Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế vừa bị bắt giam đối diện hình phạt nào?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 19/02/2022 10:24 AM (GMT+7)
Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế và Kế toán trưởng đơn vị này bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19. Chuyên gia pháp lý đã có phân tích về vụ việc này.
Bình luận 0

Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế đối diện mức phạt rất nặng?

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ kit xét nghiệm Công ty Việt Á, ngày 19/2, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Hà Thúc Nhật - Kế toán trưởng đơn vị này.

Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế vừa bị bắt giam đối diện hình phạt nào?  - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CDC Thừa Thiên Huế

Theo thông tin ban đầu, ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19.

Trong ngày 18/2, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Đức và ông Nhật tại CDC tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, bản chất của vụ việc ở CDC Thừa Thiên Huế và các nơi khác mà cơ quan chức năng đã khởi tố là các đối tượng đã không tuân thủ quy định của Luật đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu, xác định không đúng giá trị của các loại hàng hóa khi mua bằng tiền từ ngân sách nhà nước.

Dù là tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu để mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về mua sắm tài sản công, quy định của Luật đấu thầu, hướng đến mục đích là để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Nhà nước chi tiền để mua những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Nhưng các đối tượng đã cấu kết với nhau vi phạm quy định về đấu thầu, bán cho nhà nước sản phẩm kém chất lượng với giá cao ngất ngưỡng, gấp nhiều lần giá thị trường.

Số tiền chênh lệch thu được từ việc mua bán này các đối tượng chia nhau hưởng lợi. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Bởi vậy các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Tội đưa hối lộ, nhận hối lộ; Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả của những người có liên quan.

Ngoài ra những sản phẩm kém chất lượng này sẽ tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bệnh nên thiệt hại đối với xã hội là không thể đo đếm được.

Bởi vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với nhà nước, với các tổ chức, cá nhân để xác định trách nhiệm, bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo ông Cường, đối với các cán bộ, lãnh đạo của CDC Thừa Thiên Huế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hay hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ để xử lý đối với các tội danh tương ứng...

Những tội phạm về chức vụ có mức chế tài rất nghiêm khắc, nếu là hành vi nhận hối lộ, với số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có chế tài là tử hình.

Vụ án xảy ra tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành y tế đang xuống cấp nghiêm trọng, công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội đối với lĩnh vực này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sơ hở khiến các đối tưởng trục lợi.

Vụ án này không chỉ để xử lý đối với các cán bộ có vi phạm mà còn tìm ra các lỗ hổng, kẻ hở trong công tác quản lý đối với lĩnh vực y tế để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Khuất tất tại CDC Thừa Thiên Huế từng được Báo Dân Việt nêu

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu tại CDC Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dược liệu và công nghệ y tế Đ.T (Công ty Đ.T) vừa có đơn gửi đến Báo Dân Việt phản ánh về một số dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 do CDC Thừa Thiên Huế thực hiện.

Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế vừa bị bắt giam đối diện hình phạt nào?  - Ảnh 3.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế bị doanh nghiệp “tố” có dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu. Ảnh: Trần Hòe.

Theo Công ty Đ.T, trước đây, Công ty từng trúng gói thầu số 2 mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc Dự án mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 theo Quyết định 548/QĐ-SYT ngày 21/6/2021 của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Gói thầu này bao gồm bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 2, thương hiệu Danameco - Việt Nam và bộ trang phục chống dịch cấp 4 thương hiệu Lakeland- Mỹ. Công ty đã cung ứng đầy đủ hàng hóa, đảm bảo theo chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định 2252/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp đợt 3.

Việc mua sắm đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư là hơn 18,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao CDC tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề xuất và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; thực hiện đàm phán, thương thảo với nhà cung ứng về giá vật tư, đảm bảo tiết kiệm ngân sách.

Công ty Đ.T cho hay, một số vật tư, trang phục phòng, chống dịch trong đợt mua sắm do CDC Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư đã có sự thay đổi về cấu hình, không phù hợp với gói thầu đã đấu thầu công khai trước đó.

Điển hình như bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp độ 4 đã bị thay đổi các thành phần như: Khẩu trang N95:3M- Mỹ đổi thành N95-Pháp; bao giày Danameco- Việt Nam đổi thành Thời Thanh Bình- Việt Nam; găng tay HTC- Việt Nam đổi thành Merufa- Việt Nam; kính bảo vệ Polison Corporation- Đài Loan đổi thành Sugie- Đài Loan…

Tất cả sự thay đổi thành phần này, Công ty Đ.T cho rằng đều không rõ lý do và có những dấu hiệu bất thường.

Mặt khác, dù Công ty Đ.T đã từng trúng thầu mua sắm trang phục phòng chống dịch Covid-19 trước đó nhưng lại không nhận được thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả đợt mua sắm này.

Theo Công ty Đ.T, doanh nghiệp này có thể giảm 20-30% so với giá trúng thầu trước đó và có thể giảm đến mức lợi nhuận thấp, hoặc không lợi nhuận, nhưng vẫn không được chủ đầu tư lựa chọn.

Ngoài ra, nếu xét về giá thấp nhất để phục vụ công tác chống dịch thì Công ty Đ.T đã có bộ sản phẩm trang phục phòng chống dịch thương hiệu Phú Quý với mức 65.000 đồng/bộ.

Mức giá này thấp hơn tất cả mức giá các nhà thầu khác đưa ra và bộ trang phục Phú Quý hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế nhưng vẫn không được chủ đầu tư lựa chọn. 


Bạn đọc đang đọc bài viết "Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế vừa bị bắt giam đối diện hình phạt nào?" đăng tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem