Gam màu doanh nghiệp trên sàn sau mùa quý 3/2019

08/11/2019 09:42 GMT+7
Tính đến hết ngày 31/10/2019, 943 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán ( chưa bao gồm nhóm ngân hàng ) đã tạo ra hơn 45,858 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 50,670 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng 13% và 10% so cùng kỳ. Trong đó, có 805 doanh nghiệp báo lãi và 138 doanh nghiệp báo lỗ.

Kết quả báo cáo tài chính quý 3/2019 cho thấy, bất động sản là ngành có lợi nhuận cao nhất trong quý 3, tăng trưởng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là ngành thực phẩm, đồ uống và ngành tiện ích, lần lượt có lợi nhuận sau thuế tăng gần 34% và hơn 29%. Mặt khác, ngành xây dựng, chứng khoán và dầu khí có lợi nhuận sau thuế sụt giảm đáng kể.

Gam màu doanh nghiệp trên sàn sau mùa quý 3/2019 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xi măng báo lãi tăng phi mã

Dẫn đầu trong top doanh nghiệp báo lãi tăng phi mã là Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HOSE: PTC) với lãi ròng cao gấp 1,621 lần so với cùng kỳ năm trước. Song, bản chất không đến từ kết quả kinh doanh chính của đơn vị này.

Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt 531 triệu đồng, thậm chí còn kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng, nhưng nhờ đã bán một số mã cổ phiếu và mua lại toàn bộ trái phiếu trước hạn, PTC thu về được hơn 49 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, cao gấp 3 lần cùng kỳ, đưa lãi ròng chạm mức 44 tỷ đồng, vượt xa con số vỏn vẹn 27 triệu đồng của quý 3/2018.

Trong quý 3/2019, ghi nhận khá nhiều doanh nghiệp có lãi ròng tăng trưởng cấp số nhân, trong đó có sự góp mặt của 3 doanh nghiệp xi măng, đó là Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS, gấp 52 lần), Vicem Thạch cao xi măng (HNX: TXM, gấp 40 lần) và Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH, gấp 19 lần).

Điểm chung nhóm doanh nghiệp này, dù đạt được mức tăng khủng nhưng lãi ròng thực tế còn khá khiêm tốn so với quy mô hoạt động. Chẳng hạn, BTS có quy mô vốn gần 1,200 tỷ, nhưng lãi ròng quý 3 chỉ hơn 11 tỷ. Hơn nữa, kết quả kinh doanh của BTS thực sự đi xuống trong 3 năm gần đây sau giai đoạn 2014-2016, báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Hay như một trường hợp khác là SAM Holding (HOSE: SAM) với lãi ròng chỉ hơn 10 tỷ, quá nhỏ so với doanh nghiệp vốn gần 2,500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp điện năng và khoáng sản chuyển từ lỗ sang lãi

Đáng mừng khi quý 3 có nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi,trong đó phải ghi nhận các doanh nghiệp ngành điện năng, và khoáng sản.

Điển hình trong ngành điện năng có Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) đã có lãi ròng gần 93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 148 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ doanh thu thuần đạt 2,326 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện thực phát tăng mạnh 447.6 triệu kWh so với quý 3 năm ngoái.

Còn trong ngành khoáng sản, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV (UPCoM: MVB) có lãi hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ. Đó là nhờ cơ cấu sản phẩm tiêu thụ thay đổi, giá bán sản phẩm tăng đã làm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm báo lãi khủng

Có 4/20 doanh nghiệp báo lãi khủng, phải kể đến những gương mặt kỳ cựu trong ngành sản xuất thực phẩm là Vinamilk (HOSE: VNM), Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), Sabeco (HOSE: SAB) và Hàng tiêu dùng Masan (HOSE: MCH).

Vinhomes (HOSE: VHM) tiếp tục vị trí dẫn đầu về lợi nhuận trên sàn chứng khoán. Trong quý 3/2019, VHM đạt doanh thu hơn 10,906 tỷ đồng và lãi ròng 5,470 tỷ đồng, lần lượt tăng 59% và 42% so với cùng kỳ năm trước.

Hai doanh nghiệp chỉ vừa mới góp mặt trên sàn chứng khoán kể từ cuối năm 2018, nhưng đã nhanh chóng "ngự trị" trong top những doanh nghiệp báo lãi khủng là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) cả trong quý 2 và quý 3 năm nay, Theo đó, hai doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng lần lượt gần 1,727 tỷ đồng và hơn 700 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản lãi ròng lao dốc không phanh

Trong khi nhiều doanh nghiệp vui mừng với kết quả kinh doanh khả quan, thì cũng có không ít doanh nghiệp ngậm ngùi chấp nhận lãi ròng lao dốc không phanh. Trong số đó có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp bất động sản như HAR, VRC, ITC…

Theo Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE: VRC), nguyên nhân là do "tỷ lệ chuyển nhượng khoản đầu tư trong kỳ này ít hơn tỷ lệ chuyển nhượng khoản đầu tư trong kỳ trước", đã khiến lãi ròng của Công ty giảm 99% so với quý 3/2018.

Tuy nhiên, tính chung trong ngành bất động sản, 72 doanh nghiệp niêm yết trên sàn thuộc nhóm ngành này đã tạo ra hơn 10,500 tỷ đồng lãi ròng, tăng 18% so với cùng kỳ nhờ công lớn 3 doanh nghiệp thuộc nhà Vin gồm Vingroup (HOSE: VIC), Vinhome (HOSE: VHM) và Vincom Retail (HOSE: VRE).

Nhiều doanh nghiệp ôm lỗ khủng trên trăm tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp ôm lỗ khủng trên trăm tỷ đồng, nổi cộm là HVG,DHB,TTF. Ôm lỗ gần 242 tỷ đồng trong quý cuối cùng của niên độ 2018-2019 do doanh thu giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ, doanh nghiệp thủy sản HVG đang có mức lỗ nặng nhất trên sàn.

Lỗ liên tiếp 17 quý, tính đến 30/09/2019, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) có lỗ lũy kế lên đến 3,077 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 310 tỷ đồng.

Theo DHB, dây chuyền máy chạy 77.04 ngày, trong tháng 8 và 9 đã tiến hành ngưng máy để sửa chữa bảo dưỡng dây chuyền. Bên cạnh đó, thị trường phân bón trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất cả về giá và chính sách tiêu thụ. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, giá ure thế giới liên tục giảm, nên các đơn vị mua rất dè chừng, chỉ mua khi có nhu cầu, không mua dự trữ.

Các nhóm doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 3/2019. Đơn cử là đại diện cho ngành thép, CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) có 3 quý liên tiếp lỗ sau quãng thời gian dài kinh doanh có lãi.

Theo giải trình từ phía Công ty, hiện Pomina đang triển khai 2 dự án, trong đó dự án lò cao quý 2/2020 sẽ đi vào hoạt động, và dự án tôn mới đã đi vào hoạt động trong quý 2/2019, nên chi phí lãi vay tăng cao so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong hệ thống của công ty đang có 1 nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng hàng bán giảm.Nhà máy đã khắc phục sự cố và bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10 vừa qua.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục