Đường Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước

04/05/2022 17:57 GMT+7
Ngày 4/5, tại buổi tọa đàm: "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề cấp thiết triển khai 2 dự án Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội cấp thiết

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định: "Nhiệm vụ xây dựng dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ triển khai trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Cụ thể, khi xây dựng dự án, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều cho thấy phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trên thực tế, như ban đầu đề cập đến, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai số 3 TP.HCM và số 4 TP. Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được điều này do khó khăn.

Đường Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương - Ảnh: Nhật Bắc

"Đến nay, chúng ta cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai. Thời điểm hiện nay đã chín muồi, mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định", Thứ trưởng Phương đánh giá.

Tại buổi toạ đàm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, Vành đai 3, kể từ tháng 11/2021, Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ cho TP.HCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trong một thời gian ngắn, TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, đặc biệt Chủ tỉnh UBND các tỉnh, thành phố đã có các cuộc họp liên tục, cùng với sự tham gia, phối hợp hỗ trợ của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, các bộ ngành đã nghiên cứu các hình thức đầu tư và từ đó báo cáo với Chính phủ vào tháng 1/2022 chấp thuận phương thức triển khai theo hình thức đầu tư công.

TP.HCM với cơ quan chuẩn bị dự án, đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đã thành lập Tổ công tác bao gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng như lãnh đạo các bộ để tham gia chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tháo điểm tắc nghẽn giao thông

Với vai trò "nhạc trưởng", trong tờ trình Chính phủ đã trình Quốc hội, TP.HCM sẽ là cơ quan đầu mối, sẽ điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật bảo đảm tính kết nối, đồng bộ thống nhất về hệ thống tiêu chuẩn, bảo đảm tuyến đường khi triển khai xây dựng cũng như quá trình khai thác đưa vào hoạt động, bảo đảm yếu tố kỹ thuật theo đúng thiết kế phê duyệt.

Về vấn đề tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Lâm khẳng định: "Tiến độ giải phóng mặt bằng phải đồng bộ".

Theo ông Lâm, đây là vấn đề khó khăn nhất, nhưng các địa phương đã vào cuộc, triển khai công tác chuẩn bị. Sau khi Quốc hội thông qua, sẽ bắt tay ngay vào triển khai. TP.HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công.

Đường Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Ảnh 2.

Đường Vành đai 3 TP.Hà Nội. Ảnh: Việt Anh

Về phía TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay: Thủ đô Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô và là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.

Thủ đô Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía bắc, với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối với vành đai 3 TP.HCM, cho phép chúng ta hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc.

Vì vậy, không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế- x ã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

Theo ông Tuấn, đối với Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô.

Đồng thời, phía nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Việc này thực sự đã chậm 10 năm so với chương trình quy hoạch, kế hoạch của nhiệm kỳ trước.

Vành đai 4 cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong khi đó, PGS.TS.Trần Đình Thiên đánh giá, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ quan điểm thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn là quan điểm hướng tới tương lai; không chỉ quan điểm thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết.

Trong khi đưa vào điều kiện Việt Nam, hai trung tâm kinh tế lớn của chúng ta suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãn tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai.

Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, việc đưa ra quyết định phải làm 2 tuyến đường của Chính phủ thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng TP.CHM, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất.


Thế Anhc
Cùng chuyên mục