Dự án trồng rừng bị ‘xẻ thịt’ ở Bình Phước: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ của người dân?

Hoàng Hưng Thứ ba, ngày 08/03/2022 13:34 PM (GMT+7)
Trong vụ việc Dự án trồng rừng do Công ty SASCO làm chủ đầu tư bị "xẻ thịt", việc tỉnh Bình Phước chậm xử lý sai phạm còn dẫn tới hệ lụy cho người khác, trong đó có nông dân Trần Đức Lý. Ông Lý đã tố cáo việc bị nhóm người lừa đảo hàng tỷ đồng tiền hỗ trợ tại dự án này.
Bình luận 0

Nhân viên đo đất thành "người đầu tư" và nhận tiền hỗ trợ (?)

Báo Điện tử Dân Việt đã đăng loạt bài Dự án trồng rừng do Công ty SASCO làm chủ đầu tư bị "xẻ thịt", dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc này đã được chỉ ra. Nhưng suốt nhiều năm liền, vụ việc vẫn chưa được tỉnh Bình Phước xử lý tới nơi tới chốn.

Theo hồ sơ PV Dân Việt có được, sau khi ký hợp đồng liên doanh trồng cao su với Công ty SASCO, ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế (QLRKT) Suối Nhung - đã ký hàng loạt hợp đồng giao khoán trồng cao su với nhiều cá nhân khác. Trong đó có ông Trần Đức Lý – nông dân, thường trú tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Theo ông Lý, ngày 10/4/2010, ông Minh ký hợp đồng giao khoán đầu tiên với ông Lý trên diện tích 20,8ha. Ông Lý chịu trách nhiệm chi phí đầu tư trồng, chăm sóc cao su.

Ông Minh sẽ là người trực tiếp khai hoang, cày ủi đất, trồng cao su… Sau 5 năm, ông Lý được hưởng 50% diện tích cao su đã trồng là 10,4ha trong thời hạn 30 năm. Theo thỏa thuận, ông Lý phải đưa ông Minh 900 triệu đồng là tiền chi phí đầu tư trồng cao su.

Dự án trồng rừng bị ‘xẻ thịt’ ở Bình Phước:  Có lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ? - Ảnh 1.

Nông dân Trần Đức Lý (trái) tại khu vực dự án SASCO đã được ông Trần Tấn Minh "xẻ thịt" giao khoán cho nhiều các nhân trồng cao su. Ảnh: T.L

Sau khi ký hợp đồng, ông Lý giao trước cho ông Minh khoảng 500 triệu đồng. Ngày 17/4/2010, ông Minh tiếp tục ký hợp đồng giao khoán thứ 2 với ông Lý để trồng 20 ha cao su ở khu vực khác. Ông Lý đưa ông Minh 451 triệu đồng để ông Minh trồng 10 ha cao su cho ông Lý; ông Lý tự trồng 10 ha…

Ngày 10/10/2011, ông Minh ký tiếp hợp đồng với vợ ông Lý là bà Đỗ Thị Lan để trồng 6 ha cao su. Ông Minh nhận số tiền 120 triệu đồng. Tổng cộng số tiền chi phí đầu tư vào các khu vườn cao su, mà ông Lý đã đóng cho ông Minh là hơn 1,07 tỷ đồng.

Bất ngờ, vào năm 2012, dự án SASCO bị Công an tỉnh Bình Phước phanh phui có dấu hiệu vi phạm luật pháp. Ông Trần Tấn Minh thông báo với ông Lý làm thủ tục hủy bỏ hợp đồng trồng cao su, giao trả lại đất, vườn cao su cho Công ty SASCO. Công ty SASCO sẽ bồi hoàn, hỗ trợ tiền cho ông Lý, vì ông Lý đã chi phí đầu tư trồng cao su.

Dự án trồng rừng bị ‘xẻ thịt’ ở Bình Phước:  Có lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ? - Ảnh 2.

Những cánh rừng bị cho là "nghèo kiệt" đã được chuyển sang xóa trắng rừng để lấy đất trồng cao su, điều... Ảnh: Đ.L

Thời gian sau đó, xuất hiện ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Lộc - đại diện Công ty SASCO, đứng ra gặp ông Lý để thống kê, làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ, bồi thường và bàn giao đất, vườn cao su.

Ông Trần Đức Lý cùng nhiều hộ dân khác đã tham dự một số cuộc họp tại Công ty Phát Lộc và được biết: Công ty Sasco đã ủy quyền cho Công ty Phát Lộc thay mặt Sasco thỏa thuận với các hộ dân, thực hiện thủ tục, thống kê diện tích các vườn cao su mà trước đây ông Trần Tấn Minh đã ký hợp đồng giao khoán cho các hộ dân. Cuối cùng, Phát Lộc sẽ gửi hồ sơ về Sasco để các hộ dân nhận tiền hỗ trợ, bồi thường…

Riêng hộ ông Trần Đức Lý đã được ông Nguyễn Hữu Hiền ký xác nhận 35,8ha đã đầu tư trồng cao su, thuộc diện được SASCO hỗ trợ để nhận tiền. Thế nhưng, khi SASCO báo cáo danh sách lên UBND tỉnh Bình Phước, ông Trần Đức Lý phát hiện số diện tích vườn cao su của ông Lý đã bị… xé thành 3 mảnh – 1 mảnh thuộc ông Lý, 2 mảnh cho 2 chủ nhân khác, chưa từng xuất hiện trong số các hộ trồng cao su tại dự án SASCO.

Dự án trồng rừng bị ‘xẻ thịt’ ở Bình Phước:  Có lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ? - Ảnh 3.

Biển hiệu giao khoán bảo vệ rừng, nhưng trên thực tế, rừng đã bị khai thác để lấy đất trồng cao su. Ảnh: Đ.L

Cụ thể, thay vì ông Trần Đức Lý được nhận tiền hỗ trợ trên diện tích 35,8 ha như đã thống kê xác nhận với đại diện Công ty Phát Lộc, thì trên danh sách, ông Lý chỉ còn được hỗ trợ bồi thường có 10,8 ha (1,2 tỷ đồng). Trong khi đó, trên danh sách xuất hiện ông Nguyễn Khánh Tùng đứng tên 18,2 ha, nhận tiền hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Trung đứng tên 13,7 ha, nhận tiền hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng.

Diện tích đất do ông Tùng và ông Trung đứng tên, đều trùng lắp, chồng chéo lên diện tích đất (35,8 ha) trồng cao su của ông Trần Đức Lý - vốn đã được Công ty Phát Lộc thống kê, xác nhận.

Khó hiểu, ông Tùng và ông Trung là nhân viên của Công ty Phát Lộc. Ông Nguyễn Khánh Tùng là người được Công ty Phát Lộc cử xuống đi đo đất vườn cao su của ông Lý trước đây, nhằm lập thủ tục để ông Lý nhận tiền hỗ trợ bồi thường.

Có lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ của người dân?

Ông Trần Đức Lý đã gửi đơn tố cáo "hành vi cấu kết với nhau giả mạo hồ sơ, lừa đảo để chiếm đoạt tiền hỗ trợ". Qua kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước – cho biết: Ông Trần Tấn Minh có ký hợp đồng giao khoán trồng cao su và nhận tiền của ông Trần Đức Lý trên diện tích đất giao khoán. Diện tích đất mà ông Minh giao khoán cho ông Lý và nhiều hộ dân khác đều thuộc dự án Sasco.

Đồng thời, trên diện tích đất đã ký giao khoán với ông Lý, cuối năm 2013, ông Minh cũng thỏa thuận "thông qua lời nói", giao khoán trồng cao su với ông Nguyễn Khánh Tùng – nhân viên Công ty TNHH MTV Phát Lộc.

Việc giao khoán này, nhằm mục đích để ông Tùng quản lý, đầu tư, trồng và chăm sóc cây cao su. Khi nào ông Tùng thanh lý hợp đồng với Công ty SASCO và được Công ty SASCO hoàn trả tiền đầu tư, thì ông Tùng hoàn trả cho ông Minh số tiền trước đó, ông Minh đã sử dụng vào việc khai hoang, phát dọn diện tích đất trên.

Để hợp thức hóa cho việc lấy tiền hỗ trợ từ Công ty SASCO, ông Trần Tấn Minh và ông Nguyễn Khánh Tùng đã cùng nhau ký một "hợp đồng khống", ghi lùi thời gian trở về trước… 3 năm – ngày 2/5/2010. Việc ký kết giữa ông Minh và ông Tùng trên khu đất mà ông Trần Đức Lý đã ký hợp đồng giao khoán, đã bỏ vốn đầu tư; ông Minh không hề thông báo cho ông Lý biết.

Tương tự, tại khu đất ông Nguyễn Thành Trung nhận tiền hỗ trợ (1,7 tỷ đồng), ông Trần Đức Lý cũng không hề hay biết khu đất mà ông đã đầu tư, lại xuất hiện những dích dắc trớ trêu. Khi danh sách hỗ trợ được công bố, ông Lý mới bật ngửa, khi biết rằng trên cùng khu đất này, ông Trần Tấn Minh giao khoán "bằng miệng" cho ông Hoàng Văn Biên trồng cao su.

Rồi ông Biên sang nhượng vườn cao su cho ông Nguyễn Thành Trung – nhân viên Công ty Phát Lộc. Và cuối cùng, ông Trung làm thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ từ Công ty SASCO. Còn ông Trần Đức Lý thì… trắng tay, dù trên thực tế, ông Lý đã chi phí đầu tư, ký hợp đồng giao khoán với ông Trần Tấn Minh từ năm 2010.

Dự án trồng rừng bị ‘xẻ thịt’ ở Bình Phước:  Có lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ? - Ảnh 6.

Một vườn cao su hiện đang bị tranh chấp để nhận tiền hỗ trợ từ Công ty SASCO. Ảnh: Đ.L

Điều lạ lùng, đề cập tới vụ việc trên, Đại tá Trần Việt Anh – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước – lại cho rằng: "Hợp đồng giữa ông Trần Tấn Minh và Nguyễn Khánh Tùng có ghi lùi ngày để hợp thức hóa thời gian, nhưng chỉ nhằm mục đích để thanh toán chi phí đầu tư, chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản"(?).

Theo ông Trần Việt Anh, "Công ty Sasco xác định không bị thiệt hại về tài sản nên hành vi của ông Trần Tấn Minh và các cá nhân liên quan không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…"(?).

Trong khi đó, rất nhiều tình tiết cần phải xác minh, làm rõ như: Từ năm 2012, dự án Sasco đã bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm luật pháp; dự án bị "xẻ thịt" để chia chác cho các cá nhân trục lợi, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo thu hồi dự án, khắc phục hậu quả "xẻ thịt", nghiêm cấm giao đất cho cá nhân…

Nhưng ông Trần Tấn Minh vẫn bất chấp, lấy đất đã giao khoán cho ông Lý, giao khoán tiếp cho Nguyễn Khánh Tùng nhằm mục đích chờ được hỗ trợ từ Công ty SASCO (dù trước đó, ông Minh đã nhận tiền ông Lý đầu tư trồng cao su trên khu đất này). Dấu hiệu lừa đảo càng rõ hơn khi ông Minh và ông Tùng giả mạo, ký khống hợp đồng, lùi thời gian lại 3 năm. Tuy nhiên, Công an huyện Đồng Phú lại xem hành vi trên là không phạm tội.

Phải thấy rằng, hành vi của Trần Tấn Minh và Nguyễn Khánh Tùng ở đây là có dấu hiệu cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ của ông Trần Đức Lý, không phải lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty SASCO. Viện lý do Công ty SASCO không bị thiệt hại tài sản, để nói rằng hành vi của ông Minh không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không thuyết phục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem