Giá thịt heo tăng nhanh: TP. HCM kiến nghị nhiều giải pháp "giải cứu"

Lê Đình Văn Thứ bảy, ngày 21/12/2019 07:03 AM (GMT+7)
Nhằm bình ổn thị trường thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý, trong bối cảnh giá đang tăng phi mã, các ban ngành của TP.Hồ Chí Minh đã họp bàn đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất kiến nghị các ban ngành Trung ương có chính sách nhập khẩu thịt heo đông lạnh…
Bình luận 0

img

Biến động thị trường

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, bà Nguyễn Huỳnh Trang, trong nước giá heo hơi đang ở mức khá cao, khu vực phía Nam dao động từ 80.000 - 83.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với đầu tháng 9/2019 (dao động 40.500 – 42.500 đồng/kg).

Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lan rộng ra 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, trong đó có các khu vực chăn nuôi trọng điểm và lân cận TP.HCM như :Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…

img

Giá thịt heo hiện đang ở mức khá cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đặc biệt, heo nhiễm bệnh bị buộc tiêu hủy, các vùng nuôi nhiễm dịch bị hạn chế tái đàn là 2 nguyên nhân chính làm tổng đàn heo cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018. Ngoài ra, chi phí chống dịch tăng làm chi chí chăn nuôi tăng cũng là nguyên nhân trực tiếp làm giá heo hơi tăng. Nguyên nhân nữa, do ảnh hưởng của dịch, hoạt động chăn nuôi hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, trong khi hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp lớn được tổ chức tốt, ít thiệt hại.

Tuy nhiên, do không được hỗ trợ thiệt hại khi heo bị nhiễm bệnh, buộc tiêu hủy như các hộ gia đình, các doanh nghiệp chăn nuôi cộng phần thiệt hại này vào cơ cấu chi phí chăn nuôi, góp phần nâng giá bán ra.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%, nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống.

Giải pháp nào ổn định giá?

Cân đối cung – cầu mặt hàng thịt heo (nguồn cung giảm, giá tăng) cho thành phố đông dân nhất của cả nước, các ban ngành của TP.HCM đã họp bàn với các doanh nghiệp phân phối, các hiệp hội chăn nuôi ngoài thành phố để bình ổn mặt hàng thịt heo.

img

TP.HCM nỗ lực ổn định thị trường, không để khan hiếm thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Sở Công Thương TP.HCM, giải pháp đưa ra là đôn đốc doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu thịt heo.

Kích cầu các mặt hàng thay thế là thịt gia cầm, rau củ quả… đồng thời tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thịt đông lạnh, tăng cường cung ứng thịt đông lạnh phục vụ chế biến thức ăn làm sẵn.

Giá thịt heo không hợp quy luật cung cầu

Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện nay tại thành phố, lượng cung thịt heo vẫn đảm bảo đầy đủ trong khi sản lượng tiêu thụ giảm nhưng giá vẫn tăng và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Diễn biến giá hiện nay không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường nên các giải pháp quản lý thông qua hình thức điều chỉnh giá bán không phát huy tác dụng. 

img

Kiểm tra an toàn thịt sạch tại một quầy kinh doanh thịt heo ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ.

24 quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu thịt heo vào Việt Nam

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hiện tại có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam. Tất cả các sản phẩm từ động vật trên cạn (trong đó có thịt heo) đều phải thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 10/12/2019, lượng thịt heo nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố đạt 13.231 tấn, tăng 7.130 tấn (117%) so với cùng kỳ 2018.

Để bổ sung nguồn cung thịt heo, các ban ngành đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo hơi từ các nước lân cận (chưa nhiễm dịch hoặc có thể kiểm soát dịch), đồng thời có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất đối với mặt hàng thịt heo nhập khẩu.

Kiến nghị Bộ NNPTNT có giải pháp khuyến khích tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi có cơ sở vật chất tốt. Các ban ngành cũng đề xuất UBND TP.HCM cần yêu cầu Sở Công Thương có giải pháp kết nối, hỗ trợ các công ty chăn nuôi gia súc mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thịt heo cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của thành phố.

Bộ NNPTNT đề nghị Ban Chỉ đạo 389 phối hợp kiểm soát lợn xuất, nhập lậu

Theo báo cáo của các địa phương và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp gia cầm (bao gồm cả gà, vịt giống) và các sản phẩm gia cầm giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Để ngăn chặn các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, bảo vệ phát triển chăn nuôi gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; cụ thể cần tập trung một số nội dung sau:

Đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia

- Chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam.

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.

img

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản gia cầm ra, vào Việt Nam.

- Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương; phối hợp tổ chức áp dụng các biện pháp triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép ra, vào Việt Nam.

Đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên.

H.V

TT-Huế: Gần 74.000 con lợn mắc dịch tả, nguồn thịt lợn khan hiếm

Chiều 20/12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 710 thôn, 125 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổng số lợn ở tỉnh mắc bệnh và đã tiêu hủy là gần 74.000 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 4.455 tấn. Hiện đã có 35 xã có bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới và có 28 xã có bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại tái bùng phát dịch.

img

Cơ quan chức năng tiêu độc khử trùng tại cơ sở chăn nuôi lợn ở Thừa Thiên Huế. 

Giá lợn hơi nhập các tỉnh về lò Bãi Dâu tăng so với tuần trước, với mức 85.000đồng/kg. Giá mua trong dân lợn F1 từ 80-83.000 đồng/kg.

Theo người chăn nuôi, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, hiện nguồn cung thịt lợn ở tỉnh đã khan hiếm. 

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa ban hành Quyết định số 3205/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn do mắc dịch tả lợn Châu Phi đợt 5. Theo đó, trích ngân sách tỉnh số tiền 72,7 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã, TP.Huế để thực hiện phòng, chống dịch và chi hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, sau khi cấp thêm 72,7 tỷ đồng đợt này thì ngân sách đã đảm bảo 100% kinh phí cần hỗ trợ thiệt hại tính đến thời điểm 18/11/2019.  

An Sơn

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem