Gặp cựu sinh viên ĐH Bách khoa hiến kế "mức điểm càng cao, điểm cộng ưu tiên càng giảm"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 12/06/2022 14:19 PM (GMT+7)
Minh Tú thổ lộ, đề xuất của mình đem lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho các thí sinh, góp phần tìm được đúng những người giỏi xứng đáng cho đất nước.
Bình luận 0

Cựu sinh viên hiến kế giải quyết nghịch lý 30 điểm trượt đại học 

Mới đây, Bộ GDĐT đã điều chỉnh lại cách tính điểm cộng ưu tiên khu vực trong Quy chế tuyển sinh năm 2022. Ít ai biết rằng, cách đây 5 năm, trước câu chuyện ưu tiên khu vực khiến nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học và điểm chuẩn lên đến 30,5, nam sinh Nguyễn Minh Tú đã đề xuất cách tính mới này.

Nguyễn Minh Tú, là cựu sinh viên ngành Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tú đỗ vào trường với 28,5/30 điểm khối A (không tính điểm cộng) năm 2005.

Gặp cựu sinh viên ĐH Bách khoa - người hiến kế "điểm cộng ưu tiên khu vực càng cao càng ít" - Ảnh 1.

Điểm ưu tiên khu vực được tính dựa trên mức điểm thí sinh đạt được. Ảnh: Minh Tú.

Theo Minh Tú, phương pháp này xác định điểm chuẩn theo phần trăm của điểm chuẩn hiện tại dựa trên tổng điểm 3 môn của thí sinh. Nguyên tắc chung là điểm càng cao phần trăm điểm cộng ưu tiên càng giảm. Thí sinh đạt 30 điểm cho 3 môn xét tuyển sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, nghịch lý 30 điểm trượt đại học hay trường hợp lấy điểm chuẩn 30,5 sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên, cách cộng điểm này đang gây ra tranh cãi là các bạn học giỏi lại được cộng ít điểm, như vậy sẽ bất công, Minh Tú cho biết: "Đây là cảm nhận ban đầu khi chúng ta mới nghe qua phương pháp, nhưng khi hiểu kỹ thì sẽ thấy nó rất công bằng. 

Mục đích của cộng điểm là để một học sinh ở khu vực 1 sẽ có điểm tương ứng với học sinh đó nếu học ở khu vực 3. Ví dụ, một em ở khu vực 1 được 22,5 điểm và nếu em đó ở khu vực 3, nhiều khả năng sẽ được 22,5+0,75=23,25 điểm. Nghĩa là em xứng đáng nhận được thêm 0,75 điểm cộng. Nhưng nếu khi ở khu vực 1, em đó được 29,5 điểm. Vậy nếu ở khu vực 3 thì em đó đạt bao nhiêu điểm? Như cách tính hiện tại thì thí sinh này được 0,75 điểm cộng, nghĩa là nếu ở khu vực 3 sẽ đạt 30,25 điểm. Dĩ nhiên chuyện đó là không thể. Càng lên cao điểm cộng không thể giữ nguyên mà cần giảm dần mới thực sự công bằng với tất cả.

Để hiểu về điểm ưu tiên mới thì ta có thể ví von thế này: Ta có cả một hộp kẹo, có kẹo to kẹo nhỏ. Trước đây ta cộng 2 điểm giống nhau, giống như cho mỗi em được lấy 2 cái kẹo. Bạn lấy được 2 kẹo nhỏ, bạn lấy được 2 kẹo to nên sẽ tị nạnh với nhau

Nhưng giờ ta yêu cầu, kẹo to thì đc lấy 1 cái, kẹo nhỏ thì được lấy 2 cái. Em nào muốn kẹo to thì lấy ít, kẹo nhỏ thì lấy nhiều, tùy khả năng. Vậy là các em thấy công bằng và không tị nhau nữa. Cũng giống như mức điểm cao, câu khó - kẹo to thì được thưởng ít. Mức điểm thấp, câu dễ - kẹo nhỏ thì được thưởng nhiều. Vì sao câu khó là kẹo to, vì với những em khu vực 3 không được thưởng, câu khó là một viên kẹo to mà rất mất công mới tự kiếm được cho mình.

Gặp cựu sinh viên ĐH Bách khoa - người hiến kế "điểm cộng ưu tiên khu vực càng cao càng ít" - Ảnh 2.

Nguyễn Minh Tú, cựu sinh viên Đại học Bách khoa hiến kế giải quyết “nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học”. Ảnh: NVCC

Và mới đây, Bộ GDĐT đã điều chỉnh Quy chế tuyển sinh đại học 2022 như sau: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Chỉ cần 1 kỳ thi với 2 mục tiêu

Chia sẻ thêm về quy chế tuyển sinh hiện nay, Minh Tú cho rằng: "Quy chế hiện khá ổn, tuy nhiên, em xin góp ý về đề thi. Việc thi chung đem lại rất nhiều lợi ích. Học sinh tập trung được tối đa 1 kỳ thi và có cơ hội xét rất nhiều trường như vài năm trước. 

Còn như năm nay, rất nhiều trường tuyển sinh riêng nên thí sinh tốn nhiều tiền bạc, công sức để thi 3-4 kỳ thi, rất lãng phí. Vấn đề là bởi đề thi chung không đủ phân loại nên các trường giảm sự tin tưởng. Nhưng nếu đề khó thì học sinh lại khó tốt nghiệp. Vì vậy theo em, cần 1 đề thi đạt được cả 2 mục tiêu. Và em đã nghĩ ra đề thi đáp ứng được cùng lúc cả 2 mục tiêu như vậy, vừa đủ dễ cho tốt nghiệp, vừa đủ khó cho đại học xét tuyển.

Ví dụ đề Toán có 50 câu thì em đề xuất 50 câu này ở mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Sau đó ta bổ sung thêm phần dành riêng cho xét Đại học là 10 câu khó từ 51-60. Chấm điểm từ câu 1 đến câu 50 là đủ dễ cho tốt nghiệp; chấm điểm từ 11 đến 60 là đủ phân loại cho Đại học. Như vậy thi 1 lần nhưng đáp ứng được 2 yêu cầu. Khi đó các trường sẽ tin tưởng và không cần quá nhiều kỳ thi riêng, sẽ tiết kiệm công sức và của cải cho toàn xã hội".

Theo Minh Tú, việc các trường xét tuyển riêng cũng gây... hỗn loạn. Xét chứng chỉ IELTS thì thiệt thòi cho những bạn nhà nghèo, không có tiền học để tiếp cận. Thi Đánh giá năng lực thì tranh nhau suất thi vì mỗi đợt số lượng có hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem