Gặp "hạn" thoái vốn, SCIC chưa tính đến bán vốn tại FPT, Vinamilk...

Quang Dân Thứ năm, ngày 01/04/2021 08:50 AM (GMT+7)
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Quyết định số 98/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Bình luận 0

Chưa tính đến việc bán vốn tại 8 doanh nghiệp tiềm năng

Cụ thể, các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể năm 2021 của SCIC bao gồm, doanh thu đạt 6.498 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 3.300 tỷ đồng; lãi ròng 3.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 3.300 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 5,7%; vốn tiếp nhận trong năm là 2.112 tỷ đồng; vốn quản trị trong năm là 37.038 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 9.895 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu trên được xác định trên cơ sở 146 doanh nghiệp đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại thời điểm 31/12/2020.

Đồng thời, chưa tính đến việc bán vốn tại 8 doanh nghiệp tiềm năng đã được SCIC báo cáo Ủy ban, Ủy ban đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được tạm thời tiếp tục nắm giữ chưa bán vốn (trong Dự thảo chiến lược phát triển của SCIC) gồm Công ty cổ phần sữa Việt Nam; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang;

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội; Công ty cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC; Công ty cổ phần Viễn thông FPT; Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư và thương mại Tràng Tiền; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

Gặp "hạn" trong thoái vốn Nhà nước, SCIC chưa tính đến bán vốn tại FPT, Vinamilk và 6 DN tiềm năng - Ảnh 1.

Nguồn: CMSC

Năm 2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Trong đó doanh thu cổ tức ước đạt 4.633 tỷ đồng, bằng 134% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 1.173 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 602 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch; doanh thu tài chính ước đạt 2.128 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.

Đáng chú ý, điểm gợn trong kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong năm 2020 chính là công tác thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp.

SCIC thoái vốn Nhà nước chậm dù thị trường chứng khoán đang thăng hoa 

Theo Thống kê từ những thông tin được công bố trên thị trường chứng khoán, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước, đơn vị mệnh danh là "tổ chức tài chính chuyên nghiệp, hàng đầu Việt Nam" chăm chỉ thoái vốn nhất năm 2020 tại HOSE và HNX.

Tuy nhiên, SCIC chỉ ghi nhận 4 phiên thành công tại HoSE và 1 phiên trên HNX. Tổng khối lượng bán được gần 53 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.000 tỷ đồng. 

Gặp "hạn" trong thoái vốn Nhà nước, SCIC chưa tính đến bán vốn tại FPT, Vinamilk và 6 DN tiềm năng - Ảnh 2.

Đây được cho là con số "rất thấp" với danh sách dự kiến thoái vốn của SCIC trong năm với 85 doanh nghiệp.

Trong đó, có 28 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Có nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây như CTCP FPT; Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã: VOC)...

Mặc dù những doanh nghiệp kể trên đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, giá chào bán thấp hơn/ngấp nghé thị giá nhưng việc thoái vốn nhà nước lại không hề dễ dàng.

Đáng nói, hơn 2/3 giá trị vốn Nhà nước thu về qua đấu giá công khai trong năm 2020 trên 2 Sàn là của Bộ Xây dựng. Và không khác SCIC, Bộ Xây dựng cũng phải bán trọn lô.

Trong năm 2020, Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc tiến hành thoái vốn tại 8 doanh nghiệp và ghi nhận thành công tại 4 doanh nghiệp. Bộ đã bán thành công 191,6 triệu cổ phiếu, giá trị thu về 5.188 tỷ đồng, chiếm 68% tổng thu thoái vốn nhà nước thực hiện đấu giá qua HNX và HoSE.

Đáng chú ý, 3 thương vụ thoái vốn nhà nước của Bộ Xây dựng có giá trị lớn nhất năm 2020 bao gồm: Bộ xây dựng thoái thành công vốn tại IDICO thu về 2.909 tỷ đồng; HUD thu về 1.185 tỷ sau khi bán vốn tại HUD Kiên Giang; Bộ Xây dựng bán gần 45 triệu cổ phiếu CC1, thu về 1.027 tỷ đồng.

Thương vụ thành công còn lại là Hancorp thoái vốn CC4 ghi nhận giá trị thu hồi 67 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong thoái vốn Nhà nước của Bộ Xây dựng và SCIC là Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 4 tổng công ty trên trước ngày 30/11/2020. Nếu không hoàn thành thoái vốn thì phải hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020.

Gặp "hạn" trong thoái vốn Nhà nước, SCIC chưa tính đến bán vốn tại FPT, Vinamilk và 6 DN tiềm năng - Ảnh 4.

Doanh nghiệp thoái vốn qua đấu giá tại HNX. Ảnh chụp mành hình: Nguồn HNX

Bộ Xây dựng đã "rốt ráo" trong công tác phê duyệt chủ trương, khi chỉ trong chưa đầy một tháng (từ ngày 20/10 đến 17/11), Bộ đã có tới 4 quyết định về phương án thoái vốn nhà nước tại IDC; CC1; Hancrop và SHG.

Trong khi đó, SCIC Nghị định 140/2020/NĐ-CP có thể đã ảnh hưởng đến tiến trình thoái vốn Nhà nước của tổ chức này. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đủ để có thể tổ chức phiên đấu giá được xem là nguyên nhân chính. Dù vậy, thực tế cho thấy nghịch lý rằng, 3 thương vụ thoái vốn nhà nước của SCIC tại tổ chức FPT, SGC hay VOC đều là những thương vụ được nhà đầu tư mong chờ/kỳ vọng từ nhiều năm qua.

Phải chăng, SCIC, tổ chức tài chính chuyên nghiệp, hàng đầu Việt Nam đang gặp "hạn" trong thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức?





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem