FED càng cắt giảm lãi suất, nỗi ám ảnh suy thoái kinh tế Mỹ càng phóng đại?

21/08/2019 14:45 GMT+7
Các chuyên gia phân tích từ Danske Bank nhận định nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiến hành 5 đợt cắt giảm lãi suất nữa từ nay đến tháng 4.2020.

Danske Bank: Còn 5 đợt cắt giảm lãi suất đang chờ đợi thị trường

Mọi con mắt đang đổ dồn vào hành động tiếp theo của FED trong kỳ họp tháng 9 của FOMC

FED đã cắt giảm lãi suất 0,25% hồi cuối tháng 7, lần cắt giảm đầu tiên sau 11 năm kể từ cuộc đại suy thoái. Chủ tịch Jerome Powell đã đưa ra 3 lý do lý giải cho lần cắt giảm đó là bất ổn thương mại, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát dưới mức mục tiêu 2%. Nhưng dễ thấy, thị trường và Tổng thống Trump không hài lòng về tỷ lệ cắt giảm nhỏ giọt này, nhất là sau khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang và đường cong lợi suất đảo ngược hồi tuần trước. Thị trường giờ đây định giá 95% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,25% trong tháng 9, theo công cụ đo lường FedWatch.

Mặc dù FED chưa có động thái chính thức nào hé lộ một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo, thì các nhà phân tích Danske Bank mới đây đã bày tỏ niềm tin cơ quan này sẽ nhanh chóng thực hiện cắt giảm tối đa 0,25% lãi suất ở mỗi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở FOMC từ nay đến tháng 4.2020, nâng tổng mức cắt giảm trong tương lai lên tới 0,75% đến 1%.

“Các chỉ số kinh tế toàn cầu suy yếu; dữ liệu kinh tế của Trung Quốc giảm tốc trên cả đầu tư cố định, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ; tăng trưởng GDP quý II của Đức thậm chí rơi xuống mức âm và chỉ số cảm tính kinh tế Đức do Trung tâm nghiên cứu kinh tế (ZEW) thực hiện không cho thấy triển vọng khả quan” - một ghi chú của Danske Bank hôm 20.8 chỉ rõ.

Trong khi Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi, đe dọa FED cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn nữa, các nhà phân tích Danske Bank nhận định FED chắc chắn sẽ không cam kết một mức nới lỏng sâu như ông Trump kỳ vọng. Nguyên nhân đơn giản là mức cắt giảm lãi suất 0,5% thường chỉ xuất hiện trong giai đoạn suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Nhưng hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ rõ ràng đang tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại còn các chỉ số năng suất lao động, doanh số bán lẻ cũng phản ánh mức chi tiêu tiêu dùng đầy khả quan. Tổng thống Trump hồi cuối tuần qua thậm chí tự tin khẳng định không nhìn thấy dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ. Khó có thể thuyết phục FED cắt giảm lãi suất tới 0,5% trong thời điểm hiện tại. 

“Theo quan điểm của chúng tôi, tăng trưởng Mỹ đã đạt đỉnh và có thể sẽ chậm lại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với một cuộc suy thoái trong ngắn hạn”. Thị trường giờ đây chủ yếu kỳ vọng FED cắt giảm 0,25% lãi suất trong cuộc họp của FOMC tháng 9 tới, và một lần cắt giảm tiếp theo vào cuối năm.

95% thị trường định giá cơ hội FED cắt giảm 0,25% lãi suất trong tháng 9 bất chấp những tín hiệu kinh tế tích cực

Jakobsen, nhà kinh tế trưởng từ Ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Bank thì dự kiến FED sẽ cắt giảm thêm 0,5% lãi suất từ nay đến cuối năm. Ông cũng đồng quan điểm với các đồng nghiệp Danske Bank khi cho rằng việc nới lỏng sẽ không dừng lại ở đó, mà tiếp tục vào đầu năm sau.

Jakobsen kỳ vọng những đợt cắt giảm tiếp theo của FED sẽ không phụ thuộc vào thực tế lạm phát gia tăng và kinh tế Mỹ vẫn duy trì mức tăng trưởng 1,6-1,8%. Ông cho rằng FED muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong bối cảnh tương lai bất chấp những bước ngoặt tiêu cực và bất ổn hơn là mạo hiểm duy trì thái độ bình thản.

“Tôi lo rằng các nhà đầu tư nên lo lắng về tương lai thị trường tiền tệ Nhật Bản hơn là nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ” - ông Jakobsen nói thêm. Ngân hàng Nhật Bản từ lâu đã theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong bối cảnh lạm phát thấp qua nhiều thập kỷ, khi các công ty liên tục giảm giá để kích cầu bất chấp sự sụt giảm doanh thu và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

“Thật mỉa mai khi Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản không rút ra những bài học quý giá từ lịch sử. Hành động của nó giống y cái cách Ngân hàng Châu Âu ECB hay Cục dự trữ Liên bang FED, ngân hàng Anh từng làm. Chúng ta đều biết tương lai sẽ tồi tệ ra sao.” Cũng theo Jakobsen, cách tiếp cận của Ngân hàng Nhật Bản có thể đem đến sự kích thích kinh tế trong ngắn hạn, nhưng tiềm tàng vô số rủi ro trong tương lai. Thực tế, nền kinh tế Nhật giờ đây đang chứng kiến những dấu hiệu giảm tốc và lao đao khi xuất khẩu giảm tháng thứ 8 liên tiếp và thâm hụt thương mại dự đoán sẽ trở thành lực cản lớn cho nền kinh tế.

FED cắt giảm lãi suất làm tăng nỗi ám ảnh suy thoái?

Thị trường đang nhạy cảm hơn bao giờ hết

Đối lập với sự mong đợi chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn từ thị trường, nhà kinh tế học Robert Shiller - người từng đoạt giải Nobel kinh tế lại chỉ trích hành động FED cắt giảm lãi suất hồi tháng 7 qua đang gây nên những tác hại cục bộ cho tâm lý thị trường.

“Theo tôi, vấn đề lớn nảy sinh từ hành động cắt giảm lãi suất của FED là nó báo hiệu nguy cơ suy thoái”, ông Shiller chia sẻ hôm 20.8. Chính chủ tịch FED Jerome Powell đã thừa nhận triển vọng kinh tế ảm đạm là một trong ba nguyên nhân thúc đẩy FED đến quyết định cắt giảm lãi suất vừa qua.

Ở đây, ông Shiller nhấn mạnh nhiều đến những tác động tâm lý mà FED mang đến sau hành động nới lỏng chính sách tiền tệ. “Ý nghĩa tâm lý từ hành động cắt giảm lãi suất của FED đang vượt xa ý nghĩa thực tế mà việc tỷ lệ cắt giảm 0,25% mang lại cho nền kinh tế. Sau những giây phút hân hoan, thị trường giờ đây bắt đầu lo lắng về một đợt suy thoái đến gần”. 

Nhiều nhà kinh tế cũng khẳng định thị trường tài chính Mỹ đang trong trạng thái nhạy cảm, mỗi tác động nhỏ nào cũng đủ gây ra sóng gió lớn với giá cổ phiếu: phát ngôn của Trump, đường cong lợi suất đảo ngược trong tích tắc...hay bất kỳ một động thái tương tự như thế. “FED phải thừa nhận phản ứng của công chúng trở nên nhạy cảm hơn sau khi cơ quan này cắt giảm lãi suất 0,25%”. 

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục