Sẽ có kết quả nâng hạng thị trường chứng khoán để chia sẻ vào tháng 9/2025
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương, việc nâng hạng thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng cũng như định hướng chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam đến năm 2030, thời gian qua Bộ Tài chính, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Ở đây có 2 tiến trình song song với nhau. Nói một cách dễ hiểu, giống như đi thi giọng hát hay, ngoài điểm của Ban Giám khảo còn có tin nhắn của khán giả. Do vậy thị trường chứng khoán Việt Nam có 2 tiến trình song song với nhau.

Theo Thứ trưởng, Bộ Tài chính phải làm việc với các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI và các nhà đầu tư quốc tế để đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta đã đạt được 9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng.
Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ tùy thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ lệ càng cao thì chúng ta càng đạt.
Với các điều kiện cần và đủ như vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp lớn để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng cường sự ủng hộ của họ đối với việc nâng hạng như sau:
Thứ nhất, triển khai hệ thống KRX như tính năng mới về giao dịch thanh toán, đưa vào một số giải pháp phòng ngừa rủi ro cho một số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài… Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các sở giao dịch, các đơn vị chức năng triển khai hệ thống KRX vào tháng 5/2025.
Đồng thời ngày 26/4/2025, chúng tôi cũng ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số quy định chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống KRX đáp ứng một số đề xuất theo yêu cầu của tổ chức xếp hạng FTSE và một số nhà đầu tư lớn là khi triển khai cơ chế, không yêu cầu nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài có đủ 100% tiền như hiện nay.
Thứ hai, rà soát để sửa đổi Nghị định số 155 năm 2020, trong đó quy định rõ các công ty đại chúng được hoàn tất tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư gián tiếp.
Thứ tư, nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu đáp ứng các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó có đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan.
Thứ năm, tăng cung hàng hóa, đồng thời phát triển sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu, phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh các bộ chỉ số đầu tư hiện nay để làm cơ sở hoạt động cho các quỹ đầu tư…
Thứ sáu, thành lập nhóm đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng… để đẩy nhanh tiến độ cho quá trình nâng hạng thị trường.
"Với các giải pháp như vậy, Bộ Tài chính tin tưởng, câu chuyện nâng hạng thị trường vào tháng 9/2025 này sẽ có kết quả cụ thể để chia sẻ," Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Trong báo cáo tạm thời công bố ngày 9/4 vừa qua, tổ chức FTSE Russell tiếp tục giữ nguyên phân loại Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên, với lý do chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thanh toán trong khung phân loại.
Dù vậy, tổ chức này cũng ghi nhận một số cải tiến đáng kể như mô hình giao dịch không ký quỹ (non pre-funding) cho nhà đầu tư nước ngoài đã được đưa vào vận hành. Tuy vẫn cần thêm thời gian theo dõi và đánh giá, nhưng những tín hiệu tích cực là không thể phủ nhận.
Ở góc độ tích cực hơn, nếu nâng hạng thành công, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực. Trước thời điểm mang tính bản lề vào tháng 9/2025, Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc nâng tầm thị trường chứng khoán quốc gia. Trong nhiều cuộc họp điều hành, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, không để tồn tại các điểm nghẽn.