Giá xăng dầu tăng dựng đứng, chủ doanh nghiệp vận tải tìm cách bán xe để bù lỗ

Hồng Cảnh Thứ sáu, ngày 04/03/2022 04:55 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu liên tục tăng sốc, cộng với hàng loạt khó khăn do Covid-19 gây ra, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải phải đắp chiếu hàng loạt xe của mình, thậm chí là rao bán bớt xe để lấy tiền duy trì và trả lãi ngân hàng.
Bình luận 0

Từ giữa tháng 12/2021 đến nay, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 6 trong nước, lên mốc cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, tính đến 15 giờ ngày 1/3/2022, giá xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu hoả là 19.970 đồng/lít; dầu diesel là 21.3010 đồng/lít; dầu mazut là 18.460 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách khi đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất.

img

Các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và tác động của việc giá xăng dầu tăng mạnh.

Ông Vũ Văn Cường, chủ tuyến xe Sơn La – Hà Nội cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải. Việc giá xăng tăng nóng khiến doanh nghiệp của ông đã lỗ ngày càng thêm lỗ.

“Chi phí cho mỗi chiếc xe hoạt động cả lượt đi và lượt về mất khoảng 10 triệu đồng. Bao gồm lương lái xe, phụ xe, xăng dầu, phơi lệnh, ăn uống, cầu đường… Trong khi, chuyến nào cũng chí có 12-15 khách. Với giá vé 250 nghìn đồng/người, thêm hàng hoá nữa thì mỗi xe tôi phải bù lỗ từ 1,8-2 triệu đồng/ngày”, anh Cường phân tích.

Doanh thu thì giảm, giá xăng dầu thì lên, khách đi lại không có khiến doanh nghiệp của anh Cường phải hoạt động cầm chừng. Hơn 20 xe nhưng chỉ có khoảng 10 xe hoạt động, nhân sự cũng phải cắt giảm đi 50% vì quá khó khăn.

img

Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số chuyến, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.

“Khách không có nên buổi tối chúng tôi toàn phải dồn hết khách của 3 xe vào 1 xe để chạy. Cái gì cũng tăng nhưng chủ xe không dám tăng giá cước, phải cắn răng chịu lỗ. Xe để không những lãi ngân hàng vẫn phải trả. Khó khăn vô cùng”, ông Cường thở dài.

Cùng cảnh ngộ, ông Khúc Ngọc Duy – Quản lý và điều hành công ty TNHH Dịch vụ du lịch Niềm Vui cho biết, trước dịch, doanh nghiệp mình có 17 xe giường nằm chuyên tuyến Hà Nội – Sa Pa, Hà Nội – Huế - Hội An – Đà Nẵng và ngược lại. Tuy nhiên, giờ chỉ còn duy trì được 6 xe, số còn lại phải đắp chiếu gần 3 năm trời.

“Covid-19 chưa qua lại đến giá xăng dầu tăng mạnh khiến tôi không biết ngóc đầu lên kiểu gì. Văn phòng vẫn mở, tiền nhà, tiền thuê văn phòng vẫn phải nộp đúng hạn, không được giảm, xăng dầu thì ngày càng tăng giá mà khách thì không có. Nói chung xe chạy là lỗ nhưng vẫn phải làm để giữ nguồn khách và nguồn hàng duy trì”, ông Duy cho hay.

img

Hàng chục chiếc xe "đắp chiếu" gần 3 năm trời vì ảnh hưởng của Covid-19, nay lại phải bán bớt để lấy tiền duy trì.

Theo ông Duy, để có tiền duy trì công ty và trả lãi ngân hàng, ông phải rao bán bớt xe. Tuy nhiên, người mua trả giá quá rẻ, không khác gì mang cân sắt vụn.

“Một chiếc xe Thaco 38 chỗ giường nằm, có nhà vệ sinh, đời 2018, tôi phải bỏ ra số tiền 3,8 tỷ đồng gồm tiền mua mới và chi phí đủ để xe lăn bánh. Nếu định giá hiện tại cũng phải được 1,3 tỷ đồng nhưng giờ người ta trả có 700 triệu đồng. Họ trả vậy thôi nhưng cũng không có ai mua. Giá ấy khác gì mang xe cân sắt vụn đâu”, ông Duy nói.

Gần 3 năm chống chọi với mọi khó khăn của Covid-19 tác động đến ngành du lịch và vận tải, ông Duy cho biết, việc xăng dầu tăng giá liên tục như câu chuyện con lừa và cái áo, khiến doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ.

“Tôi cho rằng giá xăng tăng vào thời điểm này là bất hợp lý. Các bộ ngành, cơ quan quản lý cần có những chính sách điều chỉnh giá để “cứu” doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt là doanh nghiệp du lịch có kinh doanh vận tải để góp phần phục hồi thị trường du lịch, phát triển kinh tế”, ông Duy kiến nghị.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận Tải Hà Nội cũng cho rằng, giá xăng dầu cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Khi dịch bệnh chưa kịp lắng xuống, giá xăng tăng cao khiến doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản.

Để duy trì hoạt động và đảm bảo hiệu ủa kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải phải xây dựng các phương án điều chỉnh sao cho phù hợp với những biến động của thị trường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem