Đồng Nai: Nhiều nông sản rớt giá, nhưng có 1 thứ quả bán chạy vèo vèo, nhà vườn ung dung cân ký, tính tiền

Trần Khánh Thứ tư, ngày 26/05/2021 13:30 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến nhiều mặt hàng nông sản không xuất khẩu được, dẫn đến rớt giá, thua lỗ. Nhưng ở Đồng Nai, trái sầu riêng đã sạch lại ngon, nhiều nhà vườn ung dung ngồi cân ký tính tiền.
Bình luận 0

Sầu riêng đã sạch lại ngon

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Nhiều mặt hàng trái cây gặp khó khăn trong tiêu thụ. Nhưng với các hộ trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), thời điểm này họ vẫn yên tâm về đầu ra.

Ông Phạm Quốc Trọng sở hữu vườn sầu riêng 3ha ở ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Mỗi năm, ông Trọng thu sản lượng từ 40- 60 tấn trái. 

Ông Trọng kể, từ khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, thị trường dù có biến động, ông vẫn bán được sầu riêng chín tại vườn với giá 80.000-100.000 đồng/kg.

Thị trường có nhu cầu lớn với sầu riêng sạch

Thị trường có nhu cầu lớn với sầu riêng sạch

Ông Trọng giải thích: Nhu cầu thị trường với sản phẩm sạch rất lớn. Quan trọng là sản phẩm mình làm ra phải chiếm được niềm tin của thị trường.

Từ nhiều năm nay ông Trọng đã cải tạo vườn trồng, canh tác theo hướng sinh thái, không sử dụng thuốc hóa học. Khi cung cấp nước tưới, chế độ dinh dưỡng phù hợp thì cây đậu trái tốt, chất lượng cao.

Từ 2016, ông Trọng mạnh dạn làm du lịch vườn cũng nhờ tự tin vào mô hình sản xuất sạch của mình. Khách hàng tận mắt chứng kiến cách làm rồi thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn thì hoàn toàn yên tâm.

"Nhờ sản xuất sạch, tôi duy trì được lượng khách hàng ổn định. Đây là cơ sở để sản lượng sầu riêng làm ra luôn được tiêu thụ tốt", ông Trọng nói.

Ngoài hình thức sản xuất sạch, vườn sầu riêng của ông còn có lợi thế xử lý trái cây chín sớm. Ông duy trì hình thức bán trái chín ngay trên cây để giữ hương vị tươi ngon nên sầu riêng luôn hút hàng.

Ông Trần Anh Tùng (trái)  bên vườn sầu riêng VietGAP. Ảnh Minh Sáng

Ông Trần Anh Tùng (trái) bên vườn sầu riêng VietGAP. Ảnh Minh Sáng

Tương tự, vườn sầu riêng của ông Trần Anh Tùng ở ấp Bàu Tre, xã Bình An (huyện Long Thành) cũng chưa năm nào phải lo lắng đầu ra.

Vườn của ông Tùng đã đạt chứng nhận VietGAP được 5 năm. Cứ vào đầu mùa, sầu riêng chưa kịp chín, thương lái đã tới đặt cọc. 

Theo đó thương lái mua trước với giá cao hơn ngoài thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Hiện giá sầu riêng đã giảm nhẹ so với lứa sầu riêng chín sớm đầu vụ, ông Tùng bán ra chợ Đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Long Thành) giá 60.000 đồng/kg. Ông Tùng khẳng định: Giá sầu riêng như vậy vẫn có lời, nhà vườn cứ ung dung cân ký, tính tiền.

Sầu riêng VietGAP Đồng Nai

Sầu riêng VietGAP Đồng Nai

Qua nhiều cuộc thi trái ngon, chất lượng sầu riêng Long Thành-Đồng Nai đã được khẳng định tên tuổi. Nhưng sầu riêng chín không bảo quản được lâu. Sầu riêng sau khi cắt khỏi cành chừng 3 ngày, chất lượng trái sẽ không còn đảm bảo.

"Nhờ khách hàng tin tưởng vườn mình sản xuất sạch, cứ cắt trái tới đâu là giao tới đó. Hàng không đủ tiêu thụ ở ngay trong nước, có dư đâu mà lo thừa mứa, ế ẩm", ông Tùng nói.

Nhân rộng sầu riêng sạch

Là địa phương thuần nông, chính quyền huyện Cẩm Mỹ cũng đang vận động bà con phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Trần Quang Hiệp ở xã Xuân Quế là một trong những nông dân tiên phong trồng sầu riêng ViepGAP.

Trong những lần mang sầu riêng bán ở hội chợ, ông Hiệp được biết các doanh nghiệp rất cần nguồn trái cây ngon, sạch và số lượng lớn. Tuy nhiên các doanh nghiệp thường phải mua lại từ thương lái với giá cao.

Sau những lần mang sầu riêng bán ở hội chợ, ông Hiệp biết được các doanh nghiệp rất cần nguồn sầu riêng ngon, sạch

Sau những lần mang sầu riêng bán ở hội chợ, ông Hiệp biết được các doanh nghiệp rất cần nguồn sầu riêng ngon, sạch.

Ông Hiệp kể, lâu nay người dân trên địa bàn xã thường có thói quen bán mão cả vườn cho thương lái (bán trọn vườn từ khi trái còn non). Hoặc người dân bán lại cho đại lý, nơi đã tạm ứng phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Nếu đáp ứng quy trình sản xuất sạch, cắt giảm được khâu trung gian khi bán trực tiếp cho doanh nghiệp, người trồng sẽ tránh được vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa. 

Nghĩ là làm, từ năm 2019, vườn sầu riêng rộng hơn 2ha của ông Hiệp chuyển sang trồng theo hướng VietGAP.

Nhưng một người làm thì không đủ sản lượng, nhiều người làm VietGAP thì không dễ vận động do thói quen cũ. Ông Hiệp quyết định: Mình phải là người làm trước, người dân xung quanh thấy được hiệu quả sẽ làm theo.

"Khi có nhiều người đồng lòng tham gia, mình sẽ hướng tới phát triểu thương hiệu theo chương trình OCOP. Lúc đó, sầu riêng không phải chịu cảnh bấp bênh khi bán trôi nổi trên thị trường", ông Hiệp nói.

Ông Trần Quang Hiệp (trái) giới thiệu sầu riêng ViepGAP tại hội chợ trái cây ở TP.HCM

Ông Trần Quang Hiệp (trái) giới thiệu sầu riêng ViepGAP tại hội chợ trái cây ở TP.HCM.

Theo ông Trương Tấn Lộc, cán bộ Phòng kinh tế huyện Long Thành, vài năm trở lại đây, sầu riêng được thị trường ưa chuộng. Có thời điểm, thương lái tranh mua sầu riêng với giá cao.

Không ít nhà vườn đã thu tiền tỷ trên 1ha sầu riêng. Vì thế nhiều nông dân trong tỉnh đã đua nhau trồng, khiến diện tích sầu riêng những năm gần đây tăng vọt.

Hiện mặt hàng sầu riêng đang vào chính vụ. Nếu nông dân sản xuất đại trà, chất lượng kém, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành thì dễ xảy ra tình trạng rớt giá, thua lỗ.

Từ năm 2013 đến nay, huyện Long Thành đã hướng dẫn người dân sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Năm 2020 vừa qua, huyện Long Thành đã tái chứng nhận sầu riêng VietGAP lần 3.

"Sắp tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình sản xuất sạch ra toàn huyện. Vì sầu riêng đạt chuẩn VietGAP dễ dàng có chỗ đứng trên thị trường, không phải lo lắng nhiều về đầu ra", ông Lộc chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem