì giao cho dân, điều đó đương nhiên tạo phản ứng trong dân. Đây là thực tế, nếu thực hiện công khai, dân chủ và công bằng thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ, còn nếu làm theo kiểu áp từ trên xuống, bắt ép dân làm bằng được, trong đó lại có những động cơ không tốt thì nhất định sẽ tạo ra phản ứng.

Có lo ngại cho rằng, chúng ta làm DĐĐT như hiện nay không khác nào cuộc “cải cách ruộng đất” lần 2, từ đó sẽ tạo thêm sự phức tạp trên địa bàn nông thôn. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Thực ra căng thẳng phần lớn là do động cơ không tốt, và đây thực sự là điều đáng lo ngại đối với xã hội. Ngoài ra cũng có một vài bức xúc khác nhưng không tạo ra xung đột lớn. Đó là do khi chúng ta tổ chức lại sản xuất, DĐĐT xong nhưng không đáp ứng được những tiêu chí đặt ra ban đầu, lợi ích của nông dân không cải thiện, không giải quyết được những điều nông dân mong muốn thì DĐĐT sẽ không được dân ủng hộ.

Nếu tổ chức lại sản xuất theo kiểu cánh đồng mẫu lớn, thì chúng ta vẫn có thể tiến hành cơ giới hóa, vì mô hình này không cần DĐĐT quá nhiều. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, người ta bắt máy làm theo ruộng, tức là họ nghiên cứu ra những loại máy móc nhỏ, phù hợp với quy mô, diện tích đồng ruộng, trong khi chúng ta thì làm ngược lại, bắt ruộng “sửa” theo máy. Rõ ràng chúng ta cần nghiên cứu lại những câu chuyện này.

Thiết nghĩ, DĐĐT là việc của dân, chính quyền đúng ra chỉ nên hỗ trợ đo đạc, tổ chức gắp thăm cho dân. Nếu chính quyền can thiệp quá sâu vào việc này, điều này sẽ gây nên những hệ lụy gì?

"Nơi nào xảy ra xung đột do DĐĐT, nhất định chúng ta phải can thiệp và phải chấn chỉnh ngay. Phải nghiên cứu kỹ càng và có hướng giải quyết cho dân, đồng thời phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị T.Ư có đánh giá lại về cuộc vận động DĐĐT để kịp thời có uốn nắn, điều chỉnh theo hướng cái gì có lợi cho dân thì mới làm”.
Ông Hồ Xuân Hùng

- Đúng là như vậy. Hiện nay nhiều nơi đang DĐĐT máy móc, theo phong trào và để lấy thành tích. Cũng có thể do nhận thức của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, cũng có thể do có động cơ không tốt, lợi dụng Chương trình xây dựng NTM để tư lợi cá nhân, cũng có thể là làm để lấy thành tích.

Điều đáng lo ngại là có nơi xuất hiện cả 3 xu hướng này. Chúng ta phải điều chỉnh ngay tình trạng trên để tránh tạo hệ lụy xấu cho xã hội. DĐĐT thực sự phải là một cuộc vận động nhân dân, chứ không thể giao chỉ tiêu hay bắt buộc nhân dân làm bằng được.

Cuộc vận động đó phải làm cho nhân dân hiểu, được nhân dân ủng hộ và đem lại lợi ích cho họ đúng như cam kết. Làm theo kiểu áp đặt từ trên xuống, chia chỉ tiêu, giao nhiệm vụ chính trị thì sẽ chỉ tạo ra bức xúc.

Thực tế thì việc DĐĐT mỗi nơi làm một cách, theo ông chúng ta có nên ban hành một văn bản hướng dẫn DĐĐT?


- Hướng dẫn cụ thể thì chúng ta chưa có. Tôi cho rằng cũng nên sớm có hướng dẫn cụ thể chi tiết về mặt Nhà nước, nhưng riêng tôi thì vẫn nghiêng về quan điểm đây là một cuộc vận động, chứ không phải mệnh lệnh hành chính.

Thực tế là đến giờ, cũng chưa có một mệnh lệnh hành chính nào từ Chính phủ, mà chỉ là khuyến khích thực hiện DĐĐT thôi. Song dù chỉ là khuyến khích, khi làm DĐĐT cũng phải phải làm sao cho phù hợp với địa hình của từng địa phương.

Chẳng hạn như vùng đồng bằng sông Hồng, bình quân mỗi hộ có 0,35ha đất canh tác thì có dồn đổi đến mấy diện tích cũng vẫn nhỏ như thế, nhưng nếu biết cách tổ chức phù hợp, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mà đồng bằng sông Cửu Long đang làm thì dù một hộ có 3-5 thửa ruộng ở vùng đó sẽ vẫn làm cơ giới hóa được. Còn đã thực hiện DĐĐT thì phải thấy hợp lý mới làm, và phải vận động dân, tạo lợi ích công bằng cho dân.

Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ (thực hiện) (Minh Huệ (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem