Gạc Ma - tiếng chuông thức tỉnh

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 14/03/2020 18:02 PM (GMT+7)
Ngày 14/3 -  ngày 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam chấp nhận hi sinh dưới làn đạn điên cuồng của quân xâm lược phương Bắc năm 1988, nhắc đến chúng ta lại nhói lòng. Nếu không có sự kiện Gạc Ma, chúng ta hẳn còn muôn vàn gian nan khi bảo vệ biên cương bờ cõi.
Bình luận 0

Gạc Ma, nơi đảo chìm, là yết hầu án ngữ từ Bắc sang Nam của quần đảo Trường Sa, có chiều dài gần 400 hải lý, gần 800km. Gạc Ma đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, chủ quyền biển đảo, là bài học để chúng ta luôn cảnh giác với quân xâm lược nhằm bảo vệ một vùng biển rộng lớn của đất nước.

Nếu không có sự kiện Gạc Ma, thì chúng ta còn gặp muôn vàn sự nan giải khi phải bảo vệ biển cả, bảo vệ bờ cõi và tài nguyên vô tận mà Biển Đông phú cho dân tộc Việt Nam như ngày hôm nay. 

Lần đi công tác đảo Trường Sa của tôi 10 năm trước, tôi gặp một cô gái trẻ măng mới tốt nghiệp đại học, với ánh mắt cương nghị, rắn rỏi, nhưng lúc nào cũng ừng ựng nước mắt. Hỏi ra mới biết đó là cô bé Trần Thị Thủy, con gái của liệt sỹ anh hùng Trần Văn Phương quê  Quảng Bình, người chỉ huy bảo vệ đảo chìm Gạc Ma trong cuộc tấn công của quân Trung Quốc. Lúc anh Phương hi sinh ngày 14/3/1988 Thủy mới đang là giọt máu 3 tháng tuổi nằm trong bụng mẹ.

Khi đến tọa độ đảo Gạc Ma, tàu chở đoàn công tác làm nghi lễ thả hoa, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh tại nơi này. Tôi thấy đôi vai Thủy rung lên từng chập, hai tay lau những giọt nước mắt nhòa nơi gò má con gái trắng hồng. Nhưng  Thủy vẫn nén lại mà dõng dạc: “Thưa ba Phương, con là con gái ba, lần đầu tiên con ra đến chiến trường, nơi ba đã chiến đấu hi sinh, con hứa với ba sẽ mãi mãi trọn đời tiếp bước của ba để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”

Đi cùng tôi lúc đó là đại tá Nguyễn Viết Thuân, nay là Phó Tư lệnh Hải quân vùng D - đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng quần đảo Trường Sa bây giờ. Anh chia sẻ: “Chúng tôi và anh hùng Trần Văn Phương cùng thế hệ, chỉ cần nhìn vào mắt con gái anh, chúng tôi đều tự hứa với lòng mình sẽ bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giá và bằng mọi cách. Không để đồng đội của chúng tôi hi sinh một cách vô ích, không để chủ quyền biển đảo của chúng ta bị lâm nguy, Tổ quốc bị bất ngờ, và cũng không bao giờ để con cái họ, con em chúng ta phải suy nghĩ về sự hi sinh của cha anh mình. Những người lính Hải quân luôn âm thầm và bảo vệ đất nước một cách tốt nhất”.        

Giờ đây Trần Thị Thủy đã là một trung úy chuyên nghiệp phục vụ trong lực lượng Hải quân và cũng có một gia đình nhỏ mà chồng cô cũng là lính Hải quân. Nhiều lần tôi đã nói chuyện với Thủy. Có lần em bảo tôi, nếu em nghĩ sự hi sinh của cha mình là không đáng, thì chẳng bao giờ em lựa chọn con đường tiếp bước cha mình giữ đảo cả, vì với tuổi trẻ, em có vô vàn cơ hội để tìm những lựa chọn khác. Nhưng Thủy đã tin và chọn việc làm chiến sỹ Hải quân để chấp nhận sự hi sinh bất cứ lúc nào khi Tổ Quốc cần.

img

Bà mẹ chiến sĩ tìm tên con trong khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma. 

Trong nhiều lần trò chuyện, phỏng vấn nghiên cứu với rất nhiều tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp của Hải quân Nhân dân Việt Nam, tôi thấy tất cả đều nhận thức một cách thống nhất:  Nếu không có sự kiện Gạc Ma, thì chúng ta chưa có sự nhận diện chính xác về hành động của đối phương, để đưa ra những đối sách phù hợp về chiến lược phòng vệ bờ biển như bây giờ.

Đó là những quyết sách xây dựng khu vực nhà giàn, xây dựng chiến lược chiến tranh nhân dân trên biển, chúng ta không chạy đua vũ trang, nhưng kiên quyết không để nước ngoài xâm phạm được đặc quyền kinh tế của nước ta.

Bằng chứng là chúng ta làm chủ mọi tình hình trong sự kiện HD-981 năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Hoàng Sa, và sự kiện bãi Tư Chính năm 2019 khi Trung Quốc tiến hành khảo sát thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của nước ta. Với đối sách mềm dẻo và cứng rắn, chúng ta đã tránh cho đất nước những nguy cơ cận kề chiến tranh, đối phương phải rút lui, và toàn bộ chủ quyền biển đảo, khu vực đặc quyền kinh tế được giữ vững và bảo vệ một cách an toàn.  

Là người đã đi hết các đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Tổ Quốc, bằng những trải nghiệm cả chủ quan và khách quan, tôi hiểu sự hy sinh to lớn của lực lượng hải quân. Lịch sử đã khẳng định, Hải quân nhân dân Việt Nam chưa bao giờ để mất một điểm đảo nào cả, và quần đảo Trường Sa của chúng ta vẫn hoàn toàn trong tâm kiểm soát và làm chủ.   

Không có thế lực nào xâm phạm và khai thác được vùng biển này, chúng ta không cho phép bất cứ ai, đối phương nào có thể làm được điều đó, kể cả khi họ đã gây chiến, và sẵn sàng gây chiến để đạt được mục đích. Chúng ta không mắc mưu đối phương, và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền một cách chính đáng và chính nghĩa.

Kể từ khi xảy ra sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, có nhiều ý kiến trái chiều về những phản ứng của nước ta khi xảy ra sự kiện này. Chúng ta cũng nên thông cảm cho những cá nhân, tổ chức có những ý kiến một phía, vì thực sự họ chưa có dữ liệu đầy đủ, để đánh giá hết tầm quan trọng về sự hi sinh và hành động của 64 chiến sỹ Hải quân năm 1988.

Tôi tin sớm muộn họ cũng có nhận thức đầy đủ và có những phát ngôn đúng mực về những hành động và đối sách của Đảng, Nhà nước, Quân dội Nhân dân Việt Nam, lúc đó và mãi mãi sau này.

Nhưng là người Việt Nam, một dân tộc không hề run sợ trước bất cứ kẻ thù nào, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo để giữ hòa bình bằng mọi giá. Và chúng ta nên nhớ rằng, bất kể sự hi sinh nào dù nhỏ nhất cho nền độc lập của dân tộc, cho phên giậu của núi sông, chủ quyền biển đảo của đất nước, đều được Tổ Quốc ghi công. Chúng ta không bao giờ lãng quên, không được phép lãng quên, dù ở bất kỳ thời gian và hoàn cảnh nào.

Với những người yêu nước chân chính, Gạc Ma luôn luôn là một hồi chuông thức tỉnh, để ta quyết tâm hơn, tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn, nhằm bảo vệ Tổ Quốc mình vững chãi, trường tồn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem