"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập: "Trách nhiệm lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội"

Tào Nga Thứ năm, ngày 27/04/2023 07:21 AM (GMT+7)
Trước những bức xúc của học sinh, phụ huynh và dư luận về việc giáo viên "ép" học sinh không cho thi vào lớp 10 công lập, các chuyên gia cho biết đây là hành động "phi giáo dục" và lỗi phần lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT.
Bình luận 0

"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần 

Những ngày qua, nhiều phụ huynh ở một số trường ở Hà Nội bức xúc phản ánh việc giáo viên "ép" học sinh không được thi vào lớp 10 gây xôn xao dư luận. Ngay sau đó, Sở GDĐT Hà Nội cũng đã có công văn chấn chỉnh lại tình trạng trên. Tuy nhiên, sự việc này không chỉ xảy ra ở năm nay mà đã diễn ra ở nhiều năm trước. 

"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập: Trách nhiệm lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Xuất phát từ việc Sở GDĐT có thống kê phân luồng chỉ tiêu học sinh vào các trường THPT công lập, cụ thể năm nay có 55,7%. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm dựa vào lực học của học sinh đã có để tư vấn, định hướng cho các em thi vào lớp 10 công lập hay lựa chọn con đường khác, tránh cho các em phải trải qua một kỳ thi đầy áp lực, dễ khiến các em bị tổn thương sức khỏe tâm thần. 

Tuy nhiên, sự định hướng này cũng phải tế nhị, khéo léo rằng "Tỉ lệ trúng tuyển ít mà lực học của con thế này... Mặc dù các cô hỗ trợ ôn tập nhưng nhìn thấy con có những điểm yếu này... mặc dù con cố gắng ở giai đoạn sau nhưng khả năng cũng rất khó. Con năng lực ở bậc này nhưng áp lực quá lớn con phải ở bậc khác dễ gây tổn thương sức khỏe tâm thần. Vì vậy, gia đình cũng cần tính đến phương án 2. Việc thi hay không do gia đình quyết định. Và quyết định thế nào thì bố mẹ chia sẻ lại để cô giáo có thể hỗ trợ con tốt nhất theo ý muốn của gia đình".

Ý muốn của giáo viên tốt nhưng cách thức làm hiện nay chưa tốt dẫn đến hệ lụy xấu. Nhiệm vụ của cô giáo phải là chia sẻ thông tin khách quan, đầy đủ về tình hình của học sinh và khi học sinh thi trượt thì cần hỗ trợ thế nào, chia sẻ chuẩn bị tâm lý cho phụ huynh ra sao. Giáo viên không có quyền được ép hay quyết định thay học sinh. Nếu giáo viên nào chủ động đưa ra lời khuyên, định hướng cho học sinh sẽ gây mâu thuẫn về mặt đạo đức. Nếu ai cố tình làm do hiệu trưởng bắt buộc thì đây là hành vi sai trái cần phải được xử lý"".

"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập: Trách nhiệm lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội? - Ảnh 2.

PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo PGS Trần Thành Nam, dù Sở GDĐT nói việc xếp loại không phải là tiêu chí đánh giá thành tích của các đơn vị nhưng trên thực tế lớp nào có tỉ lệ đỗ vào lớp 10 trường công kém sẽ ảnh hưởng đến thành tích của các cô, nhà trường. Lỗi này không phải do giáo viên, nhà trường mà lỗi do quy hoạch, không dự báo được đủ tình hình nên tỉ lệ đỗ vào cấp 3 ít khiến sự việc càng thêm căng thẳng. Thực tế gia đình nào cũng muốn con vào cấp 3 công lập vì con chưa đủ tự tin, trưởng thành, trách nhiệm, không thể ép con học nghề. 

PGS Trần Thành Nam cũng cảnh báo hệ lụy: "Việc "ép" này tùy vào trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Các em sẽ cảm thấy không công bằng, ấm ức và sau này mang tâm lý đổ lỗi vì không được thi vào lớp 10.

Bên cạnh đó, với phụ huynh, họ rất muốn con học tiếp, không thể dừng ở việc học ở cấp 2. Giáo viên tư vấn rằng, không vào trường công thì vào vào tư hay con đường khác nhưng thực tế có bao nhiêu gia đình đủ khả năng cho con học tư? Giáo viên không thể nào hiểu tình hình bằng gia đình, giá trị của việc học tiếp ảnh hưởng thế nào đến họ vì đó còn là thể diện, tài chính. Giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với lời khuyên của mình chứ không chỉ dựa vào năng lực học trò mà không thấu hiểu hoàn cảnh học sinh.

Ngoài ra, việc giáo viên càng tự phân loại những em học sinh kém, yếu không thi vào trường công, hướng đi học nghề trong nền kinh tế tri thức này càng dễ dẫn đến tình trạng thất nghiệp từ tuổi 30. Đồng thời, mọi người sẽ có cái nhìn kỳ thị học nghề vì cho rằng đây toàn những đứa trẻ học kém, không thành người".

Trách nhiệm lớn thuộc về UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội?

Để xảy ra tình trạng trên nhiều năm, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT: "Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, nền tảng giáo dục phổ thông là rất cần thiết. Giáo viên chủ nhiệm hiện nay không đủ năng lực tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Liệu rằng các cô có nắm được xu hướng thị trường lao động trong tương lai, nghề nghiệp nào phù hợp với năng lực của các em, hiểu được tâm lý, hoàn cảnh gia đình của học sinh... hay không? Trong khi đó, việc ép buộc học sinh theo ý giáo viên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Không lo cho tương lai học sinh sau này thì cô hay nhà trường đừng nên áp đặt cho các em".

"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập: Trách nhiệm lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội? - Ảnh 3.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

TS Vinh cho rằng: "Giáo viên thì thực hiện theo nhiệm vụ thành tích của nhà trường, nhà trường thì thực hiện theo nhiệm vụ của Sở để đảm bảo tỉ lệ cứng nhắc vào trường công. Đây là vấn đề nan giải khi nhu cầu học cao hơn khả năng cung cấp".

Theo TS Vinh: "Bây giờ phải quy hoạch lại giáo dục thủ đô, đặc biệt là các thành phố lớn thế nào để nâng cao tỉ lệ học sinh học công lập. Người dân đóng góp công sức tại sao bắt họ phải thế nọ thế kia không được như ý muốn. Tôi đã từng chia sẻ, một chính quyền tốt thì phải đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Đằng này lại để người dân bức xúc chuyện con em thi lớp 10 hết năm này đến năm khác. 

Việc đánh giá thành tích giáo viên, nhà trường qua kỳ thi vào lớp 10 cũng không có tính nhân văn, có tầm nhìn xa. Cần phải để tất cả học sinh được thi vào lớp 10. Tất cả hành vi mang tính ép buộc phải bị cấm vì tạo bức xúc cho giáo dục thủ đô".

TS Vinh cho hay: "Trách nhiệm này thuộc về UBND Thành phố, không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Nhìn thấy nhu cầu học như vậy phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Phải cấp thêm đất mở trường, tại sao doanh nghiệp xin đất thì dễ mà trường lại khó khăn như vậy? Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học. 

Sở GDĐT cũng phải chịu trách nhiệm khi không đủ khả năng tham mưu cho UBND quy hoạch phát triển giáo dục trung học. Sở chỉ đặt ra chỉ tiêu mà không tính được tương lai người học, nhu cầu lao động trong tương lai. Bao nhiêu học sinh nhà nghèo có thể học được trường tư hay giáo dục nghề nghiệp? Các em có nhu cầu trường công thì nên tạo điều kiện cho các em theo học. Còn trường hợp do hoàn cảnh gia đình, năng lực, thể trạng sức khỏe không thể học, không muốn học thì mới cho các em theo học nghề. Nếu tư vấn cho chính con em của các vị như vậy thì các vị có chịu không?".

"Cần xử lý nghiêm, thậm chí đuổi việc"

Liên quan đến việc giáo viên "ép" học sinh không thi vào lớp 10, ông Phạm Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: "Giáo viên có thể tư vấn học lực của học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt, yếu thì có thể không thi vào lớp 10 mà chuyển sang học giáo dục thường xuyên, học nghề. Nếu học yếu, sau này các em học lên cao hơn sẽ khó khăn. Trong khi đó, học nghề xong có thể đi làm luôn hoặc sau khi tốt nghiệp lớp 12 các em vẫn có thể thi tiếp đại học.... Thế nhưng giáo viên chỉ dừng lại ở tư vấn để cho các em lựa chọn học hướng phổ thông hay học nghề".

"Ép" học sinh không cho thi vào 10 công lập: Trách nhiệm lớn do UBND thành phố, Sở GDĐT Hà Nội? - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: "Chủ trương một số tỉnh hiện nay sẽ có bao nhiêu % phải chuyển sang học nghề. Mỗi địa phương có quy định riêng nhưng học sinh phải được cấp bằng tốt nghiệp THCS, có quyền được tham gia kỳ thi vào lớp 10. Sau khi không trúng tuyển, các em mới lựa chọn chuyển sang học trường khác theo mong muốn chứ không ép buộc học sinh không được thi.

Để xảy ra tình trạng này, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Học sinh có học lực, hạnh kiểm thế nào phải phê duyệt như thế, nếu không đúng gia đình có quyền khiếu nại. Giáo viên chủ nhiệm không có thẩm quyền ép học sinh, phải để các em tự nguyện, vui vẻ và có trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu giáo viên chủ nhiệm nào có lời lẽ, hướng dẫn, tác động đến quyền được đi thi của học sinh, đó là sai trái cần phải xử lý, thậm chí đuổi việc. Chỉ áp dụng mức xử lý cao nhất mới có thể chấm dứt tình trạng này. Đây là hành vi phi giáo dục.

UBND Hà Nội cần phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là thanh tra ngành phải có phương án xử lý nghiêm. Thường xuyên xảy ra tình trạng này là do chính quyền không xử lý triệt để. Trách nhiệm này thuộc về Sở GDĐT và UBND thành phố".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem