Gặp người hiến đất lập "chợ hàng rong" cho dân bán vỉa hè

Hạnh Nguyễn Thứ tư, ngày 22/03/2017 13:24 PM (GMT+7)
Nói về ngôi chợ hàng rong của mình, ông trầm ngâm: “Có nghèo mới bám đường bán hàng rong kiếm sống, vì đó là nhu cầu thực tế. Có ai muốn bám đường đâu, có nơi ổn định họ sẽ vào. Thấy người ta có nơi yên tâm buôn bán là tôi vui lắm rồi”.
Bình luận 0

Với 39 năm tuổi Đảng, ông Năm Hấp từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở phường 15 (quận Tân Bình, TP.HCM) và cũng từng là một người nông dân đậm chất Nam bộ. Nói về ngôi chợ hàng rong của mình, ông trầm ngâm: “Có nghèo mới bám đường bán hàng rong kiếm sống, vì đó là nhu cầu thực tế. Có ai muốn bám đường đâu, có nơi ổn định họ sẽ vào. Thấy người ta có nơi yên tâm buôn bán là tôi vui lắm rồi”.

Một thời vừa làm cán bộ, vừa cuốc ruộng làm nông

Gặp ông Năm Hấp, tên thường gọi của ông Lý Văn Hấp (SN 1950, ngụ phường 15, quận Tân Bình – nay là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vào buổi sáng đầu tuần, tôi thật sự ngỡ ngàng với vẻ giản dị của một người từng kinh qua nhiều chức vụ như: Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN và rồi sau đó là Chủ tịch Hội Nông dân phường 15 (quận Tân Bình, TP.HCM).

Trong bộ dạng quần đùi, áo thun cũ kỹ và dáng đi khập khiễng do tuổi đã cao, ông Năm Hấp bắt đầu câu chuyện.

img

Cứ mỗi sáng, ông Lý Văn Hấp lại rảo quanh các gian hàng hỏi thăm mọi người chuyện làm ăn, buôn bán. Ảnh: Hạnh Nguyễn

Hớp ngụm nước trà, ông kể, sau giải phóng nơi đây ruộng đất bao la, chẳng có bóng người. Bản thân gia đình ông may mắn hơn bao người khi có 10.000m2 đất nông nghiệp, để trụ lại nơi này ngoài công việc ở phường ông còn phải canh tác thêm lúa và hoa màu mới đủ sống.

“Hồi đó, vừa lo việc nhà nước, vừa phải lo làm nông kiếm thêm tiền phụ vợ, còn không thì để nhà ăn. Cũng chật vật lắm cậu à!”, ông Năm Hấp nhớ lại.

Nên tận dụng đất trống lập chợ hàng rong

Bàn chuyện giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, ông Lý Văn Hấp hiến kế thêm, nhà nước nên vận động người dân, chủ hàng quán và tận dụng những mảnh đất công nhàn rỗi cho người dân vào buôn bán 1 buổi. Từ đó, chính quyền cũng không phải tốn công sức đi dẹp mỗi ngày.

Cũng theo lời ông Năm Hấp, dần dà về sau này, dọc con kênh 19/5 người dân tứ xứ cũng đổ về một đông đúc. Họ về đây mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ làm công nhân cho đến buôn bán nhỏ lẻ, cũng có người tận dụng đất đai bỏ không trồng rau màu sống qua ngày. Nói chung ai cũng đồng cảnh khổ, nghèo khó.

Ông nói: “Năm 1999 là năm có nhiều bước ngoặc đối với nơi này, đó cũng là lúc tôi bắt đầu chức Chủ tịch Hội nông dân phường. Lúc ấy, nhà nước giải tỏa đất để làm đường, khu này cũng trở nên khang trang hơn trước. Người dân nghèo khắp nơi cũng di cư vào đông đúc hơn trước, từ đó mới có cảnh chợ búa và hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường”.

img

Ngôi chợ hàng rong giúp người nghèo của ông Năm Hấp hoạt động hiệu quả gần 10 năm nay.

“Nghèo, không bán buôn lấy gì sống”

Dẫn tôi ra con đường 19/5 ngay trước nhà, ông Năm Hấp chỉ tay một vòng bảo: “Cậu thấy đường giờ sạch sẽ, thông thoáng chưa?”. Sau đó ông kể tiếp, năm còn làm ở Hội Nông dân ngày nào cánh hàng rong cũng buôn bán bao vây ngay trước nhà mình. Vì vậy, lực lượng trật tự đô thị phường cũng đuổi bắt thường xuyên lắm.

img

Một góc ngôi chợ hàng rong của ông Năm Hấp.

“Ngày 2 lần, người bán hàng rong chạy “bán sống, bán chết”. Có lần, thấy lực lượng chức năng những người bán hàng rong nháo nhào ném hết đồ vào nhà tôi vì sợ “bị hốt”. Sau gánh hàng rong là cả cuộc mưu sinh mà cứ bị phạt tiền thấy thương lắm! Nhưng không bán lấy gì sống, đó là nhu cầu của họ”, ông Năm Hấp kể lại với vẻ chưa hết nỗi xót lòng chuyện ngày trước.

Theo ông, thương người ta không đồng nghĩa với việc cổ vũ buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Từ khi UBND phường có chủ trương vận động ông cho mượn 800m2 đất chưa cần sử dụng phía sau nhà để làm chợ hàng rong ông liền đồng ý. Ban đầu, thấy người dân không vốn liếng, ông Năm Hấp sẵn sàng bỏ ra gần 60 triệu đồng tráng xi măng, kẻ khung từng ô để họ vào buôn bán. Về sau, ông Năm Hấp tận dụng số vật dụng nhà tiền chế cũ đem về xin địa phương cho dựng lên làm chỗ che nắng, che mưa.

Tiếp tục phát huy

Ông Hoàng Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú cho biết, qua việc ngôi chợ hàng rong của chú Lý Văn Hấp mang lại hiệu quả tích cực, tới đây UBND phường sẽ tiếp tục phát huy theo cách làm này. Phường sẽ đi vận động những người dân có đất nhàn rỗi làm chợ cho người dân bán hàng rong vào đó buôn bán.

Chị Thạch Thị Thanh (SN 1982, ngụ Trà Vinh) bày tỏ: “Vợ chồng tôi có 2 con dắt díu nhau từ quê nghèo miền Tây lên đây sinh sống. Ảnh đi làm công nhân, tôi làm nghề buôn bán nuôi 2 cháu. Hồi đó, buôn bán hồi hộp lắm, lúc nào cũng sẵn sàng bỏ chạy và cũng không biết bị “hốt hàng” lúc nào. Nhờ có cái chợ của ông Hấp mà cảnh đời bớt khổ, yên tâm buôn bán làm ăn”.

Mỗi sáng, ông Năm Hấp dạo quanh một vòng ngôi chợ tấp nập kẻ bán, người mua để hỏi thăm chuyện làm ăn của mọi người. Ông cho biết thêm, các hộ vào buôn bán chỉ cần đóng 30 nghìn đồng tiền điện nước, phí dọn vệ sinh rồi yên tâm ngồi ngày 2 bữa. Còn người nào khổ quá, ông miễn luôn cả phí. Hiện ngôi chợ vẫn còn nhiều chỗ trống và luôn sẵn sàng cho người hàng rong vào buôn bán.

Cứ như vậy, gần 10 năm qua ngôi chợ được vận hành trơn tru trong ngăn nắp, góp phần làm khang trang đô thị, và bản thân người chủ chợ lại được người ta gọi với cái tên trìu mến: “Ông Hấp giúp người nghèo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem