Philippines giải cứu hàng trăm người Việt bị bọn buôn người ép "giăng bẫy tình" để lừa đảo

V.N (Theo BNG, Inquirer) Thứ tư, ngày 10/05/2023 07:10 AM (GMT+7)
Các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn một nghìn người, trong đó có công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần Thủ đô Manila. Cảnh sát Philippines cho biết họ là nạn nhân của bọn buôn người, thủ đoạn của bọn chúng cũng được phơi bày.
Bình luận 0

Ngày 9/5, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, về vụ việc hơn một nghìn lao động bị cưỡng ép, trong đó có công dân Việt Nam được giải cứu ở Philippines, Bộ đã chỉ đạo Cục Lãnh sự mời Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam đến và đề nghị phía Philippines hỗ trợ; trước mắt đảm bảo nơi ăn ở cho các công dân Việt Nam, sớm thông báo cho phía Việt Nam tình trạng cư trú của các công dân này, hỗ trợ Việt Nam đưa các công dân không được Philippines cho cư trú về nước trong thời gian sớm nhất; đề nghị phía Philippines tăng cường hợp tác trong xử lý tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng ép lao động và xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, ngày 4/5, các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần Thủ đô Manila. Những người này hiện đang lưu trú an toàn tại một cơ sở do cơ quan chức năng Philippines bố trí.

Philippines giải cứu hàng trăm người Việt bị bọn buôn người ép "giăng bẫy tình" để lừa đảo - Ảnh 1.

Hàng trăm người nước ngoài được cảnh sát Philippines giải cứu khỏi bọn buôn người. Ảnh: Inquirer.

Tờ Inquirer của Philippines đưa tin, tổng số 1.090 cá nhân đã được cảnh sát Philippines giải cứu, trong đó có 389 công dân Việt Nam, ngoài ra còn có người từ Trung Quốc, Philippines, indonesia, Nepal, Malaysia, Burma, Thái Lan. Họ được coi là nạn nhân của bọn buôn người

Theo nhà chức trách Philippines, những người này bị buộc làm việc ít nhất 18 giờ mỗi ngày trong các cơ sở lừa đảo chuyên dùng các vụ đầu tư giả và tiền mã hóa làm mồi nhử. Bộ Tư pháp Philippines đã nhận được đơn tổ cáo 12 kẻ vận hành công ty, trong đó có 7 người Trung Quốc, 4 người Indonesia, một người Malaysia. Nhiệm vụ hàng ngày của các nhân viên công ty là bị buộc phải lên mạng thông qua các ứng dụng hẹn hò như Tinder, hẹn hò trên Facebook tìm kiếm các nạn nhân, tán tỉnh vỗ về họ rồi ăn cắp tiền của họ. 

Các nhân viên mà cảnh sát Philippines phỏng vấn cho biết, mỗi ca họ cần thu hút tới 20 nạn nhân trong đó một số người ở Mỹ, Canada, các nước Châu Âu.

Hai thủ đoạn được sử dụng chủ yếu, thứ nhất, liên quan đến việc kết nối các mục tiêu trên các ứng dụng nhắn tin như Whatsapp, thuyết phục họ bỏ tiền vào các vụ đầu tư đa cấp với lãi suất cao, rủi ro thấp. 

“Các nạn nhân sẽ thực sự kiếm được nhiều tiền trong vài tuần đầu” - cảnh sát Philippines cho biết. “Điều này khiến những kẻ lừa đảo có được lòng tin của các nạn nhân và họ đồng ý bỏ tiền ra đầu tư nhiều hơn. Nhưng sau đó nạn nhân sẽ không thể rút tiền ra nữa và bọn lừa đảo biến mất”.

Mưu đồ thứ hai là xúc tiến các tương tác thân mật hơn tới mức mà nạn nhân sẽ rơi vào bẫy tình của bọn lừa đảo, và sau đó bọn chúng sẽ đề nghị họ đầu tư “vì tương lai của cặp đôi”. 

“Các nhân viên công ty sẽ nói với nạn nhân rằng họ cần mua nhà, mua xe để xây dựng tương lai chung. Ban đầu có vẻ ổn vì đó là một vụ đầu tư 50 - 50” - đại diện cảnh sát Philippines nói. “Sau đó các nạn nhân sẽ  chuyển 50% tiền đóng góp của họ, còn nhân viên công ty sẽ đưa ra một nền tảng thể hiện họ cũng đóng góp 50% còn lại. Nhưng trên thực tế các nhân viên này không hề đầu tư, đó chỉ là giả mạo và lừa đảo”. 

Các nhân viên được thuê mướn qua những quảng cáo tuyển dụng trên mạng, chủ yếu trên FB, Telegram, Whatsapp. Yêu cầu tuyển dụng rất dễ dàng, chỉ cần người trên 18 tuổi, biết viết và nói tiếng Anh, biết sử dụng các ứng dụng mạng xã hội. Họ sẽ được đào tạo khoảng 5-6 ngày. Nhân viên công ty được hứa trả lương tháng 1.500 - 2.000 USD, tùy vào mức độ lưu loát tiếng Anh hoặc tiếng Trung.

Để thuyết phục hơn, những kẻ tuyển dụng chịu chi trả vé máy bay và phí visa bao gồm cả phí chuyển đổi từ visa du lịch thành visa làm việc, cộng thêm cả tiền ăn ở khi đến nước khác.

Những người được tuyển hầu hết có trình độ đại học và ưu tiên những nghề văn phòng đòi hỏi kỹ năng liên quan mạng xã hội. 

Họ nghĩ rằng họ sẽ làm những công việc trực tuyến điển hình, nhưng khi sang nước khác và đã được tuyển mộ, họ rất khó mà thoát ra bởi họ đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian của họ. 

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đất nước Philippines ngày càng trở thành một điểm tập hợp của hàng loạt các trung tâm lừa đảo trực tuyến sử dụng các công dân nước ngoài bị buôn bán.

Hontiveros lưu ý rằng trong khi các trung tâm lừa đảo ở các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á khác hoạt động ở các vùng sâu vùng xa để tránh bị phát hiện, thì những trung tâm lừa đảo ở Philippines đã đủ trắng trợn để thiết lập ở các đô thị và tòa nhà chung cư lớn.

Theo Global Anti-Scam Org, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi chính một nạn nhân lừa đảo trực tuyến, các vụ lừa đảo sử dụng người Đông Nam Á có thể được truy nguyên từ các âm mưu đánh bạc và lừa đảo viễn thông Trung Quốc nhắm vào người Trung Quốc đại lục.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu trấn áp các hoạt động như vậy vào năm 2021, nhưng những kẻ điều hành đã có thể chuyển đến Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia và Philippines, trong khi phạm vi nạn nhân của họ cũng mở rộng bao gồm cả những người không nói tiếng Trung. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, trong các ngày 6/5 và ngày 9/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đến thăm hỏi, tiến hành phỏng vấn, lên danh sách và thu thập thông tin các công dân Việt Nam; hỗ trợ thuốc men cho một số người bị ảnh hưởng về sức khỏe. Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để lên phương án hỗ trợ công dân sau khi phía Philippines ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Trường hợp công dân có thông tin về người thân, gia đình đang bị lao động cưỡng bức, lừa đi lao động ở nước ngoài, đề nghị cung cấp cho Tổng đài bảo hộ công dân +84 981848484, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (email: baohocongdan@gmail.com), đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines +63 9982756666 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem