Gần 51,5 triệu USD bán tín chỉ carbon: Ngân hàng nào có vai trò hỗ trợ quan trọng?

20/11/2024 08:16 GMT+7
Trong giao dịch bán tín chỉ carbon với giá trị gần 51,5 triệu USD tại Việt Nam thời gian qua. Agribank có vai trò hỗ trợ quan trọng với các khách hàng là bên bán chính trong các giao dịch này.

Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG tại Agribank cho biết, trước đây, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khi đánh giá các ngân hàng thường chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh mà không xem xét đến báo cáo phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, các tổ chức này đã bắt đầu thực hiện đánh giá độc lập về báo cáo phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý rằng, chẳng hạn như Moody's đã đánh giá từng yếu tố E (Môi trường), S (Xã hội) và G (Quản trị) của mỗi ngân hàng tại Việt Nam. Dù xếp hạng tín nhiệm kinh doanh có tốt đến đâu, nếu ESG có điểm số thấp, kết quả xếp hạng tín nhiệm chung của ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng.

Thực hành ESG không chỉ là tập trung ưu tiên nguồn vốn vào tín dụng xanh

Nói thêm về tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng, đại diện Agribank cho biết các tổ chức Châu Âu hiện nay đã đưa ra nhiều cam kết về phát triển bền vững ngày càng tăng dần và nâng cao. Ngày 1/10/2023, châu Âu đã thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong đó áp dụng với 6 mặt hàng. Đến năm 2026 sẽ áp dụng đầy đủ với hơn 60 mặt hàng.

"Việc các ngân hàng triển khai ESG sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ cho khách hàng để tham gia các thị trường xuất khẩu sang Châu Âu", bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá.

Tuy nhiên, việc triển khai cho vay tín dụng xanh ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, việc chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ hai là với những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay phải rất kỹ lưỡng. "Việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng là một biện pháp tổng thể, không chỉ là cấp tín dụng không. Quá trình này cần nguồn vốn, con người, công nghệ", bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG.

Tại Agribank, dư nợ cho vay trong lĩnh vực tín dụng xanh hiện tại của ngân hàng được duy trì ở mức ổn định.

Cụ thể, trong 42.485 khách hàng có dư nợ tín dụng xanh, 96% là các khách hàng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp bền vững, với tổng giá trị 6.805 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng xanh. Lĩnh vực năng lượng tái tạo và sạch chiếm tỷ trọng lớn nhất với 15.330 tỷ đồng (55%), theo sau là nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỷ đồng, chiếm 20%. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay xanh của Agribank đạt 27.816 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng tín dụng xanh đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Agribank trong việc hướng tới phát triển bền vững. Tỷ trọng tài trợ cho các dự án xanh tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% trong năm 2023 và tiếp tục ổn định đến quý II/2024.

Tuy nhiên, bà Hà cũng nhấn mạnh, thực hành ESG tại Agribank không chỉ là tập trung ưu tiên nguồn vốn vào tín dụng xanh. Ngân hàng đã triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thông qua ban hành Quy định 1289/QyĐ/NHNo-RRTD ngày 31/5/2023 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank, hiệu lực từ ngày 01/6/2023 (Quy định 1289), đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

"Trong 3 trụ cột của ESG là môi trường, xã hội và quản trị, thì Quy định 1289 chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Agribank đến yếu tố "môi trường", khẳng định rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng", bà Hà cho biết.

Do đó, chính sách quản lý rủi ro môi trường là trọng tâm cho quản trị bền vững và là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy Agribank cải thiện các nỗ lực phát triển bền vững hôm nay và trong tương lai. Agribank đã và đang tiên phong triển khai các chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu như chương trình; ứng dụng công nghệ, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường. Cùng đó, các hoạt động tổ chức đào tạo về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tín dụng xanh hay phối hợp với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, tổ chức tư vấn tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về ESG cũng được triển khai.

Các tiêu chí xã hội (S) cũng được triển khai tại Agribank bao gồm tích cực triển khai tài chính toàn diện, cung ứng hoạt động ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa; tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng; chú trọng nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội đối với người lao động; tăng cường vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo.

Đối với tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, ngân hàng xây dựng cơ cấu quản trị ESG; công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình như đảm bảo tính công khai minh bạch và giải trình báo cáo tài chính. Cùng đó, ngân hàng cũng thực hiện quản trị rủi ro toàn diện, ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về nhận diện, đánh giá rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro an toàn, hiệu quả; sắp xếp bộ máy hoạt động và bố trí nhân sự bảo đảm tách bạch giữa ba tuyến phòng vệ.

Dư nợ tín dụng xanh phân theo lĩnh vực Quý II/2024.

Kinh nghiệm triển khai ESG tại Agribank

Chia sẻ kinh nghiệm để triển khai ESG đồng bộ, hiệu quả, hạn chế được khó khăn, vướng mắc tại Agribank, bà Hà nêu rõ một số giải pháp đã và đang được ngân hàng triển khai.

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức để triển khai ngân hàng xanh hiệu quả: Triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: Xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách phát triển bền vững; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, công bố thông tin về cam kết triển khai ESG…); Hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững.

Hai là, triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Ba là, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh. Bốn là, phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Năm là, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế.

Sáu là, hoàn thiện các tiêu chí về xã hội của Agribank: Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách hợp pháp, công bằng đối với người lao động; tiếp tục vận động, truyền truyền người lao động của Agribank tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bảy là, thường xuyên thực hiện tuyên truyền và đào tạo sâu, rộng trong nội bộ và đến khách hàng Agribank về phát triển bền vững. Tám là, xây dựng báo cáo độc lập về phát triển bền vững, ESG và kiểm toán báo cáo ESG. Theo đó, Agribank thuê tổ chức tư vấn hướng dẫn Agribank xây dựng hệ thống các chính sách về ESG, báo cáo ESG và thực hiện kiểm toán báo cáo ESG để công khai thông tin theo chuẩn mực quốc tế.

Do đó, trong giao dịch bán tín chỉ carbon với giá trị gần 51,5 triệu USD tại Việt Nam thời gian qua. Agribank có vai trò hỗ trợ quan trọng với các khách hàng này là bên bán chính trong các giao dịch này.

Để triển khai hiệu quả ESG tại Agribank và chiến lược ngân hàng xanh của Agribank có thể thực thi, Agribank đề xuất một số kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các TCTD có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh;

Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như: xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon, đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục