40 năm báo NTNN: Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé và góc nhìn riêng của phóng viên Nông thôn Ngày nay

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 21/03/2024 09:07 AM (GMT+7)
Hơn 2 năm vận hành, dự án cống Cái Lớn - Cái Bé (dự án thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam) cơ bản đã giúp kiểm soát nguồn nước, người dân trong nội đồng ở một số địa phương vùng ĐBSCL phần nào đó an tâm hơn khi trồng lúa, chăm sóc cây ăn trái.
Bình luận 0

Đối với dự án cống Cái Lớn - Cái Bé (nằm trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang), với tư cách là Phóng viên báo NTNN, tôi là người theo dõi sát sao, kể từ lúc dự án lấy ý kiến các chuyên gia (năm 2018) đến khi triển khai xây dựng và vận hành đến ngày nay.

Đây là một dự án thuỷ lợi lớn nhất của nước ta, được nhiều người gọi là siêu dự án thuỷ lợi với tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, được đưa ra với nhiều kỳ vọng trong việc hỗ trợ người dân ngăn mặn, kiểm soát nguồn nước. Từ đó, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại ĐBSCL với diện tích tự nhiên 384.120 ha.

40 năm báo NTNN: Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé và góc nhìn riêng của phóng viên Nông thôn Ngày nay- Ảnh 1.

Cống Cái Lớn ở Kiên Giang khi đưa vào vận hành. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong quá trình triển khai xây dựng, tôi đã cùng với một số đồng nghiệp đã đến công trình của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé để ghi nhận thực tế. Tại đây, tôi rất mừng khi thấy các công nhân đều làm việc hăng say, có thời điểm phải tăng ca để dự án sớm hoàn thành, vượt tiến độ đề ra.

Cũng trong quá trình xây dựng, lãnh đạo Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành có liên quan nhiều lần đến khảo sát cũng như đốc thúc. Đặc biệt, ngày khánh thành dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự, chỉ đạo phải nghiên cứu quy trình vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé hợp lý.

Cống Cái Lớn - Cái Bé được chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NNPTNT) sau đó đã giao cho Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam vận hành khai thác.

40 năm báo NTNN: Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé và góc nhìn riêng của phóng viên Nông thôn Ngày nay- Ảnh 2.

Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé khi đang xây dựng. Ảnh: Huỳnh Xây

Hơn 2 năm qua kể từ đưa vào vận hành, cống Cái Lớn - Cái Bé luôn được tôi thông tin đều đặn trên báo NTNN, nhất là thời điểm mùa khô, khi nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

Theo đó, trong khoảng thời gian trên, doanh nghiệp đã rất cẩn thận khi vận hành cống Cái Lớn - cống nằm trên sông Cái Lớn có đến 11 cửa van, mỗi cửa van rộng 40m. Cống Cái Bé còn lại nằm trên sông Cái Bé chỉ có 2 cửa van, mỗi cửa rộng 35m.

Đến thời điểm này, do độ mặn trên sông chưa quá cao và mực nước chưa đáp ứng yêu cầu nên cống Cái Lớn vẫn chưa lần nào đóng hết 11 cửa van (trừ thời điểm diễn tập). Trong mùa khô năm 2024 có thời điểm độ mặn cao nhất chỉ đóng đóng 9 cửa van. 

Giải pháp đóng 9 cửa van trên cùng với việc phân công cán bộ, kỹ sư theo dõi chặt tình hình mặn, kiểm tra mực nước, chất lượng nước ở các trạm đo đã đảm bảo nguồn nước phục vụ cho vùng dự án. 

40 năm báo NTNN: Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé và góc nhìn riêng của phóng viên Nông thôn Ngày nay- Ảnh 3.

Cống Cái Bé trên sông Cái Bé. Ảnh: Huỳnh Xây

Vụ lúa đông xuân 2024 ở Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng, đa số nông dân trồng trong vùng quy hoạch đều thu hoạch an toàn, không bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.

Có thể khẳng định, dự án cống Cái Lớn - Cái Bé đã giúp các địa phương kiểm soát nguồn nước một cách tối ưu và có sự chủ động, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Riêng ở Kiên Giang, ngành nông nghiệp không phải đắp đập tạm để ngăn nước mặn xâm nhập trong mùa khô, làm giảm ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra.

Từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, người dân trồng cây ăn trái, trồng lúa và hoa màu trong vùng dự án đã an tâm sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng và tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, trong đó nổi lên đó là việc ngập úng khu vực phía hạ lưu cống Cái Lớn, cống Cái Bé do hạ tầng chưa được đầu tư. 

Ngoài ra, các cụm công trình thuộc hệ thống cống ven biển An Biên, An Minh chưa đồng bộ, chưa khép kín nên chưa phát huy hết hiệu quả của toàn hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Những vấn đề này, tôi đã phản ánh vào thời điểm này năm 2023, tuy nhiên, vẫn chưa được khắc phục, phía hạ lưu 2 cống vẫn chưa được đầu tư hạ tầng chống ngập.

Để công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy được hiệu quả, thiết nghĩ, UBND tỉnh Kiên Giang cũng như các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực phía hạ lưu cống, chống ngập úng cho người dân khi hệ thống cống thuỷ lợi nhất Việt Nam vận hành.

Ngoài ra, đơn vị vận hành khai thác là Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam cần có những lưu ý các ý kiến của chuyên gia, tránh tình trạng dự án đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn, gây ô nhiễm môi trường nếu có trong các mùa khô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem