Gạo GlobalGAP hấp dẫn khách hàng

Thứ tư, ngày 11/12/2013 09:38 AM (GMT+7)
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến và dùng gạo GlobalGAP.
Bình luận 0
“Trước đây, tôi thường mua gạo không có thương hiệu tại cửa hàng nhỏ gần nhà nhưng bây giờ tôi chuyển sang mua gạo GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn của châu Âu) của Công ty Gentraco tại siêu thị vì gạo ngon mà lại đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” – chị Thanh Tuyền ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết.

Gia đình chị Mỹ Dung (đường Cô Giang, quận Phú Nhuận, TP.HCM)?hơn 1 tháng nay đã chuyển sử dụng gạo Jasmine GlobalGAP của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). “Mặc dù đắt hơn 3.000 đồng/kg so với gạo lúc trước tôi ăn nhưng gạo GlobalGAP có hạt cơm dẻo lại thơm, không bị khô, lâu thiu...” - chị Dung cho hay.

60% người tiêu dùng đồng ý trả giá cao hơn để mua gạo GlobalGAP.
60% người tiêu dùng đồng ý trả giá cao hơn để mua gạo GlobalGAP.

Kết quả cuộc khảo sát nhu cầu tiêu thụ nội địa của sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Trường Đại học An Giang với 450 người tiêu dùng và 20 nhà hàng, khách sạn tại Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, TP.HCM về nhu cầu tiêu thụ gạo GlobalGAP cho thấy: Có 60% số người được hỏi đồng ý trả giá cao hơn thị trường để được dùng gạo GlobalGAP. Chủ các nhà hàng khách sạn cũng cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn từ 1.000 - 5.000 đồng/kg để mua gạo GlobalGAP phục vụ khi khách hàng có nhu cầu.

Bà Lưu Thị Lan - Phó Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ), khẳng định mục tiêu sản xuất gạo theo tiêu chuẩn GlobalGAP không chỉ để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu và phân phối ở siêu thị nước ngoài, mà còn là một cách làm thương hiệu cho công ty, giúp chất lượng hạt gạo được nâng cao và ổn định.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, diện tích trồng lúa theo GlobalGAP của Việt Nam hiện chỉ có vài chục nghìn ha. Phân tích với báo chí, ông Lê Thanh Tùng - chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết nguyên nhân là do phí chứng nhận cao, khoảng 200 triệu đồng cho một diện tích khoảng 20ha và sau 1 năm phải chứng nhận lại nên một số doanh nghiệp sản xuất gạo theo GlobalGAP vốn ít, chỉ làm một lần rồi thôi.

Theo ông Tùng, hiện nay nhiều người còn lầm tưởng là với chi phí đầu tư tăng, gạo GlobalGAP làm ra lại là gạo ngon nên giá bán phải cao. Đến khi sản phẩm làm ra không bán được với giá cao như mong muốn thì lại bỏ không làm nữa. Trong khi gạo sản xuất theo GlobalGAP thực chất là gạo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tương tự như những quy định về an toàn thực phẩm hiện nay của nhiều nước trên thế giới.
Phụng Anh (Phụng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem