Dự kiến giải ngân 16.828 tỷ từ Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế

08/03/2022 10:08 GMT+7
Dự kiến vốn đầu tư công từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội bố trí năm 2022 là trên 16.828 tỷ đồng và năm 2023 là trên 104.991 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình, với tổng vốn là 121.820 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án.

Theo đó, dự kiến vốn bố trí năm 2022 là trên 16.828 tỷ đồng và năm 2023 là trên 104.991 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa có phương án phân bổ chi tiết là 14.180 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 47 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn trên 22.435 tỷ đồng.

Nếu tính cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc Chương trình, thì con số là trên 39.264 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ngân khoản của Chương trình, còn trên 526.000 tỷ đồng của chương trình đầu tư công năm 2022 cần được phân bổ và đưa vào giải ngân.

Dự kiến giải ngân 16.828 tỷ từ Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế  - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành. Ảnh: V.D

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lên Chính phủ, trong 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ bản, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu tích cực, khả quan, cho thấy các giải pháp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, cần tiếp tục phát huy trong những tháng tới, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, vẫn còn 18% vốn kế hoạch năm 2022 chưa được phân bổ. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/3022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ hết phần vốn còn lại và nhanh chóng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Nếu đến hết quý I/2022, không phân bổ hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể xem xét điều chuyển. Chậm ngày nào là mất cơ hội phục hồi ngày đó, do vậy, chuyện quan trọng là làm sao để sử dụng hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các địa phương để xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền các dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM…

Trên thực tế, gần một nửa trong số 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (khoảng 113.000 tỷ đồng) là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Một danh mục dài các dự án đã được xây dựng trong Chương trình.

Tuy nhiên, xây dựng danh mục thôi chưa đủ, quan trọng là phải chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện để có thể triển khai. Đó cũng chính là lý do mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, khó nhất nằm ở phần đầu tư công.


Thế Anh
Cùng chuyên mục