Quỹ vaccine phòng Covid-19: Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi, hàng nghìn tỷ đồng được chuyển vào tài khoản

PVKT Thứ tư, ngày 02/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính huy động nguồn lực toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bằng mọi cách mua được vaccine Covid-19 sớm nhất có thể, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã nhập cuộc.
Bình luận 0

Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 75 triệu người dân, dự kiến cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine Covid-19 với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Việc xã hội hóa, vận động kinh phí mua vaccine Covid-19 là điều cần thiết để huy động những đóng góp mang tính thiện nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với Nhà nước mua đủ số lượng vacicne và tiêm kịp thời cho người dân.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có quyết định thành lập quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vacicne, đảm bảo an ninh vacicne của Việt Nam.

Động thái của DN sau lời kêu gọi “cùng đóng góp để nhanh có vaccine” của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lại yêu cầu bằng mọi cách mua được vaccine sớm nhất có thể. (Ảnh minh họa)

Hàng nghìn tỷ đồng được góp vào quỹ vaccine phòng Covid-19

Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức lễ phát động vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của NHNN ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện chiến lược tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

Theo NHNN, nguồn huy động, đóng góp từ chương trình phát động này sẽ được Công đoàn ngân hàng Việt Nam thực hiện sử dụng theo các mục đích như: Hỗ trợ, tài trợ cho quỹ vaccine phòng Covid-19; Hỗ trợ kinh phí đối với các đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Động thái của DN sau lời kêu gọi “cùng đóng góp để nhanh có vaccine” của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước kêu gọi ủng hộ quỹ vaccine phòng covid-19 hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đối với các tổ chức tín dụng do NHNN quản lý, khối ngân hàng quốc doanh tiên phong ủng hộ quỹ vaccine phòng Covid-19.

Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng này đã trao số tiền ủng hộ 40 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, 38 tỷ đồng để mua vaccine Covid-19 cho 10 tỉnh, thành có ca lây nhiễm cao.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2021, Vietcombank đã trao số tiền 25 tỷ đồng ủng hộ Bộ Y tế mua vaccine Covid-19. Như vậy, tính riêng trong tháng 5/2021, tổng số kinh phí Vietcombank đã ủng hộ mua vaccine Covid-19 là 65 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm đầu tháng 5, 3 "ông lớn" quốc doanh là BIDV, VietinBank và Agribank đã trao số tiền 25 tỷ đồng ủng hộ Bộ Y tế mua vaccine Covid-19. Theo chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng, nguồn tiền ủng hộ được ngân hàng trích từ quỹ phúc lợi.

"Ngoài khoản tiền đã ủng hộ trước đó, hiện tại chúng tôi cũng đã lên kế hoạch kêu gọi cán bộ công nhân viên đóng góp 1 – 2 ngày lương để tiếp tục đóng góp vào quỹ vaccine phòng Covid-19 hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính", lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh thông tin thêm.

Khối ngân hàng tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc.

SHB cũng trao tặng 15 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua vaccine Covid-19.

Techcombank tiếp tục ủng hộ 10 tỷ đồng trong khi đó TPBank và DOJI tài trợ 20 tỷ mua vaccine. MSB và SCB tài trợ lần lượt 20 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

"Để đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường cần phải có vaccine để tiêm phòng cho người dân. HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào quỹ vaccine phòng Covid-19 để chung tay cùng cả nước tiếp thêm nguồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch ở nước ta", Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, để thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng cả nước "chống dịch như chống giặc", Petrovietnam đã quyết định hỗ trợ quỹ vaccine phòng covid-19 với kinh phí 50 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết, vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị thành viên tiếp tục tham gia hỗ trợ quỹ.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn BIM Group tài trợ 30 tỷ đồng; Công ty cổ phần VNG tài trợ 20 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn KOSY tài trợ 3 tỷ; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tài trợ 2 tỷ đồng.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngoài tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 "Made in Vietnam", Vingroup đã trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine Covid-19 (khoảng 1.800 tỷ đồng).

Tương tự, Tập đoàn T&T Group trao tặng 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Bộ Y tế. "Với 1 triệu liều vaccine ủng hộ cho Bộ Y tế, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực cần thiết để Chính phủ và người dân cả nước chống lại Covid-19 một cách hiệu quả", đại diện Tập đoàn T&T Group chia sẻ.

Lên kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên

Ngoài việc ủng hộ quỹ vaccine phòng Covid-19, nhiều đơn vị doanh nghiệp sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để tiêm cho người lao động.

Động thái của DN sau lời kêu gọi “cùng đóng góp để nhanh có vaccine” của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp dự chi hàng trăm tỷ đồng mua vaccine Covid-19 cho người lao động

Đơn cử như tại Vinatex, hiện tổng số cán bộ nhân viên, người lao động của Tập đoàn khoảng 150.000 người. Các doanh nghiệp trong tập đoàn đều sẵn sàng chi trả mọi chi phí để tiêm được vaccine Covid-19 cho người lao động của mình, gánh vác trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia trong giai đoạn này.

Với cách làm này Vinatex tính toán, các doanh nghiệp của Tập đoàn cần dành nguồn ngân sách khoảng 100 – 200 tỷ đồng để chuẩn bị cho chương trình tự lo vaccine Covid-19 cho người lao động.

Không chỉ thế, nếu lượng vaccine Covid-19 đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình, những người sống cùng người lao động để đảm bảo an toàn cho họ, cũng là đảm bảo an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng hiểu, lượng vaccine Covid-19 hiện nay còn hạn chế về số lượng và cần có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, người lao động ngành dệt may rất mong muốn được ưu tiên sớm trong đợt tiêm phòng dịch lần này", lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị.

Còn theo ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - doanh nghiệp này có gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. 

Doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều tuyến vận tải gần như không có doanh thu, trong khi vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí phát sinh vì Covid-19, nên rất khó khăn. 

Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tiêm vaccine trả phí, bởi tính ra chi phí tiêm còn rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm.

Với khối ngân hàng, BIDV đăng ký mua vaccine Covid-19 cho cán bộ công nhân viên. Trong khi đó, với mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, đảm bảo an toàn trong hoạt động, VietinBank và Agribank cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine Covid-19 cho cán bộ, nhân viên toàn hệ thống và người thân của cán bộ, nhân viên. Được biết, chi phí cho hoạt động này cũng được trích từ quỹ phúc lợi của các ngân hàng.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem