Gánh nặng vay nợ của doanh nghiệp được nhập khẩu vaccine Covid-19

H.Anh Thứ năm, ngày 03/06/2021 11:04 AM (GMT+7)
3 trong số 36 doanh nghiệp trong danh sách đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19 đều có nợ vay gấp hơn hai lần vốn góp chủ sở hữu, thậm chí lên tới 16 lần đối với Y tế TP. HCM. Đi cùng với đó, 2 trong 3 doanh nghiệp báo lỗ sau thuế.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa cập nhật danh sách mới nhất của 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vaccine, trong đó có vaccine Covid-19.

Trong số đó, hai doanh nghiệp được giao dịch trên UPCoM là CTCP Xuất nhập khẩu Y tế TP.HCM (Mã: YTC) và CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1).

Một doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19 được niêm yết trên sàn HOSE là CTCP Dược phẩm Bến Tre (Bepharco, mã: DBT).

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu vaccine Covid-19

Trong 3 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập vaccine Covid-19 kể trên, CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1) là doanh nghiệp đang có quy mô tài sản lớn nhất với trên 1.278 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. 

Tuy nhiên, đến hết quý I/2020, tổng tài sản của Dược phẩm Trung ương CPC1 giảm nhẹ, xuống còn 1.184 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 là doanh nghiệp Nhà nước hạng 1, tiền thân là quốc doanh y dược phẩm trung ương ra đời năm 1956, chính thức thành lập ngày 01/04/1971 với tên gọi "Công ty Dược phẩm cấp 1".

Đến năm 2016, Công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 theo quyết định số 2290/QĐ-BYT ngày 12/06/2015 của Bộ Y Tế. 

Tại thời điểm này, quy mô tài sản của CPC1 cao hơn hiện tại trên 320 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm Dược phẩm trung ương CPC1 bốc hơi 5% quy mô tài sản.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 1.

Tổng hợp báo cáo tài chính

2 doanh nghiệp còn lại đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19, đều có tổng tài sản dưới 1.000 tỷ đồng, trong đó Y Tế TP.HCM xấp xỉ 996 tỷ, tăng bình quân 10% trong 3 năm trở lại đây. 

Tương tự, Dược phẩm Bến Tre tăng trên 12% mỗi năm, đến hết quý I/2021 tổng tài sản của Dược phẩm Bến Tre đạt 757 tỷ đồng.

Quy mô tài sản biến động trái chiều song điểm chung của các doanh nghiệp này theo thống kê của Dân Việt là, quy mô nợ vay lớn hơn vốn góp chủ sở hữu nhiều lần.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 2.

Tổng hợp cáo tài chính của CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1

Tại CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1, nợ vay bằng 228% trên vốn góp chủ sở hữu đến cuối quý I/2021. Có thời điểm, nợ vay của Dược phẩm Trung ương CPC1 cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Bên canh đó, cùng với sự suy giảm của quy mô tổng tài sản trong giai đoạn 2016 - 2021, nợ phải trả/tổng tài sản cũng giảm dần, từ mức 88% năm 2017 đến hết quý I/2020 chỉ còn 77%. 

Chỉ tiêu nợ vay/tổng tài sản sau khi suy giảm trong giai đoạn 2019, 2020 về dưới 40%, đến quý I vừa qua, Dược phẩm Trung ương CPC1 tiếp tục gia tăng vay nợ lên gần 490 tỷ đồng, chiếm 41% quy mô tài sản của doanh nghiệp.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính Dược phẩm Bến Tre

Tại Dược phẩm Bến Tre, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản tăng đều qua các năm. 

Đến cuối quý I/2021 nợ vay 411 tỷ đồng, chiếm 49% quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp và gấp gần 3 lần vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre tiền thân là phòng Bào chế thuốc của Ban Dân Y Bến Tre, được thành lập từ năm 1963. 

Trong những năm kháng chiến, phòng bào chế đã sản xuất và cung ứng thuốc men phục vụ cho cấp cứu, điều trị cho thương bệnh binh, cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh với trên 30 sản phẩm gồm các dạng thuốc tiêm, dịch truyền, thuốc viên các loại và thuốc nước…..

Sau nhiều lần tăng vốn đến cuối quý I/2021, vốn góp chủ sở hữu của Dược phẩm Bến Tre đạt 142 tỷ đồng, gấp 7 lần số vốn điều lệ năm 2004 - thời điểm sau khi công ty thực hiện cổ phần hoá.

Về kết quả kinh doanh, CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 ghi nhận doanh thu giảm từ mức 513 tỷ đồng của cùng kỳ xuống chỉ còn 418 tỷ đồng vào quý I/2021. CPC1 báo lãi sau thuế 10 tỷ đồng, nhích nhẹ 500 triệu đồng trong 3 tháng đầu năm.

Trước đó, vào năm 2020, Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng suy giảm 13% về doanh thu thuần so với năm liền trước, song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng dương, mang về 41 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 4.

Tổng hợp báo cáo tài chính của Dược phẩm Trung ương CPC1

Ngoại trừ Dược phẩm Trung ương CPC1, 2 doanh nghiệp được nhập khẩu vaccin Covid-19 được thống kê rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi, dẫn tới tình trạng lợi nhuận âm.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 5.

Tổng hợp báo cáo tài chính

Điển hình như tại Dược phẩm Bến Tre, sau khi liên tiếp suy giảm về lợi nhuận bất chấp doanh thu thuần vẫn "tịnh tiến" trong năm 2019 - 2020, quý I/2021, Dược phẩm Bến Tre bất ngờ báo lỗ 328 triệu đồng sau thuế. 

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp đạt 23,3 tỷ đồng, trong khi đó cuối năm 2020 ghi nhận 42,6 tỷ đồng.

Trong quý này, Dược phẩm Bến Tre bình quân mỗi ngày thu về 1,6 tỷ đồng.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu  - Ảnh 6.

Tổng hợp báo cáo tài chính Y tế TP.HCM

Kết quả kinh doanh có phần "thê thảm" hơn với Y tế TP.HCM  khi doanh thu qua các năm từ 2016 - 2020 liên tục trồi sụt. 

Bình quân, mỗi ngày Y tế TP.HCM thu về 1,5 tỷ đồng doanh thu thuần. 

Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, công ty lần lượt báo lỗ 12 tỷ đồng (năm 2019) và 7,2 tỷ đồng (năm 2020).

Được biết, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế TP.HCM được thành lập từ năm 1984 (tiền thân là Công ty Xuất Nhập Khẩu Y tế), được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần vào tháng 8/2001. 

Tính đến hết 31/12/2020, nợ vay của Y tế TP.HCM lên tới 226 tỷ đồng, gấp trên 16 lần vốn góp chủ sở hữu tại cùng thời điểm.

Lọt danh sách được nhập khẩu vaccine Covid-19, cổ phiếu"tím ngắt"

Trên sàn chứng khoán, sau khi có thông tin về việc đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vaccine Covid-19, cổ phiếu DBT của Dược phẩm Bến Tre ngay trong phiên sáng 2/6 đã tăng trần lên giá 13.150 đồng/cp với thanh khoản đạt 70.700 đơn vị, cao gấp ba lần trung bình khối lượng khớp lệnh 10 phiên gần đây.

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, bảng điện tử của DBT vẫn "tím ngắt", hiện đang đứng ở mức 14.050 đồng/cp, tăng 6,84%.

Soi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp được nhập khẩu vaccine Covid-19 - Ảnh 8.

Lọt danh sách được nhập khẩu vaccine Covid-19, cổ phiếu DP1 và DBT "tím ngắt"

Cổ phiếu DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng leo lên mức trần giá 28.000 đồng/cp, tăng 72% so với phiên ngày đầu năm. Tính đến hiện tại, DP1 tiếp tục tăng trần 14,96%, lên 31.500 đồng/cp.

Trong khi đó YTC - cổ phiếu của Y tế TP.HCM không có thay đổi và giá lại đi ngang vùng 76.000 đồng/cp. Việc cổ phiếu YTC không quá biến động cũng khá dễ hiểu vì bản thân cổ phiếu YTC gần như tắt thanh khoản, không có giao dịch trong suốt thời gian dài.

Được biết, cổ phiếu này vừa được "tháo gông" hạn chế giao dịch kể từ 27/5 do không bị âm vốn chủ sở hữu theo báo cái tài chính năm 2020.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem