Đồng vốn nhỏ, thương hiệu lớn

Đình Thiên Thứ tư, ngày 27/07/2016 15:43 PM (GMT+7)
Kênh vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hiện đã trở thành “thương hiệu” uy tín đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn TP.Đà Nẵng, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá.
Bình luận 0

Gây dựng mô hình từ đồng vốn nhỏ

Nhắc đến vốn tín dụng ưu đãi, ông Đinh Văn Nhom ở xã Hòa Phú, huyện Hoà Vang cứ tấm tắc khen: “Nhà tui thoát được cảnh nghèo bám miết bao năm cũng là nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH…”. Ông Nhom kể, gia đình ông có 5 người, trước kia đều không có công ăn việc làm ổn định. Xã có cấp cho gia đình 1ha đất để trồng rừng, nhưng kiếm ăn đã khó lấy đâu tiền trồng rừng.

Rồi qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Hội Nông dân (ND) xã, ông Nhom được vay 20 triệu đồng mua heo về nuôi. Gây dựng đàn heo năm trước nhiều hơn năm sau, tới năm 2015, tiền lời từ bán heo đã được 50 triệu đồng. “Năm nay, tui tiếp tục được ngân hàng cho vay chu kỳ mới. Tui vẫn đầu tư nuôi heo. Có tiền lời nhiều hơn thì quay ra trồng rừng…” - ông Nhom thổ lộ.

img

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã kịp thời giúp nhiều hộ ND nghèo xã Hòa Phú (Hòa Vang)
đầu tư trồng thanh long. Ảnh: Đình Thiên

Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội TP. Đà Nẵng Năm 2015 giúp

6.961 hộ thoát nghèo 

1.564 lao động được tạo việc làm mới 

1.804 học sinh, sinh viên được vay vốn 

5.113 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được  xâydựng

Như hộ ông Nhom, năm 2013, gia đình chị Mai Hoa (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cũng được vay vốn của Ngân hàng CSXH. Với số vốn 50 triệu đồng được vay, chị Hoa đầu tư cây giống, nhân lực trồng 2ha rừng keo: “Rừng keo đang phát triển tốt. Trong khi chờ thu hoạch, tui vẫn túc tắc xay xát lúa gạo và nuôi heo…”.

Ông Phạm Minh Văn - hội viên Hội ND xã Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cho rằng, vốn của Ngân hàng CSXH chưa hẳn là nhiều, nhưng phù hợp với hộ nghèo và trở thành là điểm tựa ban đầu cho bà con vượt khó. “Năm 2011, tôi trồng 500 gốc hoa ly, nhưng hoa mắc bệnh, mất trắng 40 triệu đồng. Lúc khó khăn, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng. Tôi gây dựng vườn hoa lại từ đầu. Nay kinh tế gia đình đã vững, có chút tiền tiết kiệm và cho một số hộ khó khăn mượn tạm làm ăn…”-ông Văn chia sẻ.

Điểm tựa vững chắc của nông dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng rất phấn khởi khi nói về hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH giúp hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi: “Đà Nẵng là thành phố đáng sống, nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách. “Kênh” vốn tín dụng chính sách là 1 trong những công cụ hữu ích để thành phố làm tốt hơn công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững…”.

Theo bà Trần Thị Phương Lan-Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Đà Nẵng, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều và căn cứ vào điều kiện riêng của địa phương, vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố cần phải được tăng cường hơn trong thời gian tới. 

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2016, Ngân hàng CSXH Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 8-10%; triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 0,3%; phối hợp giám sát và kiểm tra 100% tổ TKVV; 100% điểm giao dịch xã đạt hiệu quả. Giao dịch tại xã, phường đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%; thu nợ đạt trên 90% và thu lãi trên 98%… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem