Giá heo hơi hôm nay 26/4: 788 công ty bán thịt lợn vào Việt Nam, giá "siêu rẻ"

Thiên Hương Chủ nhật, ngày 26/04/2020 06:53 AM (GMT+7)
Giá heo hơi hôm nay 26/4 một số nơi đã quay đầu giảm nhưng tại nhiều tỉnh thành, các trại vẫn bán ra với giá cao trên 90.000 đồng/kg, điều này khiến giá thịt lợn tại các chợ truyền thống hầu như không giảm. Trong khi đó, Việt Nam đã cho phép 788 công ty của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn, với sản lượng thịt lợn nhập khẩu tới giữa tháng 4 là hơn 46.400 tấn.
Bình luận 0

Nhập khẩu thịt lợn tăng hơn 300%, giá hấp dẫn

Theo số liệu mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 13/4/2020, tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 46.402 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó nhập khẩu từ Canada chiếm 24,59%, Đức 19,32%, Ba Lan 14,14%, Brazil 9,50%, Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, Liên bang Nga 4,04%...

Được biết, cả năm 2019, tổng sản lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn đã nhập khẩu về phục vụ người tiêu dùng trong nước là 67.131 tấn (tăng 63% so với năm 2018), trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ.

Do sản lượng thịt lợn trong nước bị thiếu hụt nên đến thời điểm này, Việt Nam đã chấp thuận cho phép các doanh nghiệp của 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam, với 788 doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra còn có 5 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc khác, thịt gia cầm vào Việt Nam. 

img

Khu vực buôn bán thịt heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyễn Vỹ

Nếu như năm 2019 có 150 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018) thì sang đầu năm nay, đã có tới 108 doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. 

Ngoài thịt lợn, tính từ đầu năm đến nay Việt Nam còn nhập khẩu hơn 37.104 tấn thịt trâu bò, trong đó thịt bò tăng khoảng 200% và thịt trâu tăng 135% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt gia cầm và các sản phẩm thịt gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. 

Thịt dê cừu và sản phẩm thịt dê cừu nhập về hơn 190 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Argentina.

Đáng chú ý là giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu đang được rao bán rất hấp dẫn, thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn tại các chợ truyền thống cũng như thịt lợn tươi bán ở các siêu thị. 

img

Trên mạng xã hội Facebook, các tài khoản rao bán lẻ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá rất hấp dẫn, như ba chỉ và sườn cánh buồm chỉ 110.000 đồng/kg, trong khi cùng loại này ở chợ truyền thống tại Hà Nội giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg. Ảnh: Thiên Hương

Theo bảng giá bán lẻ thịt heo đông lạnh từ Nga của Công ty TNHH Nhiêu Lộc (TP.HCM), mức giá cao nhất là thịt ba chỉ rút sườn với giá 98.000 đồng/kg, thịt ba chỉ lạng sườn 92.000 đồng/kg, nạc đùi heo 80.000 đồng/kg, nạc vai heo 77.000 đồng/kg, ba chỉ sườn và da 83.000 đồng/kg.

Còn theo bảng giá của AUVIET Foods, giá thịt mông sấn nhập khẩu hiện niêm yết ở mức 98.000 đồng/kg; sườn già 77.000 đồng/kg; sườn mềm 89.000 đồng/kg…. Được biết, đây chỉ mới là bảng giá tham khảo thịt lợn đông lạnh nhập khẩu do công ty đề xuất. Nếu mua số lượng lớn mức giá sẽ ưu đãi hơn nhiều.

Mức giá này được cho là "siêu rẻ" khi chỉ bằng một nửa so với giá bán thịt lợn tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hiện đang dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg tuỳ loại; còn trong siêu thị, giá thịt lợn bán lẻ phổ biến ở mức 200.000 - 250.000 đồng/kg.

Còn nếu tham khảo trên mạng, giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu cũng đang được các tài khoản rao bán rẻ hơn rất nhiều, dao động từ 85.000 - 140.000 đồng/kg tuỳ loại. 

Đơn cử như theo bảng giá thịt lợn của Vissan tại thị trường TP.Hồ Chí Minh mới đây, giá các mặt hàng thịt lợn dao động từ 70.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg, tùy loại. 

img

Bảng giá thịt lợn của Vissan tại siêu thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. Nguồn: VITIC

Tăng nhập khẩu lợn ông bà, cụ kỵ 

Cục Thú y cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu về 1.808 con lợn giống (chủ yếu là lợn giống cụ kỵ, ông bà) từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan; trong khi năm 2019 cũng đã nhập về 2.494 con. 

Đáng chú ý là ngày 19/4 mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa phối hợp với Chi cục Thú y vùng III, Công ty TNHH và dịch vụ chăn nuôi New Hope Thanh Hóa đã nhập khẩu 1.208 con lợn giống cấp ông bà, cụ kỵ, gồm 126 con lợn đực hậu bị, 1.082 lợn cái hậu bị từ Canada về Trang trại lợn giống của công ty tại thôn Tượng Liên, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành.

Như vậy, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 1.150.000 con, trong đó lợn nái cấp cụ kỵ, ông bà là 2.350 con, lợn nái cấp bố mẹ khoảng 110.000 con. Trung bình mỗi ngày tỉnh Thanh Hóa giết mổ tiêu thụ nội tỉnh 1.500 con lợn (tương đương khoảng 150 tấn lợn hơi), xuất bán ra ngoài tỉnh 450-500 con lợn thịt (tương đương khoảng 50 tấn lợn hơi).

Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu bán ở đâu?

Theo tìm hiểu của PV, ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hoàn toàn vắng bóng thịt lợn nhập khẩu. Nguyên nhân là do các tiểu thương hầu như không có tủ cấp đông, tủ làm mát; chỉ có một số siêu thị bán lượng nhỏ mặt hàng này (khoảng 5-10%) do có đủ điều kiện bảo quản, dự trữ, bán mặt hàng thịt lợn nhập khẩu.

Mặc dù thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá bán khá thấp, thậm chí nếu mua số lượng lớn thì giá là "siêu rẻ", nhưng do tập quán của người tiêu dùng Việt là quen dùng thịt nóng hổi, giết mổ trong ngày, hơn nữa, thịt nhập khẩu không đủ chủng loại, kém phong phú nên chủ yếu được cung cấp vào các nhà hàng, quán cơm, khách sạn…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem