EVN được lệnh thoả thuận mua điện mặt trời của Trung Nam

An Linh Thứ hai, ngày 10/10/2022 12:53 PM (GMT+7)
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khai thác, huy động điện từ dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.
Bình luận 0

Bộ Công Thương yêu cầu EVN thoả thuận mua điện với Trung Nam

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo vừa có văn bản giải quyết việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời của chủ đầu tư Trung Nam tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

EVN được chỉ đạo thoả thuận mua điện mặt trời của Trung Nam - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề nghị EVN có thoả thuận với Trung Nam Group về cơ chế mua điện. (Ảnh minh hoạ)

The đó, EVN được yêu cầu có cơ chế khai thác và huy động điện từ dự án điện mặt trời Trung Nam trên cơ sở "thỏa thuận", "hợp đồng" đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó, tập đoàn Trung Nam đã có đơn "kêu cứu" lên Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ tướng về việc EVN dừng huy động 40% công suất tại dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam do thiếu cơ chế định giá.

Hiện một số các dự án điện mặt trời, điện gió thuộc điện tái tạo đang có vướng mắc lớn về cơ chế giá do hoàn thành dự án sau ngày chấm dứt cơ chế mua điện cố định. Cụ thể, giá mua bán điện cố định (FIT) đối với các dự án điện mặt trời vận hành sẽ áp dụng trước ngày 31/12/2020 và các dự án điện gió vận hành trước ngày 31/10/2021.

Chính vì vậy, các dự án điện tái tạo sau thời gian này đều không thể bán cho EVN theo giá FIT, các chủ đầu tư đã, đang phải đàm phán với EVN về cơ chế giá, thậm chí nhiều chủ đầu tư không thể ký hợp đồng mua bán điện được.

Hiện, về phía EVN, cơ quan này cho biết chưa có cơ chế giá cụ thể để mua điện từ các nhà đầu tư. Trong khi đó, do nhiều vướng mắc liên quan đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án bán giá điện như nào, công bố điều khoản chuyển tiếp ra sao và các cấp có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá mới.

Về nguyên nhân Bộ Công Thương chưa thể đưa ra cơ chế mua điện, cũng như các điều khoản hợp đồng chuyển tiếp sau FIT ra sao là do Thanh tra Chính phủ đang thanh tra các dự án điện tái tạo. Chính vì vậy, không thể đưa ra cơ chế giá.

Mới đây, tại Tờ trình gửi Chính phủ về phê duyệt đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công Thương liên quan đến số phận các dự án điện mặt trời được chấp thuận nhà đầu tư, xây dựng nhưng chưa vận hành, Bộ đề nghị Chính phủ tiếp tục đưa vào quy hoạch, song song với đó hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn như thường lệ, nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6015/BCT-ĐTĐL ngày 4/10/2022 về việc tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện giờ chuyển tiếp.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5047/VPCP-CN ngày 09/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem