Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam: Mỹ và Việt Nam là 2 đối tác có thể tin tưởng vào nhau

V.N Thứ năm, ngày 15/12/2022 21:26 PM (GMT+7)
Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bênh tật Hoa Kỳ (CDC), Tiến sĩ Eric Dziuban hôm nay 15/12 đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về hợp tác y tế Việt – Mỹ và các mốc quan trọng trong hợp tác y tế song phương năm 2023.
Bình luận 0

Điểm lại hợp tác giữa hai nước, Tiến sĩ Dziuban cho biết, một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 27 năm qua là  phúc lợi và  sức khỏe, trong đó tập trung các lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, phòng chống lao, cúm, hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam để đảm bảo an ninh y tế quốc gia và y tế toàn cầu…

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam: Mỹ và Việt Nam là 2 đối tác có thể tin tưởng vào nhau - Ảnh 1.

Ông nhắc lại, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã  gửi tặng Mỹ các trang thiết bị bảo hộ các nhân mà lúc đó phía Mỹ thực sự rất cần. Sau đó Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine Covid-19 và hỗ trợ kỹ thuật hơn 40 triệu USD để giúp Việt Nam phòng chống đại dịch.

Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam và khai trương văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội. Điều đó cho thấy không chỉ việc hợp tác y tế giữa 2 quốc gia mà còn thấy được vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

"Những năm vừa qua rất khó khăn vì phải đối mặt với Covid-19. Như người ta nói, khi khó khăn phải nhờ đến bạn bè, thì 2 nước là đối tác có thể tin tưởng vào nhau được" – Tiến sĩ Dziuban nói.

Trong năm 2023, kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, việc hợp tác y tế sẽ tập trung vào những lĩnh vực sau: Tăng cường hệ thống y tế nói chung của Việt Nam, lựa chọn điều trị hiện đại cho lao, tăng cường tiêm vaccine cho trẻ em và người lớn, xây dựng chương trình ứng phó với HIV một cách bền vững và tác động hiệu quả lớn hơn, thành lập CDC quốc gia cho Việt Nam

Đánh giá về tình hình Covid-19 ở Việt Nam, tiến sĩ Dziuban lưu ý: Dù mọi người nói nhiều đến hậu Covid, song thực tế là Covid vẫn hiện diện ở đây. Vẫn có những người bị nhiễm, có những người phải nhập viện và tử vong vì Covid-19.

Việt Nam rất nỗ lực để xử lý đại dịch. Đã có nhiều biện pháp được áp dụng và bây giờ tình hình Việt Nam tốt hơn nhiều: Hiện nay 95% dân số đã được tiêm phòng vaccine và số người nhiễm nặng rất ít.

Để kiểm soát Covid-19 tốt hơn trong năm 2023, Tiến sĩ Dziuban cho rằng cần tập trung 2 việc: Thứ nhất,  tiếp tục tiêm phòng vaccine,  tiêm liều tăng cường để duy trì miễn dịch. Thứ hai, giám sát chặt với các chủng mới, bởi virus này đột biến nhiều.

Với các dịch bệnh khác xảy ra ở Việt Nam gần đây  như cúm A, B, sốt xuất huyết, lao, Tiến sĩ Dziuban cho biết, CDC Mỹ vẫn hỗ trợ Việt Nam để làm sao có nền tảng ứng phó với tất cả các dịch bệnh chứ không chỉ riêng Covid-19.

Về vấn đề thiếu nhân lực trong ngành y tế, Tiến sĩ Dziuban nói rằng đó là vấn đề ở Việt Nam và nhiều quốc gia nữa. "Tôi là bác sĩ, tôi đã từng làm việc ở lĩnh vực lâm sàng, điều trị, khám bệnh, kê đơn hàng ngày, nhưng tôi cũng làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng với nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng. Trong cả 2 lĩnh vực, vấn đề nhân sự trong 2 năm đại dịch vừa qua  rất khó khăn".

Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam đào tạo nhân sự y tế, từ các chương trình đào tạo lồng ghép cho nhân viên y tế Việt Nam đến đào tạo nhân viên y tế chẩn đoán phòng thí nghiệm, gia tăng khả năng phát hiện ổ dịch mới, bệnh mới, nguyên nhân mới.

Tiến sĩ Dziuban cho biết: "Tôi rất lạc quan vì hai bên đã có một vài thập kỷ hợp tác với nhau. Tôi được khuyến khích bởi việc Việt Nam không chỉ ứng phó với bệnh dịch, mà còn là cách thức làm việc của Việt Nam. Tôi nêu 2 ví dụ: Việt Nam tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế  hay xây dựng các thể chế y tế. Điều đó cho thấy Việt Nam nghĩ đến những chiến lược lâu dài, các mối đe dọa tiếp theo".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem