EU dọa không phê chuẩn Hiệp định đầu tư nếu Trung Quốc tiếp tục "cứng đầu"

22/05/2021 09:02 GMT+7
Nghị viện châu Âu hôm 21/5 cảnh báo Trung Quốc sẽ không phê chuẩn Hiệp định đầu tư toàn diện châu Âu - Trung Quốc chừng nào các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp dụng với các nhà lập pháp EU còn hiệu lực.

Các nhà lập pháp EU đã thông qua một nghị quyết, trong đó lên án "các biện pháp trừng phạt vô căn cứ và tùy tiện" mà Bắc Kinh áp đặt đối với các cá nhân và tổ chức châu Âu vào tháng 3.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết sau cuộc họp các quan chức thương mại EU hôm 21/5 rằng động thái của Bắc Kinh không có ý nghĩa tạo ra môi trường thuận lợi để Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định CAI đã ký với Trung Quốc cuối năm 2020. “Chúng ta sẽ khó thấy Hiệp định được phê chuẩn trong bối cảnh rộng hơn, khi quan hệ EU - Trung Quốc trở nên căng thẳng”.

Trong số những quan chức nằm trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh có năm thành viên của Nghị viện châu Âu: Reinhard Butikofer, Michael Gahler, Raphael Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk và Miriam Lexmann. Cơ quan này hiện đang thúc giục Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt “hoàn toàn phi lý”.

EU dọa không phê chuẩn Hiệp định đầu tư nếu Trung Quốc tiếp tục "cứng đầu" - Ảnh 1.

EU dọa không phê chuẩn Hiệp định đầu tư sau loạt lệnh trừng phạt của Bắc Kinh nhằm vào các quan chức EU hồi tháng 3

Trước đó, hồi tháng 3, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp trừng phạt trả đũa sau khi EU, Canada, Anh và Mỹ ra tuyên bố chung và áp lệnh trừng phạt tổng hợp nhằm vào các quan chức Trung Quốc vì hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Lập trường cứng rắn của Nghị viện châu Âu hiện tại có khả năng sẽ trì hoãn việc phê chuẩn hiệp định đầu tư hàng tỷ USD đã được đồng ý về nguyên tắc vào tháng 12. Dù đã được ký kết thông qua, Hiệp định CAI vẫn cần sự chấp thuận của các nhà lập pháp tại Nghị viện cũng như các quốc gia thành viên để có hiệu lực.

Thời điểm ký kết Hiệp định đầu tư Trung - Âu, EU hy vọng hiệp định sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng trong tiếp cận thị trường và tạo cơ hội đầu tư mới cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc bằng cách đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Các công ty EU phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhà nước  Trung Quốc - những đối tượng thường nhận được trợ cấp chính phủ và có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng dồi dào.

Theo số liệu của EU, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối sau Mỹ. Ở chiều ngược lại, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc và châu Âu giao dịch trung bình trên một tỷ EUR mỗi ngày.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm thứ Tư cho biết đây là “một thỏa thuận cân bằng, đôi bên cùng có lợi chứ không phải là một “món quà” mà bên này trao cho bên kia”. Theo ông Zhao, các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh “là một phản ứng cần thiết, hợp pháp và chính đáng để đối đầu với các lệnh trừng phạt của phía châu Âu".

Thời điểm Hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc vừa được ký kết, một số nhà phê bình nhận định nó là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Bắc Kinh. Nhưng tầm quan trọng của nó với sự phục hồi kinh tế của EU và Trung Quốc sau đại dịch vẫn còn là điều gây tranh cãi.

Chuyên gia quan sát Sourabh Gupta, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ (Washington) nhận định thỏa thuận này là dấu mốc quan trọng với Trung Quốc. “Đối với Trung Quốc, đây là hiệp định kinh tế quan trọng nhất về mặt địa chính trị cũng như bối cảnh kinh tế chung, kể từ khi nước này ký kết Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001”.

“Trong tương lai, nó sẽ được nhắc đến như một công cụ kinh tế có ý nghĩa bậc nhất mà Trung Quốc ký kết thành công trong giai đoạn cải cách và mở cửa thứ hai” - ông Sourabh Gupta nói thêm.

Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Mỹ tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) thì nhận định việc ký kết Hiệp định đầu tư với EU đã đưa Trung Quốc vào một “vị thế bất khả xâm phạm, giúp bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khỏi những nỗ lực của Mỹ nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi hệ thống thương mại - đầu tư toàn cầu”.

“Thỏa thuận làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU… Nó cũng sẽ cản trở kế hoạch của Mỹ trong việc bắt tay với châu Âu và cô lập Trung Quốc khỏi tương lai toàn cầu hóa”.


NTTD
Cùng chuyên mục