Gareth Bale và nhóm “Tứ hiệp EURO"

Lê Đức Chủ nhật, ngày 12/06/2016 15:05 PM (GMT+7)
Chứng kiến Gareth Bale đi vào lịch sử bóng đá xứ Wales tại hạ bỗng liên tưởng tới 1 nhân vật trong nhóm “Thái nhạc tứ hiệp” được Kim Dung khắc họa trong tác phẩm “Uyên ương đao”…
Bình luận 0

Xét về tài năng và tầm ảnh hưởng trong làng bóng đá thế giới, có lẽ Gareth Bale còn phải học hỏi nhiều mới bằng được tiền bối Ryan Giggs. Nhưng rạng sáng 12.6, không phải Giggs mà Bale mới là người đi vào lịch sử bóng đá xứ Wales với tư cách cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại một kỳ EURO. Anh cũng là cầu thủ người Vương quốc Anh đầu tiên ghi bàn từ một pha đá phạt hàng rào trong lịch sử các kỳ EURO theo thống kê của hãng Opta.

Bale rõ là oách thế nhưng không hiểu sao chứng kiến hình ảnh của cầu thủ này tại EURO 2016, tại hạ cứ nhớ tới nhân vật tứ đệ trong nhóm “Thái nhạc tứ hiệp” được Kim Dung khắc họa trong tác phẩm “Uyên ương đao”. Võ công có thể không bằng ai nhưng về độ hài hước, tấm lòng trong sáng, thuần phác và đặc biệt là độ dài của ngoại hiệu thì Cái Nhất Minh mới là đệ nhất. Chẳng có nhân vật nào trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung lại có ngoại hiệu dài lê thế, đọc đến méo cả mồm vẫn khó thuộc như: “Bát bộ hãn thiềm, Trại Chuyên Chư, Đạp tuyến vô ngấn, Độc cước thủy thượng phi, Song thích cái thất tỉnh” Cái Nhất Minh.

img

Gareth Bale cùng xứ Wales là một “ẩn số” tại EURO 2016. Ảnh: I.T.

Điểm đáng yêu của “Thái nhạc tứ hiệp” là thích gì làm đó, rất tự tin. Đến mức người giang hồ cũng phải “té ngửa” khi nhìn họ hành tẩu. Bởi thường thì “Cao nhân bất lộ tướng, mà lộ tướng thì chắc không phải cao nhân”. Đằng này “Thái nhạc tứ hiệp” đã không lộ tướng mà cũng… chẳng phải chân nhân luôn! Lâm địch thì vô cùng tự tin. Nhỡ gặp cao thủ thì hô to “Gió lớn, gió lớn!”, cáo… mệt, đang… đói (hoặc ốm), cùng lắm "xin đểu" không được, tự mình móc túi cho đối thủ ngân lượng để... hoãn binh! Dù gì “anh hùng trả thù mười năm chưa muộn” cơ mà!

Vòng vo một hồi với kiếm hiệp Kim Dung chỉ để khen cách xứ Wales và Slovakia nhập cuộc tại EURO 2016. Họ cứ mải miết chạy với tất cả đam mê để “săn lùng” trái bóng. Trong chừng mực nhất định, đây mới là trận đấu đáng xem nhất của EURO 2016 đến thời điểm này khi hai đội chơi sòng phẳng, không toan tính với khát khao chiến thắng một cách vô tư, trong sáng nhất. Họ cứ đá như thể đang chơi 1 trận chung kết và họ mới là những ứng viên số 1 cho ngôi vô địch EURO 2016 chứ không phải chủ nhà Pháp, Đức hay Tây Ban Nha… Xuyên suốt 90 phút là những cú đột phá đầy sảng khoái của Hamsik (Slovakia), Ramsey (xứ Wales)… Và cả những bàn thắng cũng rất “hồn nhiên” của Bale, Robson-Kanu (xứ Wales), Duda (Slovakia).

Hợp cùng bộ đôi xứ Wales – Slovakia, 2 đội bóng khác là Thụy Sĩ - Albania cũng xứng đáng được xếp chung thành nhóm “Tứ hiệp EURO”. Ở trận ra quân tối 11.6, Thụy Sĩ mới nhìn tưởng như có thể “ăn tươi nuốt sống” tân binh Albania khi sớm có bàn mở tỷ số từ phút thứ 5 nhờ công Schaer. Nhưng càng đá, không hiểu sao Thụy Sĩ lại càng “xìu” trước đà xông lên “được ăn cả, ngã về không” của Albania. Lạ là chơi hơn người trong khoảng 60 phút thi đấu khi đội trưởng Cana (Albania) nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân từ phút 36 nhưng Thụy Sĩ cũng chẳng có gì lấn lướt. Và nếu như chân sút Gashi của Albania tận dụng tốt tình huống cuối trận thì có lẽ Albania đã may mắn có điểm đầu tiên tại EURO, thay vì chấp nhận trắng tay.

Nhìn Thụy Sĩ thi đấu như thế, có người bảo đội bóng xứ sở đồng hồ muốn… giữ sức cho trận quyết đấu với Romania ở bảng A ngày 15.6 tới. Có thể lắm chứ! Nhưng riêng tại hạ thì cho rằng Thụy Sĩ nhìn thì “nguy hiểm” thế nhưng cũng chẳng có “vũ khí” gì đáng ngại ngoài niềm tin đâu!

Nhưng nói gì thì nói, EURO 2016 mới chỉ bắt đầu và phía trước còn hứa hẹn rất nhiều bất ngờ như một thuộc tính không thể thiếu của bóng đá. Chuyện “tứ hiệp EURO” xứ Wales, Slovakia, Thụy Sĩ, Albania có thể làm khó các "cao thủ” hay không thì hậu xét. Chỉ chắc chắn rằng với  cách chơi bóng trong sáng mang theo tinh thần thể thao trung thực, cao thượng như thế, họ đã góp thêm những gam màu lạ và đẹp cho ngày hội bóng đá trên nước Pháp rồi.

Cũng như bí mật khắc trên 2 thanh “uyên ương đao” vậy – thực ra thứ võ công tối thượng mà cả giang hồ mất bao công sức tìm kiếm chẳng ở đâu xa mà ở trong mỗi con người “Nhân giả - Vô địch” (tạm dịch: Người có nhân nghĩa là vô địch). Những đội bóng cứ ra sân chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo  như "Tứ hiệp EURO", tự bản thân họ đã là những nhà vô địch trong lòng các cổ động viên!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem