Gia tăng phát hiện bệnh lao trong cộng đồng

Diệu Linh Thứ tư, ngày 07/09/2022 14:06 PM (GMT+7)
Theo Chương trình chống lao Quốc gia, 6 tháng đầu năm đã phát hiện 48.056 ca mắc bệnh lao, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Bình luận 0

Sáng 7/9, Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức sơ kết hoạt động phòng chống bệnh lao 6 đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022. 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia cho biết, dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn  đến kết quả phòng chống lao. 

Cụ thể, năm 2020-2021, số phát hiện lao giảm tới 23%, làm xuất hiện những ca lao nặng đến rất nặng, thậm chí tử vong. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ phát hiện bệnh lao trên cả nước đã gia tăng trở lại, có sự cải thiện đáng kể về số lượng và phục hồi chất lượng.

Gia tăng phát hiện bệnh lao trong cộng đồng  - Ảnh 1.

"Mục tiêu phát hiện 100.000 ca bệnh lao trong năm nay có khả năng đạt được", PGS Nguyễn Viết Nhung khẳng định. Ảnh BYT

Theo Chương trình chống lao Quốc gia, 6 tháng đầu năm đã phát hiện 48.056 ca mắc lao, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi khả năng phát hiện bệnh đang diễn ra. 

Đặc biệt, quý 2/2022 là giai đoạn cho thấy những nỗ lực to lớn của đơn vị chống lao các cấp từ Trung ương tới địa phương trong việc mở rộng và đẩy mạnh triển khai chiến lược 2X để phát hiện tích cực và phát hiện chủ động bệnh lao.

Nhiều hoạt động truyền thông cũng được triển khai đồng bộ, lan tỏa sâu rộng đã mang lại hiệu quả khả quan ban đầu. Người dân và các nhóm nguy cơ cao đã chủ động đến cơ sở chống lao hoặc tham gia các chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình sau đại dịch Covid-19.

"Mục tiêu phát hiện 100.000 ca bệnh lao trong năm nay có khả năng đạt được", PGS Nhung khẳng định. 

Tuy nhiên, theo PGS Nhung, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt công tác phát hiện sớm bệnh lao, vẫn có những địa phương tỷ lệ phát hiện lao cao nhưng số người điều trị lại thấp, đặc biệt nguy hiểm ở các thể lao như lao siêu kháng, lao đa kháng hay lao trẻ em….  

"Nguyên nhân là do người dân còn quá chủ quan với bệnh lao hoặc do bác sĩ chưa tư vấn kỹ để người dân hiểu bệnh lao có thuốc chữa và có thể chữa khỏi", PGS Nhung nhận định. 

Để việc phòng chống lao có hiệu quả hơn trong thời gian tới, PGS Nhung cho rằng cần đẩy mạnh phát hiện bệnh lao chủ động tại cộng đồng, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao để đưa vào điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao... 

Ngoài ra những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn, nhằm lao nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.

"Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (Báo cáo WHO 2021).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem