Đường sắt đô thị số 2 đội vốn hơn 16.000 tỷ đồng, Hà Nội nói gì?
Cụ thể, Hà Nội đề xuất điều chỉnh đoạn đường trên cao từ 8,5 km lên 8,9 km và đoạn đi ngầm từ 3 km giảm xuống 2,6 km. Số lượng đoàn tàu giảm từ 14 đoàn xuống 10 đoàn, diện tích sử dụng đất của dự án là từ 49 ha lên 51 ha.
Hà Nội cũng đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 35.500 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với thời gian phê duyệt năm 2008.
Theo Tờ trình của TP.Hà Nội, dự án trên được nghiên cứu lập tại giai đoạn 2007-2008, khi đó Việt Nam chưa có đầy đủ định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị. Việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội nhấn mạnh việc tính toán tổng mức chưa đúng thực tế, chưa tính toán đủ tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng.
Thành phố cũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm 16 năm so với mốc đặt ra ban đầu. Mốc cũ là 2009-2015, nay điều chỉnh 2009-2031 hoàn thành, đưa vào khai thác. Hà Nội giải thích do quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bị kéo dài, phải điều chỉnh vị trí ga C9 (ga cạnh Hồ Gươm) và các quy định về đầu tư công, quản lý vay nợ...
Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện và báo cáo nội dung trên với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024. Nếu được thông qua, UBND TP Hà Nội bảo đảm tổng mức đầu tư và nguồn vốn vay ODA, vốn ngân sách thành phố không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (metro số 2) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 11/2008, với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Tuyến đường này xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Trên tuyến có 3 nhà ga trên cao, 7 ga ngầm, vị trí khu bảo dưỡng, sửa chữa (Depot) đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Hiện, Hà Nội đã hoàn thành vừa đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đưa vào sử dụng đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Cầu Giấy).
Tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội phải có đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị.
Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.
Theo Quy hoạch Hà Nội định hướng phát triển các mô hình đô thị TOD theo mô hình đô thị 15 phút, với mật độ tập trung dân số cao tại các khu vực đô thị mở rộng để tạo lập những không gian đô thị mới. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực hạ tầng giao thông và cả dân số cho khu vực nội đô.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định Hà Nội cần có cơ chế để hoàn thành cho được 14 dự án, tuyến đường sắt với thời gian 11 năm.
Ông Dũng khẳng định, hiện nay thành phố làm một dự án đường sắt mất 12-15 năm, trong khi đó theo quy hoạch thì năm 2035 sẽ phải hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị, nguy cơ không thể thực hiện được.
"Hà Nội có quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, số vốn cần khoảng 40 tỷ USD và trước năm 2035 Hà Nội phải hoàn thành các tuyến đường này, tức là còn 11 năm nữa để hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mất trung bình từ 12-15 năm để hoàn thành một dự án đường sắt. Nếu không có cơ chế đột phá, bao giờ chúng ta mới hoàn thành?", ông Dũng lo ngại.