Trung Nam kêu cứu lên Chính phủ vì bị dừng mua điện đột ngột: EVN nói gì?

An Linh Thứ ba, ngày 20/09/2022 14:46 PM (GMT+7)
Trả lời PV Dân Việt, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang kiến nghị Bộ Công Thương cho phép huy động công suất điện từ Trung Nam khi chưa có giá bán. Tuy nhiên, chưa có câu trả lời và quyết định chính thức nào được đưa ra.
Bình luận 0

Vì đâu EVN dừng mua điện từ Trung Nam?

Phía EVN cho biết, họ tuân thủ đúng quy định pháp lý, nếu làm sai họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo tiết lộ, không chỉ có Trung Nam một số dự án điện tái tạo tương tự khi vận hành sau thời điểm bán điện giá cố định, vướng mắc cơ chế bán giá nên chưa thể hoàn tất các hợp đồng mua bán điện với EVN.

EVN trần tình vụ dừng mua 40% công suất điện chưa có giá của Trung Nam? - Ảnh 1.

EVN cho biết, do vướng mắc chưa có cơ chế mua bán giá điện từ các cấp có thẩm quyền nên phải dừng mua điện từ Trung Nam (Ảnh Trung Nam Group).

Hiện, vướng mắc lớn nhất là cơ chế bán, mua điện giữa EVN và các nhà phát điện. Các dự án hoặc một phần của dự án điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) vận hành sau thời điểm (2020-2021) chưa có giá bán chính thức, phải áp dụng cơ chế chuyển tiếp hoặc đàm phán mua bán giá điện với EVN hoặc thông qua cơ chế đấu thầu. 

Về giá mua bán điện cố định (FIT), Việt Nam áp dụng mua giá FIT đối với các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 31/12/2020 và các dự án điện gió vận hành trước ngày 31/10/2021. 

Các dự án điện tái tạo vận hành sau thời gian này đều không được mua điện giá FIT, đều phải chờ cơ chế giá, giá chuyển tiếp hoặc các nhà phát điện phải thông qua đàm phán, đấu thầu với EVN.

Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án bán giá điện như nào, công bố điều khoản chuyển tiếp ra sao và các cấp có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá mới.

Trước đó, EVN dừng huy động 40% công suất tại dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam do thiếu cơ chế định giá. Trong văn bản gửi Chính phủ, Trung Nam đã yêu cầu Bộ Công Thương và EVN tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện. Việc tiếp tục sử dụng đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư trang trải chi phí đầu tư và "tránh phá sản".

Làm rõ vấn đề với PV Dân Việt, đại diện EVN cho biết: Nếu EVN thực hiện cơ chế đàm phán giá trực tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, thời gian đàm phán sẽ kéo dài và thông lệ của quốc tế cho thấy nhiều quốc gia không áp dụng cơ chế đàm phán giá trực tiếp này. 

Bên cạnh lý do thời gian sẽ kéo dài, thì các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn.

Việc giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai, EVN cho rằng "không khả thi".

Mới đây EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, trong đó đề xuất không giao cho EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cũng như việc "xét lại" các hợp đồng phải dựa theo luật.

Về cơ chế, EVN cho biết hiện các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn mua giá FIT. Do vậy, EVN kiến nghị trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt (việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện).

Về dài hạn, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu theo hai bước: lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định.

Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác. Các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký PPA (hợp đồng mua bán điện) và phát triển dự án, đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.

"Về mặt pháp lý, cơ chế này phù hợp với Luật Điện lực và quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và quyết định 39/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTG ngày 29/6/2011 về cơ chế khuyến khích điện gió tại Việt Nam. Giải pháp này đáp ứng ngay nhu cầu của hệ thống khi giá nhiên liệu như than nhập, than trộn và khí thiên nhiên tăng cao", đại diện EVN cho biết.

Mới đây, Bộ Công Thương có xin ý kiến Thường trực Chính phủ liên quan Quy hoạch điện VIII, trong đó kiến nghị tiếp tục cho triển khai dự án điện tái tạo đã có chủ trương đầu tư, được chấp thuận đầu tư và đang triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ cho biết cơ quan này hiện đang thanh tra chấp hành quy định pháp luật về Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Vì vậy, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, gây rủi ro pháp lý có thể xảy ra, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, xem xét kỹ việc phát triển các dự án điện tái tạo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem