Giám đốc BV Phổi TƯ: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế"

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 29/08/2021 16:04 PM (GMT+7)
Đó là một trong những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương về công tác phòng chống dịch Covid-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Vì sao Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà?

Hơn 1 tháng qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổng lực xét nghiệm sàng lọc những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao, phát hiện nhiều ổ dịch Covid-19. 

Đến ngày 6/9 sẽ kết thúc thời gian giãn cách đợt 3. Tuy nhiên, dịch bệnh tại thủ đô đến thời điểm hiện tại vẫn rất phức tạp, số ca dương tính trong cộng đồng vẫn tăng cao. Đặc biệt hầu như ngày nào cũng xuất hiện ca dương tính tại khu vực mới.  

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 1.

Người dân tiếp tế lương thực cho người thân trong ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Tại ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tính đến trưa ngày 29/8, sau 5 ngày đã ghi nhận tổng cộng 217 ca dương tính. Đây là ổ dịch tương đối phức tạp khi tốc độ lây lan nhanh, sâu trong khu vực. 

Tương tự, ổ dịch liên quan đến lái xe "luồng xanh" từ TP.HCM ra tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cũng tương đối phức tạp. Tính đến trưa 29/8 đã ghi nhận 50 ca dương tính SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày. Hiện lực lượng y tế đang tiến hành lấy 8.000 mẫu xét nghiệm trên tổng số 16.000 người dân để "vét sạch" F0 ngoài cộng đồng.

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế. Ảnh: NVCC

Đánh giá về tình hình phòng chống dịch tại Hà Nội, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, Hà Nội vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp phòng, chống dịch mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, theo ông Nhung, phải nhanh chóng xác định được tất cả các trường hợp đã nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm trong khu vực như ở phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), Giáp Bát (Hoàng Mai) cùng những khu vực phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc.

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 3.

Tổ Covid-19 cộng đồng trong khu vực phong toả ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung. Ảnh: Gia Khiêm

"Muốn phát hiện được hết ca bệnh thì phải khoanh vùng để xét nghiệm tổng thể. Thực tế cho thấy chỉ sau 6 ngày đã phát hiện hơn 200 ca dương tính tại phường Thanh Xuân Trung, điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn", ông Nhung cho hay.

Thứ hai, khi phát hiện được các trường hợp F0 và F1 cần cách ly ngay, tức là "bóc tách" ra khỏi cộng đồng, nhưng phải hiểu bóc tách ra khỏi cộng đồng cho đúng.

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 4.

Nhân viên y tế tiến hành đưa người dân F1 ở phường Thanh Xuân Trung đi cách ly tập trung. Ảnh: Gia Khiêm

"Việc tách F0 ra khỏi cộng đồng không chỉ có nghĩa là đưa người dân đi ra chỗ khác, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, mà còn có thể để người dân tự cách ly trong cộng đồng ngay tại một phòng cách ly riêng biệt của nhà mình nếu đủ điều kiện. Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế. 

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 5.

Tiếp tế thực phẩm cho người dân khu vực phong toả ngõ 328 Nguyễn Trãi ngày 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Ngoài điều kiện tuân thủ tốt cách ly của người F1 hoặc F0, điều kiện phòng riêng khép kín riêng biệt, người trợ giúp chăm sóc trong gia đình thì vấn đề giám sát của y tế địa phương hoặc tổ Covid cộng đồng vừa giám sát chất lượng cách ly vừa tư vấn theo dõi sức khỏe và kết nối y tế khi người bệnh chuyển nặng sẽ rất hiệu quả", ông Nhung góp ý kiến. 

Cần phải tiến hành "phân quyền" xét nghiệm cho người dân

Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, cần tránh tình trạng đã đầu tư khu cách ly tập trung dã chiến là phải dùng cho hết. 

"Đã có tình trạng nhiều F1 đã trở thành F0 một cách oan uổng vì lây chéo trong phòng cách ly. Chủng Delta có sức lây rất mạnh, trong phòng cách ly sống chung dài ngày thì khó tránh được lây nhiễm qua đường không khí tức là đi xa hơn 2 mét, phòng giọt bắn và tiếp xúc không đủ ngăn chặn lây nhiễm", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nêu.

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 6.

Người dân phường Giáp Bát lấy mẫu xét nghiệm sáng ngày 28/8. Ảnh: Nguyễn Chương

Thứ 3, ông Nhung khuyến cáo Hà Nội cần phải tiến hành "phân quyền" xét nghiệm cho người dân trong thời gian tới như một số tỉnh phía Nam. Theo đó, các xét nghiệm kháng nguyên nhanh do Bộ Y tế khuyến cáo cần được người dân tiếp cận một cách hợp lý và hiệu quả. Việc tự lấy mẫu và tự xét nghiệm hoàn toàn khả thi vì không khó, có thể làm theo video hướng dẫn.

"Phương pháp này có nhiều lợi ích, đầu tiên là cho người dân chủ động trong việc phát hiện khi cảm thấy có nguy cơ, tăng tính tự giác và cảnh giác với dịch.  Tất nhiên người dân phải biết khi có nguy cơ thì xét nghiệm âm tính vẫn phải tự cách ly theo dõi, vì âm tính hôm nay nhưng có thể dương tính hôm sau trong vòng 14 ngày, hay ít nhất là trong vòng 7 ngày. 

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 7.

Sở chỉ huy phòng chống dịch tại Phường Giáp Bát ngày 28/8. Ảnh: Gia Khiêm

Tiếp đến là rất lợi cho hệ thống giám sát dịch, vừa giảm nhân công vừa giảm ngân sách và nhất là khi cần phát động mở rộng xét nghiệm như khu vực này hiện nay có thể phát kit test cho người dân thực hiện tất cả mọi gia đình, tránh việc tập trung xét nghiệm tăng lây nhiễm và đặc biệt người lấy mẫu quá tải, không sát trùng hay thay găng tay làm lây nhiễm từ người này sang người khác như đã xảy ra là khó tránh khỏi", ông Nhung chia sẻ.

Giám đốc BV Phổi TW: "Hà Nội nên thí điểm tự cách ly tại nhà để giảm tải áp lực hệ thống y tế" - Ảnh 8.

Ông Nhung cho biết thêm, trong thời gian tới Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện mô hình "mỗi phường là một pháo đài chống dịch bệnh". Trong ảnh công an đang chốt trực tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân ngày 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Ông đưa ra một dẫn chứng cụ thể, người dân tìm kiếm mua test kit trên mạng vào loại không phải danh mục chuẩn của Bộ Y tế khuyến cáo, kết quả là âm tính giả như một gia đình tại TP. Hồ Chí Minh nhiều lần âm tính nhưng khi làm RT PCR thì 5 người trong nhà dương tính. 

Về ổ dịch tại khu vực phường Thanh Xuân Trung, ông cho rằng do có nhiều ngõ ngách, nhà dân ở sát nhau nên rất ít gia đình có đủ điều kiện cách ly tại nhà mà đều phải đi cách ly tập trung. 

Nếu có những trường hợp đủ điều kiện có thể để người dân tự cách ly theo dõi ở một phòng riêng biệt trong chính ngôi nhà mình là cách thí điểm tốt. Chúng ta có khái niệm "vùng xanh", "vùng đỏ", Thanh Xuân Trung hiện nay được coi là vùng đỏ, nghĩa là người trong vùng này không được ra ngoài, trái lại với vùng xanh thì người ngoài không được vào vùng xanh. 

"Tôi cho rằng trong thời gian tới, Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện mô hình "mỗi phường là một pháo đài chống dịch bệnh" như lời Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu với các tỉnh phía Nam. Để đạt được hiệu quả, cần phải làm rõ định nghĩa thế nào là một pháo đài chống dịch, gồm những bộ phận nào, vai trò phân công cụ thể ra sao?...", ông Nhung chia sẻ thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem